Ngành học này đang trở thành xu hướng phát triển mới trong tương lai, thu hút được sự quan tâm và yêu thích của không ít các bạn trẻ.
Từ mùa tuyển sinh năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức mở ngành học mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đó là ngành game.
Ngành game gồm có chuyên ngành Thiết kế game (Game designer) và Phát triển game (Game developer). Năm nay trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển 200 chỉ tiêu.
Trao đổi với báo chí, ông Thắng - Phó Viện trưởng cho biết đây là chương trình có tính chuyên sâu, xây dựng để đào tạo các chuyên gia thiết kế và phát triển trong ngành công nghiệp game. Học viện sẽ thiết kế đào tạo ngành học trong 4 năm, 8 kỳ với 135 tín chỉ. Ngành học này giúp đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng thiết kế và phát triển Game ở trình độ cao để cung cấp nguồn nhân lực thiết kế game, có thể tham gia thị trường công nghệ game của thế giới.
Đây là lần đầu tiên ngành game chính thức được đào tạo tại Việt Nam
Thiết kế game là gì?
Ngành game bao gồm hai mảng chính là lập trình game và thiết kế game. Đây là các quá trình xây dựng, thiết kế và phát triển game nhằm phục vụ yêu cầu giải trí của người chơi. Cụ thể là lên ý tưởng, phát triển ý tưởng, quản lý dự án, xây dựng kịch bản trò chơi, màn chơi,.. Sau đó sẽ đến công đoạn lập trình, vẽ đồ họa của game, sửa lỗi game và cuối cùng tung sản phẩm ra thị trường. Khi nhu cầu giải trí của con người ngày càng được nâng cao, đồng nghĩa với việc các sản phẩm ra mắt trên thị trường càng cần phải đáp ứng tốt đa dạng các yếu tố như đồ họa đẹp, cốt truyện hay, mới lạ và khác biệt...
Công việc chi tiết của một Thiết kế game chuyên nghiệp gồm:
Lên ý tưởng về mặt nội dung, concept, thể loại game, xu hướng thiết kế đồ họa,... để phát triển dự án game mới.
Thử nghiệm các thể loại trò chơi khác nhau, lên phương án kết hợp nhiều thể loại trong cùng một game.
Xác định các yêu cầu đặt ra cho game, có thể là yêu cầu từ Game Designer hoặc yêu cầu từ đơn vị đầu tư.
Phác thảo sơ lược ý tưởng về nội dung, quy tắc trò chơi.
Xây dựng và phát triển phần cốt truyện, nhân vật trong game, lối chơi cũng như các cấp độ, thử thách.
Phối hợp cùng các bộ phận khác như: Game Developer, Game Programmer, Game Tester,... để hoàn thiện dự án game.
Đề xuất các ý tưởng mới, cải tiến, nâng cấp phiên bản trò chơi hiện có.
Tại Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực ngành game có trình độ cao, có khả năng làm chủ quy trình thiết kế, phát triển cho đến triển khai kinh doanh game. Do đó, việc đào tạo chuyên sâu về ngành này sẽ giúp đáp ứng được các yêu cầu trên của thị trường.
Chương trình đào tạo phải đảm bảo các khối kiến thức đều có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và khoa học xã hội như tâm lý, văn hóa, đặc biệt là kiến thức về pháp luật, an toàn bảo mật để định hướng sinh viên tốt nghiệp làm những game không chỉ thu hút người chơi mà còn an toàn, lành mạnh.
Ngoài thiết kế game, những công việc sau khi học các ngành này ra có thể là Concept Artist (Minh họa ý tưởng); Nhà sản xuất game; Quản lý dự án; Lập trình viên game; Họa sĩ game và kỹ sư âm thanh; Biên kịch game; Localizer (Nhân viên bản địa hóa); Level designer (Thiết kế cấp độ trò chơi); Quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng (QA, QC)...
Những yếu tố cần thiết để trở thành một nhà Thiết kế game chuyên nghiệp
Để lập trình và thiết kế game, bạn phải biết chơi, hiểu về nhiều thể loại trò chơi khác nhau để biết game có những tính năng gì, bao gồm các nhiệm vụ nào, mức độ khó ra sao...
Tuy nhiên, để lập trình và thiết kế game trở thành nghề nghiệp của bạn, bạn không thể giữ tâm lý vừa làm vừa chơi. Việc chơi game cũng phải được tiến hành theo định hướng công việc để nghiên cứu và tìm ra phân khúc thị trường, nắm bắt xu hướng cũng như tạo ra game mới. Bạn cần có sự chú ý đến chi tiết, tầm nhìn, sáng tạo và sự chuyên nghiệp để làm công việc này.
Muốn trở thành một game designer giỏi thì cần phải rèn luyện rất nhiều yếu tố: Quan sát tỉ mỉ từng chi tiết; Sáng tạo – Phong cách; Thành thạo các kiến thức cơ bản. Khi học ngành thiết kế đồ họa game bạn cần có kiến thức cơ bản về mỹ thuật để có thể chia bố cục, lựa chọn màu sắc, tỷ lệ, ánh sáng,… sao cho thích hợp. Hơn nữa, bạn phải thành thạo các phần mềm thiết kế như Autodesk 3Ds Max, Adobe Premiere, Adobe After Effects, Photoshop,… Hiểu biết về lập trình, thành thạo một số game và khả năng làm việc nhiều giờ với máy tính là những thử thách khi học ngành thiết kế đồ họa game.
Cơ hội việc làm lớn, mức lương hấp dẫn
Theo trang web phân tích dữ liệu thị trường game Newzoo, năm 2023, doanh thu ngành game ước tính đạt 183 tỷ USD. Dự báo đến năm 2026, con số này sẽ tăng lên mốc 212,4 tỉ USD.
Tại thị trường Đông Nam Á, doanh thu ngành game đã có bước nhảy vọt từ 2,4 tỉ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỉ USD năm 2023. Trong đó, Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh hơn so với các nước cùng khu vực.
Theo các thông tin khảo sát của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hiện nay trên các trang tin tuyển dụng, có khoảng 800 bài đăng tuyển nhân sự game đến từ 45 công ty tại Việt Nam, trong đó 50% là Game developer và 30% là Game designer.
Tuy vậy, thực tế cho thấy các studio game Việt Nam mới chỉ thiết kế được rất ít game độc đáo, mới mẻ và đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Nói cách khác, Việt Nam chưa có nhiều "game designer" - nhà thiết kế game, mà mới chỉ có nhiều "game developer" - nhà lập trình game.
Mức lương khởi điểm dành cho các vị trí thiết kế và phát triển game dao động trong khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng, tùy vào năng lực cá nhân. Sau từ 2-3 năm, mức lương này sẽ có sự phân hóa rõ rệt, thậm chí có bạn nhận mức lương đến 50 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh lương chính, lập trình viên game có thể tăng thêm thu nhập khi làm các dự án riêng, lập trình game cá nhân để đẩy lên các kho ứng dụng iOS hay Google Play… Khi đó, mức thu nhập của lập trình viên game sẽ là không giới hạn.
Thời gian làm việc của người thiết kế game linh hoạt. Bạn cũng sẽ có cơ hội thăng tiến nếu là người cầu tiến, sáng tạo, có năng lực chuyên môn và khả năng quản lý tốt.