So với dự thảo, quy chế chính thức về kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã có những điểm quy định rõ hơn về việc tổ chức cụm thi.
Cụ thể, có 2 loại hình cụm thi: Cụm thi cho các thí sinh (TS) dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụm thi này tổ chức thi cho TS của ít nhất 2 tỉnh, do trường ĐH chủ trì phối hợp với sở GDĐT. Loại cụm thi cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GDĐT chủ trì phối hợp với trường ĐH.
Sẽ có 2 loại cụm thi dành cho 2 đối tượng thí sinh dự thi. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia giáo dục, điều chỉnh của bộ trong cách tổ chức cụm thi tại địa phương có ưu điểm là TS sẽ không phải di chuyển nhiều, được thi ở gần nhà, điều này thuận lợi hơn so với dự thảo trước đây khi yêu cầu phải thi liên tỉnh.
Ông Hà Xuân Quang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết mặc dù đến nay vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về việc được giao chủ trì một cụm thi nhưng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng đã có phương án chuẩn bị cho việc này. Cụ thể, trường sẽ tiến hành khảo sát các cơ sở giáo dục, trường THPT xung quanh dự kiến làm địa điểm thi, lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố đảm bảo như: Số lượng phòng thi, diện tích phòng: “Các phương án tập huấn nhân sự, sinh viên tình nguyện, cán bộ coi thi, kết hợp với các cơ quan an ninh trong khu vực... tất cả đều đã có kế hoạch chỉ chờ Bộ GDĐT ấn định là bắt tay vào công tác tổ chức cụm thi” – ông Quang nói.
Dự kiến ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ được giao chủ trì tổ chức một cụm thi với số lượng 35.000 TS trong kỳ thi THPT quốc gia tới. Thời điểm này, lãnh đạo trường đã phổ biến nội dung và ráo riết triển khai chuẩn bị các địa điểm, cách thức tổ chức, phương án coi thi... Hiệu trưởng nhà trường, PGS-TS Nguyễn Văn Minh cho biết: “Từ 5 năm gần đây lượng TS thi vào trường khoảng 16.000 TS, bây giờ phải tổ chức với số lượng gấp đôi sẽ phức tạp hơn, tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng để thực hiện tốt”.
Trong khi đó, tại TP.HCM, dự kiến cũng có 6 cụm thi bao gồm: ĐHQG TP.HCM sẽ tổ chức thi cho 45.000 TS, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM 30.000 TS, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM 30.000 TS, Trường ĐH Y Dược TP.HCM 20.000 TS, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM 25.000 TS và Trường ĐH Tôn Đức Thắng 25.000 TS.
Như vậy, dự kiến số lượng TS dự thi tại TP.HCM là 175.000 TS. Hai đơn vị được giao in sao đề thi là ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.