Ngành học này có tính ứng dụng cao, được đánh giá cao khi cơ hội việc làm rộng mở, mức thu nhập tốt và có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Ngành học phù hợp với các bạn nam, luôn "khát" nhân lực chất lượng cao
Với khí hậu nóng ẩm, Việt Nam được xem là thị trường điều hòa lớn nhất Đông Nam Á. Theo ước tính, mỗi năm thị trường nước ta tiêu thụ trên dưới 2 triệu máy điều hòa. Đến năm 2025, quy mô thị trường dự kiến lên tới 82,9 tỷ USD, đứng thứ 3 ở châu Á. Chính vì thế, ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí trở thành ngành học HOT nhằm đào tạo ra các nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường trong việc nghiên cứu, bảo trì, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống máy lạnh, điều hòa không khí.
Theo đó, ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí là ngành học chuyên nghiên cứu, lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống máy lạnh và điều hòa không khí theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đạt năng suất, an toàn. Ngành học bao gồm các lĩnh vực:
Kỹ thuật lạnh: Bao gồm nguyên lý hoạt động, cấu tạo, lắp đặt, vận hành và sửa chữa các hệ thống lạnh như máy lạnh, tủ lạnh, kho lạnh,…
Kỹ thuật điều hòa không khí: Bao gồm nguyên lý hoạt động, cấu tạo, lắp đặt, vận hành và sửa chữa các hệ thống điều hòa không khí cục bộ và trung tâm.
Kỹ thuật thông gió: Bao gồm thiết kế, thi công hệ thống thông gió cho các tòa nhà, công trình nhà ở, văn phòng, hội sở, nhà máy,…
Nhu cầu của thị trường về ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí ngày càng tăng cao
Ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí hiện nay ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống hiện đại bởi nhu cầu sử dụng máy lạnh và điều hòa không khí ngày càng tăng cao. Theo số liệu từ cơ quan quản lý, lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hoà không khí hiện chiếm tỷ trọng tiêu thụ các chất được kiểm soát ngày càng gia tăng, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hành không tốt trong việc lắp đặt, vận hành, bảo trì thiết bị dẫn tới lượng rò rỉ lớn.
Trong giai đoạn 2024 - 2030, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp Ngân hàng Thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc dự kiến triển khai Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC (là nhóm chất gây suy giảm tầng ozon dùng làm môi chất lạnh sử dụng trong thiết bị làm lạnh và trong công nghiệp bán dẫn) của Việt Nam giai đoạn III; Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HFC (là môi chất lạnh nhân tạo) của Việt Nam giai đoạn I. Một trong những hoạt động trọng tâm là phối hợp cùng cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp; các hội/hiệp hội, viện/trường phổ biến quy định chính sách, đào tạo cán bộ kỹ thuật... trong lĩnh vực thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Qua đó, ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí trở thành ngành nghề có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.
Cơ hội việc làm rộng mở với mực thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành kỹ thuật viên lắp đặt, bảo trì, sửa chữa máy lạnh, điều hòa không khí tại các công ty chuyên thi công, lắp đặt, bảo trì, sửa chữa hệ thống máy lạnh, điều hòa không khí; các trung tâm bảo hành, sửa chữa điện lạnh; các nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện lạnh. Làm kỹ sư thiết kế hệ thống máy lạnh, điều hòa không khí làm việc tại các công ty tư vấn thiết kế, các công ty thi công, lắp đặt hệ thống máy lạnh, điều hòa không khí. Ngoài ra, người học có thể trở thành giảng viên giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học hoặc nghiên cứu khoa học về các thiết bị, công nghệ mới trong lĩnh vực máy lạnh, điều hòa không khí…
Mức lương cho ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, vị trí công việc, năng lực bản thân,… Trung bình mức lương khởi điểm của người theo đuổi ngành học này dao động từ 7- 10 triệu đồng/tháng, ở vị trí kỹ sư thiết kế hệ thống máy lạnh, điều hòa không khí, mức lương có thể đạt mức trên 20 triệu đồng/tháng.
Để đạt được mức lương hấp dẫn như vậy, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, sinh viên cần trau dồi kiến thức và kỹ năng để có thể phân tích bản chất các nguyên lý hoạt động, cấu tạo chung của hệ thống lạnh, hệ thống điều hòa không khí; nắm vững quy trình vận hành, bảo dưỡng, lắp đặt hệ thống các loại máy điều hoà; quy trình kiểm tra, sửa chữa, thay thế các chi tiết, cụm chi tiết và toàn bộ máy hay hệ thống; phân tích các đặc tính kỹ thuật, so sánh được các thông số kỹ thuật của các chi tiết, cụm chi tiết,...
Sinh viên học ngành này có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường
Tại Việt Nam, số ít trường đại học lớn đào tạo trực tiếp ngành Ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không Khí. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí là chuyên ngành thuộc ngành học Kỹ thuật nhiệt. Năm 2024, dựa theo kết quả bài thi đánh giá tư duy, mức điểm trúng tuyển là 56,67 điểm còn dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024, mức điểm trúng tuyển là 25,2 điểm.
Tương tự tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ngành Công nghệ Kỹ thuật nhiệt cũng có chương trình đào tạo về Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không Khí. Mức điểm chuẩn dựa theo kết quả thi THPT 2024 với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh là 21,00 điểm; chương trình đào tạo Việt - Nhật và đào tạo bằng tiếng Việt đều có điểm trúng tuyển là 24,40 điểm.
Dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tại Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, ngành Kỹ thuật nhiệt (gồm các chuyên ngành: Nhiệt điện lạnh, Kỹ thuật năng lượng & môi trường) mức điểm chuẩn là 19,50 điểm. Tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt lạnh chuyên về kỹ thuật điều hòa không khí và máy lạnh có mức điểm trúng tuyển là 23,57 điểm.
Riêng trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, điểm chuẩn là 24,25 điểm với ngành Kỹ thuật nhiệt (bao gồm các kiến thức về điều hòa không khí và hệ thống làm lạnh), còn trên hình thức đánh giá tư duy, điểm trúng tuyển là 50,08 điểm.