Không chỉ giải quyết hồ sơ, dữ liệu mà sinh viên theo đuổi ngành học này phải sở hữu kỹ năng quản trị và khả năng tính toán, sắp xếp logic. Ngành học này trong những năm trở lại đây bắt đầu HOT trở lại, bằng chứng là điểm chuẩn liên tục tăng cao qua các năm, có trường cần 9,5 điểm/môn mới có thể đỗ.
Nghề của người năng động, sở hữu trí thông minh logic
Với sự phát triển của nền kinh tế và sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu quản lý hành chính, tổ chức công việc văn phòng ngày càng tăng. Các công ty cần nhân sự có kỹ năng quản trị văn phòng để đảm bảo hoạt động suôn sẻ và hiệu quả.
Từ đó, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực của xã hội, các trường đại học đẩy mạnh đào tạo, chú trọng về chất lượng giảng dạy đối với lĩnh vực Quản trị văn phòng.
Nhiệm vụ chính của người hoạt động trong lĩnh vực Quản trị văn phòng là quản trị và vận hành được các nguồn lực của tổ chức một cách hiệu quả, đúng kế hoạch. Ngoài ra, nhiệm vụ khác của cử nhân Quản trị văn phòng là hỗ trợ ban lãnh đạo, ban quản trị của tổ chức, đơn vị nhận được thông tin về công việc một cách chuẩn xác, triển khai các hoạt động nhanh chóng, kịp thời và đạt hiệu quả cao, giảm thiểu tối đa về các rủi ro còn tồn đọng.
Đây là ngành học đào tạo về khả năng triển khai, theo dõi và đánh giá quá trình làm việc trong văn phòng của một tổ chức, doanh nghiệp hay các cơ quan trường học, bệnh viện… Đòi hỏi sinh viên phải biết sắp xếp thông tin, khả năng giao tiếp và hoạt động nhóm tốt.
Khi theo học ngành Quản trị văn phòng, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức về lý luận thực tiễn trong công tác văn thư, nhân lực quản lý, nhân lực phụ trách và các nhân viên trong văn phòng đáp ứng được nhu cầu tất yếu của các công ty, doanh nghiệp. Ngoài ra, tin học và ngoại ngữ là kỹ năng tất yếu mà sinh viên theo đuổi ngành học này cần phải trang bị để đáp ứng trong thời đại mới.
Hiện nay, có nhiều trường đại học trên cả nước đang đào tạo ngành Quản trị văn phòng. Thí sinh có thể xét tuyển theo các tổ hợp như A01 (Toán - Lý - Anh), C00 (Văn - Sử - Địa), D01 (Toán - Văn - Anh), D14 (Văn - Anh - Sử)... Năm 2024, điểm chuẩn ngành học này tăng từ 2-3 điểm so với năm ngoái.
Ở Hà Nội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có mức điểm chất cao ngất ngưởng khi thí sinh cần 28,6 điểm ở tổ hợp C00, tương đương thí sinh cần 9,5 điểm/môn để có thể đỗ vào trường. Đối với tổ hợp D01, D14, điểm chuẩn lần lượt là 25,73 và 25,57. Ngoài ra, thí sinh có thể xét tuyển theo khối tự nhiên tổ hợp A01 mức điểm chuẩn là 25,5.
Sinh viên ngành Quản trị văn phòng sau khi ra trường có thể làm việc tại các cơ quan trong và ngoài nước với những nhiệm vụ cơ bản như quản lý hồ sơ, giấy tờ, sổ sách, đảm bảo tiến độ làm việc của các nhân viên trong văn phòng, thu thập thông tin, xử lý và sắp xếp dữ liệu một cách logic và chuẩn xác.
Ở TP.HCM, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ hợp xét tuyển C00 27,7 điểm, hai tổ hợp còn lại D01 và D14 có điểm chuẩn lần lượt là 25,1 và 25,8 điểm. Ngoài ra, trường Đại học Sài Gòn cũng mở tuyển sinh với chỉ tiêu 70 sinh viên với mức 24,48 điểm dành cho tổ hợp D01 và 25,48 điểm cho tổ hợp C04 (Toán - Văn - Địa).
Học viện Hành chính Quốc gia ở cả hai cơ sở TP.HCM và Hà Nội đều mở tuyển sinh ngành Quản trị văn phòng. Ở phía Bắc, điểm chuẩn ngành Quản trị văn phòng là 25,1 điểm đối với tổ hợp xét tuyển A01, D01, D14 và 27,1 điểm tổ hợp C00. Còn ở cơ sở phía Nam, điểm chuẩn của ngành đạt 24,25 điểm với 4 tổ hợp xét tuyển A01, C00, D01, D15.
Không khô khan như tên gọi, đầu ra rộng mở với thu nhập ổn định
Khi nhắc đến tên của ngành, nhiều người nhầm tưởng đây là công việc tẻ nhạt, “đầu bù tóc rối" với giấy tờ, văn thư hay những kho dữ liệu với dung lượng khủng. Thực ra, bản chất của quản trị văn phòng không phải thực hiện các công việc văn phòng một cách đơn lẻ mà là yếu tố “quản trị”, luôn năng động và cần khả năng nhạy bén khi đối diện với nhiều vấn đề khác nhau tại công sở.
Hiện nay, cử nhân Quản trị văn phòng có thể hoạt động ở nhiều vị trí thuộc đa lĩnh vực khác nhau từ văn phòng, thư viện, bảo tàng, cơ sở giáo dục… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể trở thành: Chuyên viên văn phòng ở các công ty doanh nghiệp; Chuyên viên quản lý thư viện, bệnh viện, trường học; Thư ký văn phòng hoặc trợ lý hành chính, trợ lý của thủ trưởng cơ quan tại các văn phòng của các cơ quan, các chương trình, dự án. Ngoài ra, sinh viên có thể thử sức ở lĩnh vực quản lý nhân sự, truyền thông nội bộ…
Cơ hội việc làm của ngành Quản trị văn phòng rộng mở khi ngày nay nhu cầu về nhân sự từ các doanh nghiệp, cơ quan ngày càng tăng.
Theo PGS.TS Vũ Thị Phụng (Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) cho biết hiện tại nhu cầu về nhân lực của ngành đang có chiều hướng tăng mạnh. Song, số lượng cử nhân tốt nghiệp vẫn chưa thể đáp ứng đủ: “Mặc dù được triển khai đào tạo từ cuối những năm 90 nhưng đến nay Quản trị văn phòng vẫn còn là một ngành học mới, nên số lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm số sinh viên được đào tạo ngành Quản trị văn phòng mới chỉ dừng ở con số vài trăm cử nhân. Trong khi đó, văn phòng của hàng ngàn cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, đặc biệt là khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành học này” - chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng chia sẻ.
Với nền kinh tế ngày càng phát triển nên các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước được thành lập ngày càng nhiều nên sinh viên sau khi tốt nghiệp nếu có đủ kiến thức lẫn kỹ năng mềm có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm với mức thu nhập ổn định.
Đối với sinh viên vừa ra trường, mức thu nhập dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng. Còn đối với những người hoạt động lâu năm, có kinh nghiệm và trang bị khả năng quản trị rủi ro, xử lý tình huống tốt sẽ có thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng.