Xã hội càng hiện đại, mức độ rủi ro càng tăng thì bảo hiểm càng lên ngôi. Đây được đánh giá là ngành học hot, không sợ lỗi thời, có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập tốt sau khi ra trường.
Trong nền kinh tế hội nhập, bảo hiểm giúp con người có một sự đảm bảo an toàn nhất về mặt tinh thần và thể xác trước những rủi ro trong cuộc sống và công việc. Nhân sự trong lĩnh vực này cũng đòi hỏi có chuyên môn cao, đủ hiểu biết và đam mê. Vài năm gần đây, bảo hiểm được đánh giá là ngành học hot, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Theo đó, ngành học này được đào tạo kiến thức về tài chính ngân hàng và có kiến thức chuyên sâu về bảo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên môn về quản lý, tổ chức tài chính và bảo hiểm.
Ths Nguyễn Tiến Hùng - Giám đốc chương trình đào tạo ngành Bảo hiểm, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, ngành bảo hiểm thuộc về khối ngành kinh tế, nên sinh viên khi theo học ngành này sẽ được trang bị những kiến thức chung của ngành kinh tế, sau đó là kiến thức ngành và kiến thức chuyên ngành về bảo hiểm.
Bảo hiểm trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống
Nhiều trường ở Việt Nam đào tạo ngành bảo hiểm, điểm chuẩn khá cao
Ngành bảo hiểm giúp trang bị cho sinh viên những kiến thức toàn diện về bảo hiểm, bao gồm cả lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại, đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội, và hội nhập quốc tế giúp nắm chắc các kiến thức lí luận cơ bản về bảo hiểm; hiểu rõ chính sách và các quy định của nhà nước về bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế), quy trình tham gia bảo hiểm xã hội, nghiệp vụ thu bảo hiểm xã hội, giải quyết và tổ chức chi trả bảo hiểm xã hội…
Hiện tại có nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành bảo hiểm, có thể kể đến như: trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Lao động Xã hội, trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trường Đại học Mở TP.HCM…
Điểm chuẩn ngành bảo hiểm tại các trường đại học này năm 2024 ghi nhận ở mức trung bình từ 16 - 27 điểm. Cụ thể trường Đại học Kinh tế Quốc dân - 26,71 điểm; trường Đại học Lao động Xã hội Hà Nội (cơ sở Hà Nội) - 21,75 điểm; trường Đại học Mở TP.HCM - 16 điểm; trường Đại học Kinh tế TP.HCM - 24,5 điểm, trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định - 17,5 điểm…
Có nhiều trường Đại học lớn đào tạo chuyên về ngành bảo hiểm trên cả nước
Phương thức tuyển sinh ngành bảo hiểm khá đa dạng ở các trường đại học gồm: tuyển thẳng, điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh năng lực…
Nếu thông qua điểm thi tốt nghiệp THPT, tổ hợp xét tuyển vào nhóm ngành bảo hiểm là: A00 - Toán, Lý, Hoá; A01 - Toán, Lý, Tiếng Anh; D01 - Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh; D07 - Toán, Hóa, Tiếng Anh…
Học bảo hiểm ra trường chỉ làm nhân viên tư vấn?
Nhiều người thường cho rằng học ngành bảo hiểm ra trường chỉ làm nhân viên tư vấn, đi bán bảo hiểm. Thậm chí có định kiến những người bán bảo hiểm và sản phẩm bảo hiểm là không đàng hoàng. Việc nhiều người mất lòng tin đối với bảo hiểm khiến cho việc tuyển sinh và đào tạo ngành học này gặp không ít trở ngại. Vậy sinh viên học ngành bảo hiểm ra trường có thể làm ở đâu, vị trí nào?
Trên thực tế, sinh viên ngành bảo hiểm ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí tại các công ty bảo hiểm như: nhân viên kinh doanh, nhân viên kế toán, nhân viên đầu tư, nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhân viên quản lý, đại lý, nhân viên cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Ngoài ra có thể công tác tại các ngân hàng thương mại với vị trí: nhân viên kinh doanh, phát triển mạng lưới và quản lý hỗ trợ đại lý. Hay tại các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trường Đại học…
Ngoài các doanh nghiệp bảo hiểm, nhiều công ty cũng cần nhân sự chuyên ngành bảo hiểm trong hoạt động phụ trợ, dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, giám định độc lập… Làm việc ở vị trí nào phụ thuộc vào năng lực, sở thích, sở trường, kinh nghiệm và phân công của cơ quan, doanh nghiệp đó.
Cơ hội nghề nghiệp với nhân sự ngành bảo hiểm luôn rộng mở nhưng đòi hỏi sự trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm
Mức lương cho nhân sự ngành bảo hiểm cũng dao động ở nhiều mức. Đối với cư nhân đại học mới ra trường, có thể từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, sau khi có kinh nghiệm mức lương bình quân khoảng trên dưới 15 triệu đồng. Ngoài ra có thể có thêm những khoản hoa hồng, thưởng… tuỳ vào chế độ của từng doanh nghiệp, công ty nhất định.
Đối với sinh viên ngành bảo hiểm chưa ra trường, có thể kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm từ việc làm thêm ở vị trí tư vấn bảo hiểm ở các công ty. Sau khi ra trường sẽ có sẵn nền tảng kinh nghiệm, nhóm khách hàng để dễ dàng xin việc chính thức ở những doanh nghiệp, hạn chế sự cạnh tranh.
Ngành bảo hiểm được xem là ngành khó lỗi thời, luôn cần thiết trong xã hội
Nhiều chuyên gia nhận định ngành bảo hiểm luôn không lỗi thời, cơ hội việc làm rất lớn. Tuy nhiên để có được vị trí công việc phù hợp, thu nhập cao còn tuỳ thuộc vào năng lực nhân sự, đòi hỏi không ngừng trau dồi kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, ngoại ngữ… để có cơ hội việc làm tốt nhất.