Tuy trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chỉ mới mở tuyển sinh ở năm 2024 nhưng ngành học này đã thu hút nhiều hồ sơ xét tuyển, sĩ tử thi mỗi môn 9 điểm vẫn trượt.
Điểm chuẩn cao ngất ngưởng, vượt mặt nhiều ngành HOT
Nhận thức được tầm quan trọng của nghệ thuật và sức ảnh hưởng của lĩnh vực này đến đại chúng, giảng viên khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM quyết tâm xây dựng đề án, tìm kiếm thông tin, cập nhật xu hướng mới nhất để mở ngành tuyển sinh mới theo xu thế của thời đại.
Sau hơn 15 năm ấp ủ, ngành Nghệ thuật học chính thức được tuyển sinh vào năm 2024 tại ngôi trường đào tạo lĩnh vực khoa học - xã hội lớn nhất phía Nam. Đây cũng là lần đầu tiên ngành Nghệ thuật học được đào tạo chính quy.
Tiến sĩ Đào Lê Na - giảng viên của trường giải đáp thắc mắc của học sinh về ngành học chưa từng có tại Việt Nam: “Ngành học này lấy nghệ thuật làm đối tượng nghiên cứu. Trước đây, nhiều cơ sở giáo dục, trường đại học đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, giúp sinh viên có kỹ năng hoạt động như đạo diễn, diễn viên, ca sĩ… Năm nay tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM quyết định tiên phong mở ngành học mới với định hướng nghiên cứu, giúp sinh viên sáng tạo, có nền tảng về nghệ thuật Việt Nam và học hỏi xu hướng của thế giới”.
Tiến sĩ Đào Lê Na cho biết ngành Nghệ thuật học sẽ đặc thù về nghiên cứu, sinh viên theo học cần trang bị ngoại ngữ để hội nhập và mở rộng kiến thức bằng tài liệu ngoại quốc.
Với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến số lượng 50 sinh viên, học sinh muốn theo đuổi ngành Nghệ thuật học có thể lựa chọn các tổ hợp xét tuyển bao gồm C00 (tổ hợp môn Văn - Sử - Địa), D01 (tổ hợp môn Toán - Văn - Anh), D14 (tổ hợp môn Văn - Anh - Sử).
Tuy là ngành học mới nhưng đã thu hút lượng lớn sinh viên quan tâm, quyết định nộp hồ sơ xét tuyển trong năm đầu tuyển sinh. Do đó, điểm chuẩn của ngành Nghệ thuật học vượt mốc 28 điểm, tạo cơn “địa chấn" đối với kỳ thi tuyển sinh năm 2024, trở thành 1 trong những ngành có điểm xét tuyển cao nhất của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Cụ thể, ở khối C00 điểm chuẩn ngành Nghệ thuật học là 28,15 điểm, khối D01 25,8 điểm, khối D14 là 26,75 điểm. Nếu thí sinh xét tuyển ở khối C00, mỗi môn trung bình phải đạt trên 9,4 điểm để có thể đậu vào ngành học mới này.
Sinh viên sẽ được học hỏi, cọ xát thực tế thông qua những chương trình workshop, trao đổi thông tin với các chuyên gia, nghệ sĩ gạo cội, có tiếng vang trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đưa sinh viên chạm giấc mơ quản lý nghệ thuật, biên kịch truyền hình
Sinh viên theo đuổi ngành Nghệ thuật học có thể lựa chọn định hướng chuyên ngành Nghiên cứu và thực hành nghệ thuật hoặc Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình. Sinh viên sẽ được giảng dạy các kiến thức xoay quanh kỹ năng nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam truyền thống và hiện đại, kỹ năng phê bình các tác phẩm nghệ thuật, vận dụng các quy tắc của sáng tạo để xây dựng và phát triển ý tưởng, biết cách thu thập, xử lý thông tin để viết kịch bản...
Ngành học mới này đề cao tính tư duy và sáng tạo, đòi hỏi sinh viên có khả năng phân tích vấn đề dưới góc nhìn nghệ thuật.
Cử nhân ngành Nghệ thuật học khi ra trường có thể làm việc tại các cơ quan báo chí, giải trí, truyền thông hoặc tham gia, tổ chức các dự án liên quan đến nghệ thuật và văn hoá. Sinh viên theo học có thể trở thành nghiên cứu sinh, giảng viên giảng dạy nghệ thuật tại các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, ngành Nghệ thuật học đào tạo sinh viên khả năng viết lách, xây dựng kịch bản để trở thành biên tập cho các gameshow, chương trình truyền hình hoặc đạo diễn phim điện ảnh…
Tiến sĩ Đào Lê Na khẳng định sinh viên sẽ dễ dàng tìm kiếm việc làm vì đội ngũ giảng viên của trường tạo được sự liên kết với các nhà tuyển dụng. Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, nhà trường sẽ mời các nghệ sĩ tài năng, có chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật về trường giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm. Sinh viên có thể tạo ấn tượng bằng thành tích học tập đối với giáo viên thỉnh giảng, nghệ sĩ. Từ đó, sinh viên xây dựng mối quan hệ, tìm kiếm việc làm ngay trong những buổi học trao đổi kiến thức và cọ xát thực tế.
Tuy ngành học này vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng với đầu ra rộng mở, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, luôn đưa những xu hướng nghệ thuật mới nhất đến sinh viên. Ngành Nghệ thuật học hứa hẹn sẽ HOT trong tương lai và đào tạo được nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng phục vụ cho nền nghệ thuật nước nhà.