Hôm nay, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2024. Nhiều trường hợp đặc biệt được chia sẻ, trong đó có những em "vượt lên chính mình" để đến điểm thi.
Nam sinh ở Hà Tĩnh gãy khớp gối, chống nạng vào phòng thi
Sáng nay 27/6, trong buổi thi đầu tiên, tại điểm thi Trường THPT Hương Khê (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nhiều phụ huynh, người đi đường xúc động trước cảnh tình nguyện viên áo xanh hỗ trợ nam sinh bị gãy khớp gối từ cổng trường vào đến phòng thi.
Anh Hùng (Bí thư Đoàn thị trấn Hương Khê) cho biết, nhận được thông tin có nam sinh bị gãy khớp gối không thể tự đi lại, các tình nguyện viên đã lên kế hoạch, chở em tới điểm thi bằng ô tô.
"Hưng đang ở trọ cách trường khoảng 3km. Vì chân không thể duỗi thẳng nên chúng tôi đã đưa em tới điểm thi bằng ô tô và hỗ trợ đưa em vào tận phòng thi", anh Hùng nói.
Được biết, nam sinh Nguyễn Văn Huân bị tai nạn cách đây 5 ngày. Tại bệnh viện, em được chuẩn đoán gãy khớp gối không thể đi lại. Đến ngày 26/6, em đến phòng trọ cách trường khoảng 3km để tiện đường làm thủ tục dự thi và ôn bài.
Nam sinh quên giấy tờ thi, CSGT tức tốc chở về lấy
Tại trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM, trong buổi sáng thi môn Ngữ văn, một nam sinh đến điểm thi mới phát hiện quên mang giấy tờ. Nhận được thông tin trên, một chiến sĩ Đội Cảnh sát Giao thông quận 7 đã tức tốc dùng xe công vụ đưa nam thí sinh này về nhà và trở lại điểm thi không quá 10 phút.
(Ảnh: Dân Việt)
"Nam thí sinh đã trình giấy tờ và được vào phòng thi ngay sau đó. Đây là một hành động cần thiết, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi quan trọng này", một lãnh đạo Phòng PC08 cho biết.
Tại điểm thi THPT Hùng Vương, quận 5, TP.HCM, đội CSGT Chợ Lớn đã có mặt từ sớm để điều tiết giao thông xung quanh điểm thi. Nhiều chiến sĩ khác hỗ trợ phát nước, khăn lau cho người nhà và cả thí sinh.
Nam sinh khuyết tật đi thi dù được miễn
Chiều 27/6, Nguyễn Huỳnh Duy Thức được ba mẹ chở đến điểm thi tốt nghiệp ở trường THPT Trấn Biên, TP Biên Hòa, bằng xe máy.
Sau khi dừng xe ở trước hành lang, bố Thức cõng em lên tầng 9 để dự thi môn Toán. Em đã hoàn thành môn Văn vào sáng nay, sẽ thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Ngoại ngữ ngày mai.
Thức được ba mẹ chở đến trường thi chiều 27/6 để thi môn Toán.
Nam sinh cho hay mình thuộc diện miễn thi, song em muốn biết "sức của bản thân đến đâu".
"Sau kỳ thi, em sẽ tiếp tục tự học, nâng cao trình độ công nghệ thông tin để có thể làm việc tại nhà chứ không nhất thiết vào đại học", Thức nói.
Theo bố mẹ Thức, từ khi sinh ra, em đã bị yếu cơ, hai chân không thể đi lại. Suốt 12 năm học phổ thông, cha mẹ và ông bà là người đưa đón em tới trường.
3 thí sinh thi phòng riêng, có người viết bài hộ
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM cho hay, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, có 3 thí sinh thuộc trường hợp đặc biệt.
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), có một thí sinh phải nằm dự thi do viêm tủy. Tại điểm thi Trường THPT Thủ Đức, một thí sinh bị bỏng độ 2, không thể viết bài thi tự luận. Điểm thi Trường THPT Củ Chi có một thí sinh bị gãy tay. Những thí sinh này được bố trí dự thi ở phòng dự trữ. Điểm thi sẽ cử cán bộ coi thi chép bài thay thí sinh với camera giám sát.
Thí sinh Nghiêm Xuân Tùng (học sinh Trường THPT Thủ Đức) bị bỏng độ 2 trước kỳ thi 3 ngày.
Ông Huỳnh Văn Bình, Trưởng điểm thi Trường THPT Thủ Đức thông tin, thí sinh Nghiêm Xuân Tùng (học sinh Trường THPT Thủ Đức) bị bỏng độ 2 trước khi kỳ thi 3 ngày. Do vậy, thí sinh này không thể tự viết bài thi môn Ngữ văn mà cần sự hỗ trợ của cán bộ viết hộ bài. Với các môn thi trắc nghiệm, nam sinh sẽ tự tô câu trả lời của mình.
"Trong ngày làm thủ tục, Tùng vẫn được bố trí ngồi chung phòng với các bạn. Đến sáng mai, em sẽ được làm bài tại phòng dự trữ một mình, có cán bộ viết hộ bài làm môn Ngữ văn. Phòng thi này có trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình dưới sự giám sát của hai cán bộ coi thi", ông Bình nói.
Nữ sinh khuyết tật được chiến sĩ công an cõng đến phòng thi
Tại Phú Thọ, hình ảnh đẹp được cộng đồng mạng hết lời khen ngợi là một cán bộ Công an huyện Thanh Thủy cõng thí sinh khuyết tật vào phòng thi.
Hành động đẹp này diễn ra tại điểm thi trường THPT Trung Nghĩa. Nữ sinh được hỗ trợ là em Nguyễn Thị Hồng L. (19 tuổi). Em bị mất đôi chân trong một vụ tai nạn giao thông xảy ra khi em đang học lớp 10.
Trung úy Vũ Mạnh Cường, cán bộ Công an huyện Thanh Thủy được phân công nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại hội đồng thi trường THPT Trung Nghĩa (xã Đồng Trung) đã xin phép gia đình, xin phép nữ sinh cõng em L. vào phòng thi sau đó cõng từ phòng thi ra xe để về nhà.
Ngày thi đầu tiên của những em mồ côi vì COVID-19
Sáng nay (27/6), cùng với hơn 1 triệu sĩ tử trên cả nước bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT, 10 học trò mồ côi vì đại dịch tại trường Hy Vọng (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cũng lên đường vượt vũ môn.
Không có cha mẹ, người thân ở bên trong sự kiện “trọng đại” sau 12 năm đi học, nhưng các em có những người anh chị, thầy cô, đàn em nhỏ trong mái nhà chung luôn động viên, hỗ trợ hết sức.
Các sĩ tử quyết tâm vượt qua cột mốc quan trọng trong cuộc đời.
Em Nhã Trân cho hay, sau khi mẹ mất, cả thế giới của em như sụp đổ. Nhưng cánh cửa trường Hy Vọng mở ra như đôi tay dìu Trân đứng dậy, làm nguôi ngoai nỗi mất mát quá lớn. Ở đây, Trân được chăm sóc, yêu thương, có cảm giác như một gia đình. Mùa thi năm nay, Trân cũng như các bạn không có phụ huynh bên cạnh nhưng có cả "đại gia đình" sát cánh với Trân nên không thấy tủi thân mà đầy hạnh phúc.
Trong suốt kỳ thi, các em sẽ được đưa đón, chăm sóc đặc biệt. Thầy Hoàng Quốc Quyền (Trường Hy Vọng) cho hay đây là năm nhà trường có thí sinh thi THPT nhiều nhất. Những ngày trước thi, trường đã hỗ trợ các em ôn luyện, chú trọng giữ sức khỏe, tinh thần thoải mái.