Các thành viên đội tuyển Việt Nam cùng thầy giáo là quan sát viên ở kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2024 đã chia sẻ những nguyên nhân được cho khiến kết quả năm nay chưa như kỳ vọng.
Kết thúc kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2024, đoàn học sinh Việt Nam giành được 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng. Việt Nam xếp thứ 33 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia kỳ thi năm nay, tụt 27 hạng so với năm ngoái.
Chiều 23/7, ngay sau khi trở về Việt Nam từ Vương Quốc Anh, các thành viên đội tuyển cũng như thầy giáo quan sát viên của kỳ thi đã có những chia sẻ về kết quả của đội tuyển.
Em Tạ Đức Anh - thành viên của đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế năm 2024, cho rằng, đề Toán Olympic quốc tế năm 2024 hay và có cấu trúc rất mới lạ. “Đề Toán năm nay không hẳn là sở trường của em. Bởi trong đề chỉ có duy nhất một bài Hình (bài số 4), trong khi thế mạnh của em là Hình học. Đề khá nặng về Số học và Tổ hợp. Vì vậy những thí sinh học tốt Số học và tổ hợp, có một trình độ tương đối ổn về Hình học có thể thể hiện tốt với đề Toán này”.
Em Tạ Đức Anh- thành viên đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Toán quốc tế năm 2024. Ảnh: Thanh Hùng
Em Trần Duy - học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, đạt Huy chương Bạc và có điểm cao nhất đội tuyển Việt Nam, cũng cho rằng, đề thi năm nay khá nặng về phần tổ hợp. “Đây vốn là phần mà em khá tự tin về bản thân nhưng có một chút tiếc nuối khi đã không thể vượt qua được bài 5 của đề thi. Bài 5 của đề thi là bài về tổ hợp mà đáp số dễ gây hiểu lầm cho học sinh, gây khó khăn để đoán trúng đáp số và giải được. Cá nhân em đã sai hướng và không vượt qua được bài này”, Duy nói.
Duy cho rằng, đề thi năm nay không trúng những phần thế mạnh của học sinh châu Á, đặc biệt là Việt Nam. “Học sinh các nước châu Á có xu hướng giỏi về phần Hình hơn. Nhưng năm nay, phần Hình trong đề thi ít khi chỉ có 1 bài trong khi các năm trước có đến 2 bài. Bên cạnh đó, bài Hình lại là bài có độ khó gần như dễ nhất trong đề thi”, Duy nói.
Năm ngoái, đề thi có 2 bài Hình trong khi năm nay chỉ có 1 bài Hình và số còn lại là Số học và tổ hợp.
Em Trần Duy - học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, đạt Huy chương Bạc và có điểm cao nhất đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng
TS Hà Duy Hưng - quan sát viên kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2024, chủ nhiệm đội tuyển học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay, đội tuyển năm nay gặp những khó khăn nhất định cả về đề thi và sức khoẻ của một số em.
“Chặng đường đi của đội tuyển để tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm nay khá dài. Vì vậy, một số em gặp vấn đề về sức khỏe, thậm chí có em phải vào viện để kiểm tra. Các em luôn luôn thể hiện tinh thần quyết tâm nhưng sau khi ra khỏi phòng thi, một số em phải tiếc nuối”, thầy Hưng nói.
Theo thầy Hưng, đề thi Olympic Toán quốc tế năm nay có một số bài không rơi vào thế mạnh của học sinh Việt Nam. Đặc biệt, bài tổ hợp trong đề thi rất khó và vào dạng nếu học sinh đưa ra đáp số sai là không được điểm. “Với bài này, không cần biết cách làm của thí sinh có đúng hay không. Cả đội chỉ duy nhất em Trần Duy giành được 4 điểm, còn lại các em khác không được như kỳ vọng. Nếu có thời gian chắc Duy cũng sẽ hoàn thiện được bài. Chúng tôi rất tiếc nhưng dù sao các em cũng đã rất cố gắng”, thầy Hưng nói.
Thầy Hưng phủ nhận ý kiến cho rằng “Cách học của học sinh Việt Nam, kể cả nhóm tinh hoa, vẫn thiên về luyện các dạng bài. Vì thế khi đi thi, nếu gặp những dạng bài không quen thuộc sẽ gặp khó”.
“Tôi nghĩ không phải như vậy. Vì nhận định của một số người đưa ra nhưng không chuyên sâu với việc huấn luyện và bồi dưỡng học sinh giỏi đi thi quốc tế. Khoảng 3 năm trở lại đây, việc bồi dưỡng đội tuyển Toán quốc tế giao cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và những nhà Toán học hàng đầu. Ở đó, không chỉ bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện học sinh theo kiểu “gà chọi” mà theo tinh thần của GS Ngô Bảo Châu - muốn hướng đến ngoài việc học Toán, các em còn biết được nền văn hóa Toán học.
Vì mong ước của rất nhiều người là muốn những em học Toán sau này sẽ theo Toán. Vì vậy việc chuẩn bị “phông” Toán học cho các em có lẽ quan trọng hơn việc huấn luyện, bồi dưỡng về các chủ đề, chuyên đề mà mọi người nhắc đến".
TS Hà Duy Hưng - quan sát viên kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2024 chủ nhiệm đội tuyển học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng
Thầy Hưng phân tích thêm, về đề thi, thực sự năm nay không thuận lợi với đội tuyển Việt Nam bởi những bài vốn được coi là thế mạnh của chúng ta được xếp vào diện những bài dễ. Các thầy cô trong đoàn mong rằng, bài Hình sẽ rơi vào bài số 5, tức là bài khó. Nhưng bài số 5 lại là bài tổ hợp; bất lợi ở chỗ đó là một bài tổ hợp phải giải thích, diễn giải rất nhiều. Học sinh Việt Nam viết, trình bày bằng tiếng Việt sau đó các thầy trong đoàn dịch sang tiếng Anh và thuyết phục người chấm. Nhưng với những bài tổ hợp khó và trình bày 6 -7 trang trong một khoảng thời gian rất ngắn rất khó để thuyết phục ban chấm. Các nước không nói tiếng Anh cũng gặp khó khăn này.
"Như bài số 3, thí sinh Trần Duy cũng đã xử lý được hơn 50% nhưng để thuyết phục được cho nhiều điểm bài đó, không phải là dễ, bởi ban tổ chức rất gay gắt vì chưa kết thúc được bài Toán. Mặc dù hướng giải của em đúng nhưng giám khảo chấm rất chặt. Như trường hợp của Trần Duy, ban đầu về mọi người dự đoán sẽ được 4 điểm bài này, song thực tế chỉ được cho 2 điểm. Trong khi đó, nếu rơi vào bài Đại số chẳng hạn, thường dùng nhiều công thức Toán (không phải viết chữ nhiều) sẽ rất tường minh, bởi kể cả có làm sai kết quả nhưng có những bước biến đổi trước đó đúng vẫn có thể được điểm", thầy Hưng nói.
Cũng theo thầy Hưng, các thầy cũng muốn thuyết phục nhưng người chấm không chấp nhận. Nếu người Việt chấm với nhau sẽ hiểu thực ra học sinh đang định làm gì nhưng giám khảo quốc tế rất khó giải thích, thuyết phục.
"Ban giám khảo có chấm quá trình tuy nhiên quá trình phải theo barem đáp án. Thực ra phương trình hàm số cũng là thế mạnh của học sinh Việt Nam chúng ta vậy nhưng năm nay bài đó lại cực kỳ khó, cả thế giới chỉ 4 em làm được”.
Thầy Hưng cho hay, kết quả của kỳ thi cũng phụ thuộc nhiều yếu tố. Dẫn chứng như đoàn Thái Lan những năm trước có kết quả rất tốt, thậm chí thường xếp trên đoàn Việt Nam nhưng năm nay lại xếp hạng sau chúng ta.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, kỳ thi Olympic quốc tế được tổ chức thực chất với mục đích nhằm tạo sân chơi cho các học sinh có niềm đam mê và khả năng về Toán học, ghi nhận tinh thần, sự nỗ lực, vượt lên chính mình, qua đó hướng đến việc hoàn thiện, phát triển học sinh; không nhằm mục tiêu xếp hạng các quốc gia.
“Vì vậy, chúng tôi với tư cách là một trường Sư phạm đánh giá nhiều ở sự nỗ lực của cá nhân và cũng rất mong dư luận cũng như xã hội nói chung có cách nhìn theo cách để hỗ trợ, động viên giúp học sinh phát triển”, ông Sơn nói.