Không chỉ vượt đường sá xa xôi, hiểm trở để đi học, nhiều em học sinh miền núi cả đêm trằn trọc không ngủ được vì quá đói.
Đó là những câu chuyện vượt nghèo khổ, khó khăn của học sinh trường tiểu học Nậm Ty B, xã Nậm Ti, huyện sông Mã, tỉnh Sơn La.
Trường học vách nứa, nền đất
Nhà tranh vách nứa, nền đất có lẽ là tình trạng chung của nhiều ngôi trường khó khăn ở các huyện miền núi. Trường tiểu học Nậm Ty B cũng vậy, có 3 cơ sở thì chỉ có 1 điểm trường là khang trang hơn.
Thầy Vũ Đình Thanh, giáo viên của trường cho biết, mùa hè, một tuần lớp học phải tưới nước 2-3 lần vì nền đất đỏ vụn ra rất bụi. Nền đất này cũng không thể dùng chổi quét được mà chỉ tưới nước và tự tay nhặt rác.
Trường còn xập xệ tới mức, những hôm mưa gió, thầy cô phải cho học sinh chạy vào gầm bàn hoặc ngồi trốn tránh vào một góc vì sợ mái nhà rơi vào đầu.
Lớp học xập xệ của trường tiểu học Nậm Ty B.
Đó là khó khăn chung của trường, còn với mỗi học sinh lại là những câu chuyện xúc động khác. Đa số học sinh ở đây là người dân tộc Thái, Khơ Mú có hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Mùa đông các em không có quần áo ấm để mặc, thịt da thâm tím. Áo không cúc, chân không dép, quanh năm các em chỉ mặc một bộ đến lớp.
Theo chia sẻ của thầy Thanh, nhiều hôm buổi sáng trời lạnh quá, thầy trò phải đi kiếm củi về đốt trong lớp cho ấm. Khi mặt trời hửng lên mới bắt đầu học được.
Bên cạnh đó, do bản cách trường 8km nên trường đã huy động người dân làm tạm cho các em một gian nhà để có chỗ ngủ nghỉ. Năm học 2014-2015, có 11 học sinh nội trú. Tuy nhiên, cả tuần các em không biết đến miếng thịt. Thức ăn chủ yếu là do các em hoặc thầy cô xuống suối bắt cá.
Hành trang từ nhà đến trường của học sinh nơi đây chỉ là ít măng khô, cá khô bố mẹ gói cho. Có hôm thấy các em lấy cá khô bỏ vào nồi, cho mì chính và củ sả vào làm canh, thầy Thanh phải hướng dẫn nấu lại. Tuy nhiên, bữa ăn chính vẫn là ít cơm, muối ớt và măng.
Với thầy Thanh, có lẽ kỷ niệm nhớ nhất trong quãng đời làm giáo viên là lần mới về trường. Thầy bê mâm cơm đã ăn xong ra chỗ rửa bát. Chưa kịp rửa thầy đã thấy các em ra bốc thức ăn thừa ăn rất ngon lành. Từ hôm đó, các thầy cô trẻ mới về trường đều bảo nhau gọi học sinh nội trú lên chia sẻ miếng ăn cho các em bớt khổ. Thế nhưng, có hôm thầy Thanh phải giật mình vì tiếng khóc đêm. Tá hỏa chạy sang xem có chuyện gì xảy ra, thầy Thanh mới biết vì đói quá các em không ngủ được nên ôm nhau khóc. Lúc đó thầy lục các phòng dậy xem còn gì ăn để cho học sinh
Thầy trò không ngừng cố gắng
Các thầy cô ở đây cũng vô cùng vất vả để đến trường dạy học. Vượt 3-4 km đường rừng từ khu tập thể giáo viên đến các cơ sở, thậm chí nhiều hôm mưa to các thầy cô phải đi bộ đến trường. Có không ít đoạn đường nhỏ hẹp các thầy cô buộc phải vượt qua như đoạn hai xe máy đi ngược chiều không tránh được nhau hay có đoạn gồ ghề, trơn trượt phải những người thật vững tay lái mới không bị ngã.
Con đường đến trường dạy học của các thầy cô trường tiểu học Nậm Ty B.
Không dừng lại ở đó, hình ảnh "ám ảnh" không ít thầy cô ở thành phố là cây cầu cheo leo bắc qua suối. Do làm từ các nan tre, luồng nên chỉ được 2-3 tháng cây cầu đã bị rách toác rất nguy hiểm.
Thầy cô là vậy, các em học sinh cũng gian nan không kém. Hầu hết các em học sinh nơi đây phải đi bộ từ 2-8km đường rừng để tới trường. Nhiều em đi được nửa đường phải ngồi nghỉ lại để ăn trưa.
Còn có em nhà xa nhất đi bộ từ mờ sáng nhưng có hôm đến lớp thì lớp đã học được 3, 4 tiết.
Thế nhưng cả thầy lẫn trò đều quyết tâm không bỏ lớp, bỏ trường. Thực tế ở trường đã ghi nhận nhiều tấm gương hiếu học mà đến các thầy cô cũng phải nể phục. Như em Lò Văn Thưởng, năm nay học lớp 5. Em bị khèo chân, một mình lầm lũi thậm thọt đi học sau các bạn. Hàng ngày em đi học quãng đường 2km, nhưng sang năm học mới này, Thưởng phải đi bộ quãng đường dài tới 6km. Khó khăn là vậy nhưng em vẫn cố gắng học tốt.
Học sinh xuống trường phải nghỉ dọc đường để ăn trưa.
Học sinh thiếu thốn quần áo, sách vở nhưng vẫn chăm chỉ tới trường.
Thế nhưng, đối với học sinh nơi đây, khó khăn về bữa ăn có lẽ không bằng "đói chữ, đói sách". Cả năm học gia đình các em không có tiền mua sách và đồ dùng học tập, các thầy cô phải huy động nguồn lực để hỗ trợ các em. Mỗi khi được tặng dù chỉ là cây bút, quyển vở, các em cũng thích thú, vui mừng và khoe ngay với bố mẹ.
Khó khăn, thiếu thốn của các em cũng là điều trăn trở của thầy Thanh cùng toàn thể các thầy cô nơi đây. "Mình khổ bao nhiêu cũng có thể khắc phục được, chỉ mong các em có đủ quần áo, sách vở để được tiếp tục đến trường", thầy Thanh ngậm ngùi chia sẻ.
Mọi đóng góp cho học sinh và nhà trường xin gửi về: Thầy giáo Vũ Đình Thanh, trường tiểu học Nậm Ty B, xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La Điện thoại: 0977.926.131 |