Thí sinh rút hồ sơ đại học: Cả họ tập trung tính toán

Ngày 13/08/2015 09:14 AM (GMT+7)

“Từ khi biết điểm đến nay, không chỉ riêng em tôi mà gần như cả họ phải thường xuyên bàn bạc, góp ý, định hướng, cập nhật... để lựa chọn nguyện vọng và rút hồ sơ”, anh Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.

Chờ đợi, nghe ngóng từng giờ

Chỉ còn 1 tuần nữa, thí sinh tham dự Kỳ thi THPT Quốc gia hết hạn đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thí sinh vẫn không thể dự tính được khả năng trúng tuyển vào các nguyện vọng như thế nào để nộp hồ sơ ĐKXT.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Chiến (Hưng Yên) bày tỏ: “Em tôi thi được 24,74 điểm. Từ khi biết điểm đến nay, không chỉ riêng em tôi mà gần như cả họ phải thường xuyên bàn bạc, góp ý, định hướng, cập nhật... để lựa chọn nguyện vọng và rút hồ sơ. Không những thế, cả họ phải tính toán làm sao vừa an toàn, lại vừa hiệu quả”.

Em trai anh Chiến nộp hồ sơ vào Khoa Điều tra trinh sát, Học viện An ninh nhưng nghe nói năm nay, trường lấy điểm cao hơn năm ngoái 2 điểm. Gia đình lo em không đủ điểm nên định rút hồ sơ chuyển sang trường Đại học Dược. Tuy nhiên, lại có thông tin, để đỗ vào Đại học Dược, thí sinh phải được 26 điểm. Đến giờ này, gia đình anh Chiến vẫn nghe ngóng.

“Mỗi ngày nghe ngóng là bao nhiêu phút căng thẳng. Em trai tôi cứ chờ đợi như kiểu mẹ đưa cho nắm tiền lẻ, ra giữa chợ hoang mang không biết chọn mua gì”, anh Chiến ví von.

Thí sinh rút hồ sơ đại học: Cả họ tập trung tính toán - 1

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Đại học Ngoại thương

Một trường hợp khác cũng khá vất vả trong việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Thí sinh Lê Phương Thúy (Nghệ An) được 23,5 điểm. Sau khi nghiên cứu thông tin tuyển sinh, Thúy cùng mẹ ra Hà Nội nộp hồ sơ vào Đại học Ngoại thương. Tuy nhiên, sau thời gian theo dõi số lượng nộp hồ sơ, Thúy thấy số điểm này rất khó đỗ nên ngày 11.8, Thúy cùng mẹ lại ra rút hồ sơ.

Thúy chia sẻ: “Kể từ ngày nhận hồ sơ đến nay, em luôn phải chầu chực bên máy tính để theo dõi số lượng hồ sơ nộp vào trường mình đã đăng kí. Đến nay, khi biết khả năng trúng tuyển không cao, hai mẹ con lại phải phải lặn lội từ Nghệ An Hà Nội để rút hồ sơ. Việc đăng ký xét tuyển cũng mất thời gian, công sức chẳng khác nào một lần ra Hà Nội dự thi như những năm trước mà tâm lý lúc nào cũng hồi hộp, lo lắng”.

Thí sinh không phải đến trường rút hồ sơ

Trao đổi với phóng viên, đại diện một số trường đại học cho rằng, quá trình đăng ký xét tuyển năm nay có nhiều áp lực, vất vả cho thí sinh và phụ huynh cũng như các trường.

Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, lượng hồ sơ nộp vào trường đến thời điểm này là 13.000 hồ sơ. Trong đó, số thí sinh rút hồ sơ khoảng gần 1.000.

Theo ông Thực, trông công tác rút và giao hồ sơ, trường cũng vất vả hơn nhưng vẫn chủ động và tạo điều kiện cho thí sinh. Ngoài ra, trường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ và cho phép điều chỉnh đến ngày 20.8 theo quy định của Bộ GD-ĐT

“Thí sinh đăng ký chậm nhất sau 4 giờ trường sẽ điều chỉnh, không gây khó dễ cho thí sinh”, ông Thực nói.

Thí sinh rút hồ sơ đại học: Cả họ tập trung tính toán - 2

Thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT và nộp vào trường khác có thể trực tiếp rút hồ sơ tại trường hoặc tới sở GD-ĐT địa phương, các trường trung học phổ thông để đề nghị điều chỉnh nguyện vọng

Trong khi đó, GS.TS.Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cũng chia sẻ, trường hiện có 2.100 thí sinh nộp hồ sơ. Số lượng hồ sơ rút ra không nhiều. Trường sẵn sàng tư vấn giúp thí sinh chọn trường, chọn ngành phù hợp hoặc rút hồ sơ. Thí sinh có thể làm thủ tục và rút hồ sơ tại phòng Đào tạo, trường Đại học Thủy lợi.

Lý giải những bất cập trong đăng ký xét tuyển, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD- ĐT cho biết, thí sinh được thay đổi ngành đăng ký trực tuyến là do từng trường quyết định, dựa trên điều kiện cơ sở vật chất sẵn có.

Theo ông Trinh, thí sinh ở xa khi thay đổi nguyện vọng phải đi vài lượt, không tránh khỏi vất vả. Tuy nhiên, thay đổi nguyện vọng là hướng đến quyền lợi của chính các em. Vì vậy, để được lợi, trong số những thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ có những trường hợp vất vả là khó tránh khỏi.

“Tình hình đăng ký xét tuyển vừa qua có nhiều bất cập do lần đầu tiên áp dụng cách tuyển sinh mới nên thí sinh có tâm lý chờ đợi, chưa quen và còn lúng túng”, ông Trinh khẳng định.

Cũng liên quan đến việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh, nhất là các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, Bộ đã yêu cầu các trường tiếp tục cho thí sinh đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng theo quy định.

Ngoài ra, thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT và nộp vào trường khác có thể trực tiếp rút hồ sơ tại trường hoặc có thể tới sở GD-ĐT địa phương hoặc tới các trường trung học phổ thông do sở GD-ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng.

Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan