Mỹ Linh, Thành Chương, Hoài Linh,...đều đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ ngơi của mình. Tuy nhiên, vì một số lí do mà khi đang và đã xây dựng từ rất lâu nhưng đều bị 'sờ gáy' vì vi phạm giấy phép xây dựng.
1. Nhà vườn của ca sĩ Mỹ Linh
Năm 2009, vợ chồng nữ ca sỹ Mỹ Linh – nhạc sỹ Anh Quân chuyển về sống ở căn biệt thự vườn tại Sóc Sơn, Hà Nội. Vợ chồng cô đã mua mảnh đất rộng gần 1,3 hecta này từ năm 2001 nhưng đến năm 2008 mới khởi công xây dựng.
Đất rộng nên vợ chồng nữ ca sĩ chỉ thiết kế biệt thự 1 tầng thoáng mát rộng 300m2. Phần còn lại là khu bể bơi và vui chơi ngoài trời, kèm thêm vườn cây, ao cá, chuồng gà. Để xây dựng căn nhà này, vợ chồng cô tốn ít nhất 1 triệu đô, chưa kể tiền nội thất.
Diện tích các khu xây dựng của nhà Mỹ Linh gồm ngôi nhà một tầng diện tích khoảng 300m2, nhà thu âm 90m2, bể bơi 60m2, 300m2 trồng cỏ, còn lại là khu vườn - ao - chuồng
Tuy nhiên, vào năm 2013, căn biệt thự của vợ chồng Mỹ Linh đã bị 'tuýt còi'. Theo đó, khi Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội thanh tra về việc sử dụng đất, đã kết luận vợ chồng nhạc sĩ - ca sĩ đã xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp tại xã Minh Phú, Sóc Sơn. Chính xác là vào năm 2001, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh nhận chuyển nhượng gần 12.700m2 đất của ông Đỗ Xuân Lâm (nguyên công nhân lâm trường Sóc Sơn). Trong khi lãnh đạo huyện Sóc Sơn (Hà Nội) khẳng định nhà Mỹ Linh là đất không được phép xây dựng thì UBND xã Minh Phú lại cho rằng công trình này không cần xin cấp phép.
Trước sự việc, nữ ca sĩ Mỹ Linh cho biết: “Gia đình chúng tôi luôn luôn tôn trọng pháp luật. Chúng tôi mua đất đai hợp pháp hơn 10 năm nay, có sổ đỏ đầy đủ và đã làm nhà, định cư ở đây 5 năm nay. Chính quyền địa phương cũng như hàng xóm đều biết, chúng tôi cũng tự biết mình là người được công chúng để mắt đến nên càng phải tuân thủ pháp luật. Nếu chúng tôi có gì sai trái thì làm sao có thể ở tồn tại ở đây lâu như vậy được mà nhà chức trách chưa hỏi đến”.
2. Việt phủ Thành Chương
Việt phủ Thành Chương nằm trên khoảnh đất rộng 8.000m2 thuộc địa phận xã Hiền Ninh, Sóc Sơn, hà Nội. Đây là tâm huyết suốt nhiều năm của họa sĩ Thành Chương và người vợ của mình - Ngô Hương. Trải qua 15 năm, Việt phủ Thành Chương gần như trở thành một bảo tàng tư nhân với phong cách kiến trúc độc đáo, đậm nét văn hoá dân gian Việt. Không gian văn hóa đã từng được giới thiệu trên nhiều tạp chí thế giới như The New York Times, International Herald Tribune, Telegraph...Năm 2004, nơi đây còn từng đón Hoàng Hậu và phái đoàn Hoàng gia Thuỵ Điển đến thăm.
Sau khi mua lại của ông Lưu Văn Sỹ vào năm 2001, họa sĩ Thành Chương đã xây dựng nhiều công trình kiên cố có kiến trúc khác nhau trên mảnh đất này. Việt phủ Thành Chương là sự kết hợp giữa những nét văn hóa truyền thống và hơi thở của hiện đại. Những văn hóa Việt đã được tái dựng lại qua gạch ngói đỏ, góc tường rêu xanh hay những hàng cây cổ thụ uy nghiêm.
Hình ảnh làng quê Bắc Bộ in đậm trong từng góc công trình
Bảo tháp Thiên Hương, cao 9m, được xây dựng trong 9 ngày. Ngọn tháp làm bằng đất nung, lấy cảm hứng từ thời Lý, Trần kết hợp với đường nét dân gian, đậm tinh thần văn hoá tâm linh.
Vườn tượng đá cổ, phía sau là Tượng Phổ Hiền Bồ Tát
Toàn cảnh Việt phủ Thành Chương (Nguồn video: VTV)
Tuy nhiên, vào năm 2013, Thanh tra Chính phủ kết luận Việt phủ Thành Chương đã xây dựng trên khu đất có nguồn gốc đất rừng đặc dụng.
3. Nhà thờ Tổ của Hoài Linh
Ngôi nhà thờ Tổ nghiệp của danh hài Hoài Linh nằm bên một con rạch nhỏ tại phường Long Phước, quận 9, TP.HCM. Khu nhà thờ Tổ nghiệp rộng 7.000m2 mang nét cổ kính, xây dựng theo kiến trúc đình đền Bắc Bộ. Kiến trúc sư cũng chính là một nghệ nhân xứ Bắc - anh Năm, Anh đã vào trong miền Nam nhiều tháng nay để chỉ đạo đội thợ xây dựng ngôi nhà Tổ nghiệp của Hoài Linh.
Danh hài Hoài Linh đã dành tâm huyết cả đời mình để xây dựng ngôi nhà thờ Tổ nghiệp, là nơi để giới nghệ sĩ khắp nơi đến chiêm bái, bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã khai sáng ra nghệ thuật sân khấu. Bên trong khuôn viên nhà thờ, danh hài Hoài Linh còn cho đúc 100 bức tượng sáp như người thật - những nghệ sĩ đã trọn đời cống hiến cho sân khấu Việt như NSND Phùng Há, NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương, NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Ngọc, NSƯT Thanh Kim Huệ…
Trước cổng ngôi nhà thờ là hai con rồng bằng đá trắng nằm vắt ngang con rạch đỏ ngầu phù sa
Hòn đá "Phụ Tử" được đặt ngay ngắn ở sân trước. Mặt trước có khắc chữ "Tâm", mặt sau là chữ "Đạo". Hiện tại, hòn đá vẫn chưa được tháo bao nylon và chỉ khai quang đúng vào ngày mừng nhà thờ Tổ nghiệp hoàn thành.
Mặt tiền nhà thờ Tổ nghiệp của danh hài Hoài Linh là những cột đá cẩm thạch trắng, chạm khắc hoa văn hình rồng bay lượn
Nóc nhà thờ Tổ chính đã được lợp xong ngói đỏ. Những họa tiết mái vòm cũng đã được các thợ thủ công hoàn tất.
Khi công trình đã gần hoàn thành, vào chiều 24.2,công trình nhà thờ tổ nghiệp của danh hài Hoài Linh do không có giấy phép xây dựng nên đã bị lập biên bản, xử phạt hành chính 6,2 triệu đồng. Và với vi phạm này, theo quy định, công trình xây dựng của Hoài Linh cũng bị tạm đình chỉ thi công. Danh hài Hoài Linh sẽ phải bổ sung các thủ tục pháp lý liên quan như chuyển mục đích sử dụng đất và xin giấy phép xây dựng.