Sao chổi quỷ 12P/Pons-Brooks sắp đạt đến điểm gần Mặt Trời nhất vào ngày 21/4, người trên Trái Đất có cơ hội ngắm nó ở thời điểm sáng và đẹp nhất sau 71 năm.
Chiêm ngưỡng ngôi sao rực sáng nhất bầu trời đêm
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), vào ngày 21/4, Sao chổi 12P/Pons-Brooks rộng 17 km, còn được gọi là "sao chổi quỷ" hay "sao chổi Mẹ Rồng ", sẽ tới điểm gần Mặt Trời nhất - được gọi là điểm cận nhật. Trong thời gian đó nó sẽ cách Trái Đất khoảng 232 triệu km. Vị trí đó sẽ làm cho sao chổi sáng hơn đáng kể và dễ nhìn thấy hơn trên bầu trời phía Tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.
Ngày 21/4 và một vài đêm trước và sau đó sẽ là thời điểm tốt nhất để ngắm sao chổi sáng nhất. Những người quan sát ở các vĩ độ phía bắc có thể khó nhìn thấy sao chổi vì nó sẽ ở vị trí trong ánh sáng rực rỡ của hoàng hôn. Vào thời điểm này, "sao chổi quỷ" sẽ ở cách Mặt Trời khoảng 67 triệu km.
Người yêu thiên văn sắp được quan sát sao chổi quỷ kỳ thú trên bầu trời.
Ngôi sao chổi này phát ra ánh sáng màu xanh lục và là một trong những sao chổi sáng nhất từng được con người ghi nhận. Khi đến gần Trái Đất, nó có thể được quan sát bằng mắt thường. Sao chổi quỷ" là biệt danh của ngôi sao chổi có tên chính thức 12P/Pons-Brooks. Sở dĩ ngôi sao này có biệt danh "sao chổi quỷ" vì hình thù đặc biệt của nó mỗi khi di chuyển gần Mặt Trời.
Sao chổi quỷ có quỹ đạo hình elip quay quanh Mặt Trời, với chu kỳ quỹ đạo của nó là 71,3 năm, nghĩa là mất 71,3 năm để hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời.
Theo NASA" 12P/Pons-Brooks là tàn tích đóng băng từ quá trình hình thành hệ Mặt Trời, được tạo thành từ bụi, đá và băng. Khi ngôi sao chổi này di chuyển gần Mặt Trời, nó sẽ bị nung nóng khiến lớp vỏ băng bị tan chảy và phun trào, tương tự như một núi lửa băng.
Những vụ phun trào này tạo ra một màn sương mù xung quanh sao chổi, kết hợp với ánh sáng mặt trời phản chiếu khiến ngôi sao chổi này giống như có 2 chiếc sừng của quỷ, đó chính là lý do 12P/Pons-Brooks được đặt cho biệt danh "sao chổi quỷ".
Sao chổi quỷ lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1812 bởi nhà thiên văn học người Pháp Jean-Louis Pons, nhưng các quan sát không đầy đủ khiến ông không thể xác định được quỹ đạo của ngôi sao chổi này. Phải đến hơn 71 năm sau, nhà thiên văn học người Anh William Brooks mới quan sát thấy ngôi sao chổi này xuất hiện một lần nữa vào năm 1883, đến thời điểm này, quỹ đạo của ngôi sao chổi mới được xác định xoay quanh Mặt Trời trong 71,3 năm. Đó chính là lý do cơ hội để có thể quan sát "sao chổi quỷ" dường như chỉ đến một lần duy nhất trong đời mỗi người.
Việt Nam có quan sát được sao chổi quỷ?
Theo HAS, sao chổi quỷ có đường kính hạt nhân ước tính khoảng 30km. Hạt nhân sao chổi là phần rắn, trung tâm của sao chổi, bao gồm đá, bụi và khí đông lạnh. Kích thước hạt nhân của sao chổi quỷ còn lớn hơn đỉnh núi Everest, nhưng các nhà khoa học khẳng định rằng ngôi sao này sẽ không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào cho Trái Đất.
Dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25/4 là thời điểm ngôi sao chổi này ở khoảng cách gần Trái Đất nhất (khoảng 63 triệu ki-lô-mét). Những người sống ở Việt Nam vẫn có cơ hội để quan sát ngôi sao chổi này, nhưng với điều kiện bầu trời quang đãng và không có tình trạng ô nhiễm ánh sáng.
Dù ngôi sao chổi này đủ sáng để có thể quan sát bằng mắt thường, các nhà thiên văn học vẫn khuyên mọi người nên sử dụng ống nhòm hoặc kính thiên văn để quan sát nó được rõ hơn, đồng thời nên sử dụng các ứng dụng về bản đồ thiên văn học để biết chính xác hơn về hướng quan sát sao chổi quỷ.
Để có thể quan sát sao chổi quỷ rõ nhất, mọi người nên hướng kính viễn vọng hoặc ống nhòm lên bầu trời phía tây lúc chạng vạng. Lúc này sao chổi sẽ nằm phía dưới bên phải sao Mộc - vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm 21/4. Tuy nhiên chuyên gia cũng lưu ý, sao chổi quỷ giờ đây đã mất đi cặp sừng quỷ đặc trưng có thể là do nó đã mất đi phần băng trong lõi làm cho những chiếc sừng này có thể xuất hiện, giờ thì chúng chỉ trông giống những ngôi sao chổi bình thường khác.
Sao chổi là hỗn hợp của khí đông lạnh, bụi, đá và nước đá. Một số nhà khoa học tin rằng chúng có thể là thức ăn thừa từ các vật liệu ban đầu hình thành Hệ Mặt Trời khoảng 4,6 tỷ năm trước. Các nhà khoa học thường mô tả sao chổi là "quả cầu tuyết bẩn" do thành phần cấu tạo của chúng. Khi sao Chổi bắt đầu nóng lên từ năng lượng của Mặt Trời, hạt nhân của chúng phun ra các vật chất dễ bay hơi như bụi và khí, các vật chất này thăng hoa và thoát ra ngoài (thoát khí).
Sao chổi từng được cho là điềm báo của thảm họa hoặc sứ giả từ các vị thần mang tin xấu. Ngày nay, các nhà thiên văn đã hiểu rõ hơn về sao chổi. Sao chổi không còn gieo rắc nỗi sợ hãi mà thay vào đó tạo ra sự phấn khích và cơ hội cho mọi người quan sát, chụp ảnh và nghiên cứu những du khách thiên thể tuyệt đẹp này. Sao chổi hiện là một trong những vật thể được những người quan sát bầu trời tìm kiếm nhiều nhất mỗi khi chúng xuất hiện – đặc biệt là khi chúng đủ sáng để có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ thành phố.