Silicone lỏng được dùng từ rất sớm (1940), nhưng phải đến 1965 các biến chứng mới được ghi nhận.
Các biến chứng rất đa dạng, phức tạp và chúng càng trở nên tồi tệ hơn những biến chứng do tiêm paraffine lỏng gây ra, đó chính là vì sử dụng silicone lỏng công nghiệp có pha các chất gây xơ với mục đích hạn chế sự di tản của silicone.
Biến chứng nặng nhất là tử vong đã được ghi nhận do phản ứng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc sau tiêm silicone lỏng vào cơ thể. Trong các trường hợp này, loại silicone lỏng được sử dụng thường là loại silicone dùng trong công nghiệp, không đảm bảo vô trùng, mà bị nhiễm bẩn, lẫn nhiều tạp chất hay các chất độc khác có trong phụ gia.
Nguyên nhân tử vong do silicone lỏng chui vào mạch máu. Đây là những trường hợp tiêm silicone lỏng công nghiệp với khối lượng lớn trên 500 ml ở một số vùng như vú, mông. Silicone lỏng từ các tĩnh mạch nơi được bơm sẽ di chuyển vào mạch máu, phổi, tim, não… gây ra nhồi máu tại các cơ quan và nhanh chóng dẫn đến tử vong sau nhiều giờ.
Các bệnh lý về phổi do di tản silicone lỏng thường gặp là thuyên tắc phổi, viêm phổi cấp, phù và xuất huyết phế nang, xuất huyết phế nang lan tỏa.
Năm 1993, Chen, Y.M và cộng sự báo cáo về 9 trường hợp tiêm silicone lỏng vào vú với mục đích thẩm mỹ được chẩn đoán tác nghẽn mạch phổi, 3 trong số 9 người tử vong, số còn lại phải chịu di chứng viêm xơ phổi.
Thuyên tắc phổi do tiêm silicone lỏng ở vùng vú rất dễ xảy ra. Các triệu chứng có thể xuất hiện muộn, khoảng 3 – 6 giờ sau khi tiêm, các triệu chứng khởi phát thường là hoảng hốt, đau ngực, ho khạc ra máu tươi, khó thở, tím tái, nhịp thở nhanh và sốt. Thường chỉ sốt nhẹ 37 độ 6, đến 38 độ 5. Các rối loạn thông khí phổi và chỉ số PaO2 giảm mạnh.
Chụp X-quang thấy tình trạng thâm nhiễm của các đám cản quang ở cả 2 phổi. Diễn biến có thể nặng hơn bởi phù phổi cấp và tử vong sau 2 – 3 ngày. Đa phần các trường hợp có triệu chứng của viêm phổi và dù có điều trị kịp thời đều để lại di chứng xơ phổi do thâm nhiễm silicone.
Silicone lỏng sau khi tiêm trực tiếp vào một bộ phận cơ thể thường có xu hướng di chuyển tới các vùng xung quanh nhờ quá trình thực bào. Bên cạnh sự di chuyển đến vùng da phía trên cơ quan được tiêm silicone được thể hiện bằng các triệu chứng tại chỗ về lâu dài, các hạt silicone còn được di chuyển đến các vùng xa hơn và tiếp tục gây tổn thương mô ở nơi bị thâm nhiễm.
Trong nhiều trường hợp tiêm silicone lỏng vùng mũi, silicone có thể di tản và gây tổn thương tới tận má cằm, cổ và ngực, thậm chí viêm amiđan mãn tính do các hạt silicone. Từ vị trí tiêm ban đầu là vú, silicone có thể di chuyển tới thành ngực, lên nền cổ, xuống thành bụng, có khi xuống cả môi lớn và bìu… Đây cũng là một trong những biến chứng làm chúng ta không thể giải quyết triệt để bệnh lý. Chúng cũng thường gây ra các biến chứng nặng nề và phức tạp tại các vùng, cơ quan có lắng đọng hạt silicone.
Những túi silicone nâng ngực đều có hạn sử dụng nhất định.
Chính vì vậy, việc đánh giá tổn thương của silicone lỏng không chỉ dừng lại tại cơ quan được tiêm, mà cần khảo sát mức độ tổn thương của cơ thể xa hơn vùng tiêm silicone. Biến chứng suy đa phủ tạng do tiêm silicone lỏng cũng được báo cáo.
Clark, R.F và cộng sự (2002) ghi nhận 2 trường hợp sau tiêm silicone lỏng bị buồn nôn, nôn, lơ mơ, sau đó bị hôn mê, mạch nhanh, huyết áp hạ, các xét nghiệm cho thấy tất cả các cơ quan tim, phổi, thận và gan… bị tổn thương. Việc tiêm silicone lỏng thường thực hiện tại các cơ sở không có giấy phép và thường không phải do các bác sĩ thực hiện nên không đảm bảo về mặt vô khuẩn, dễ có sự lây truyền chéo các bệnh HIV, viêm gan B.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về mối liên quan giữa sự xuất hiện của các bệnh hệ thống và silicone. Tuy vậy, cho tới nay chưa có bằng chứng nào chứng minh silicone lỏng tiêm vào cơ thể gây phản ứng miễn dịch, làm xuất hiện các bệnh khớp và bệnh hệ thống lupus ban đỏ.