Da mặt sẹo rỗ lồi lõm tuy không ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng tác động đến sự tự tin, tâm lý và chất lượng cuộc sống. Sẹo rỗ cũng có nhiều hình dạng và nguyên do hình thành khác nhau.
Sẹo rỗ luôn là nỗi ám ảnh lớn đối với làn da của nhiều người bởi tính chất "cứng đầu" khó trị. Trước khi thực hiện các biện pháp can thiệp, chúng ta cần nhận biết rõ bản thân đang bị loại sẹo biến thể gì và nguyên nhân bị.
1. Sẹo rỗ (lõm) là gì?
Bên cạnh sẹo lồi, sẹo thâm và sẹo đỏ, da mặt chúng ta còn thường bị cả sẹo rỗ (lõm). Thuật ngữ này chỉ sự tổn thương da có dạng lõm với kích thước và hình dạng không đồng đều. Khi các sợi elastin và collagen trong cấu trúc da bị đứt gãy, tổn thương và mất khả năng hồi phục khiến da hình thành các vết lõm trên bề mặt.
Sẹo rỗ là một dạng tổn thương ở trên da khó trị.
Giải thích theo nguyên lý khoa học: sẹo là hệ quả của quá trình phục hồi tự nhiên của cơ thể sau khi lớp trung bì và hạ bì bị tổn thương. Trong mô bệnh học, vùng da bị sẹo có cấu trúc khác với các vùng da thông thường. Tuy sẹo không gây đau, ngứa ngáy, khó chịu và không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sự xuất hiện của chúng trên làn da mặt ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình, tâm lý và chất lượng cuộc sống.
2. Các loại sẹo rỗ cần biết
Theo tài liệu của viện da liễu Quốc tế, căn cứ vào hình dáng, sẹo rỗ (lõm) được chia thành 3 loại chính.
Sẹo lõm hình lượn sóng/ Sẹo lõm bị xơ hóa (Rolling scars)
Nguyên nhân hình thành loại sẹo này thường do mụn mọc, mụn nang lớn. Sẹo lõm hình lượn sóng là các vết lõm có kích thước lớn, miệng có hình bầu bục hoặc hình tròn, kích thước khoảng 4 – 5mm. Sẹo có tổn thương lớn, nhấp nhô trên bề mặt như hình lượn sóng khiến bề mặt da lồi lõm, kém mịn màng.
Sẹo rỗ chân đá nhọn (Icepick scars)
Loại sẹo này thường xảy ra do hệ thống collagen vùng trung bì bị tổn thương bởi mụn nang và mụn bọc có kích thước lớn. Sẹo rỗ chân đá nhọn đặc trưng với các biểu hiện: lõm sâu, hẹp, hình dạng như có vật nhọn đâm sâu vào cấu trúc da. Kích thước sẹo thường nhỏ hơn 2mm và sâu hơn 0.5mm.
Sẹo lõm đáy vuông (Boxcar scars)
Mụn trứng cá bị vỡ do nặn mụn sai cách chính là nguyên nhân chủ yếu hình thành loại sẹo này. Nặn mụn khiến các mô liên kết collagen bị phá vỡ, đứt gãy và tạo thành các vết sẹo lõm trên bề mặt da. Cách nhận biết sẹo lõm đáy vuông rất đơn giản. Khi chân sẹo có dạng tròn hoặc bầu dục, miệng vết sẹo rộng hơn so với sẹo rỗ chân đá nhọn. So với sẹo rỗ chân đá nhọn, sẹo lõm đáy vuông nông hơn và kém thẩm mỹ hơn rất nhiều.
3. Tổng hợp các nguyên nhân gây sẹo rỗ
Sẹo lõm (sẹo rỗ) hình thành khi lớp trung bì và hạ bì tổn thương khiến các sợi collagen và elastin trong cấu trúc bị đứt gãy. Tổn thương này được hình thành do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những hành động không thể ngờ tới trong đời sống sinh hoạt.
Các loại mụn
Đa phần các trường hợp bị mụn đều chỉ để lại sẹo thâm và sẹo đỏ. Nhân mụn hình thành ở trong nang lông khiến cấu trúc da bị kéo giãn, thâm sạm và tổn thương. Tuy nhiên, mụn trứng cá là nguyên nhân chủ yếu gây ra sẹo lõm, sẹo lồi và sẹo thâm.
Theo các chuyên gia Da liễu, sẹo rỗ chỉ xảy ra do thói quen nặn mụn không đúng cách, vệ sinh da mặt kém, không tiến hành điều trị mụn sớm và thường xuyên sờ tay lên da mặt. Các thói quen này khiến nốt mụn có xu hướng sưng đỏ, viêm to và gây hư hại, đứt gãy các sợi collagen, elastin trong hạ bì và trung bì.
Thói quen sờ tay lên mặt và nặn vô tình đưa vô số vi khuẩn bám lên vết thương hở và càng làm cho tình trạng mụn trở nên sưng tấy dẫn đến sẹo rỗ.
Sẹo rỗ do thủy đậu
Thủy đậu (trái rạ) là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra. Bệnh lý này thường gây sốt, mệt mỏi kèm theo tổn thương da là các mụn nước nhỏ, mọc rải rác trên toàn bộ cơ thể. Tổn thương do thủy đậu có kích thước khoảng 3 – 8mm. Sau khoảng 4 – 5 ngày, các mụn nước có xu hướng khô lại, bong vảy và biến mất. Khi mụn nước biến mất thường để lại các vết thâm trên bề mặt da. Trong trường hợp bị thuỷ đậu mà chăm sóc không đúng cách, thường xuyên gãi cào và ma sát mạnh lên da, vùng da tổn thương có thể bị thâm đen và hình thành sẹo lõm.
Thuỷ đậu là nỗi cám cảnh của mỗi người. Vì khi mắc cơ thể rất mệt mỏi và còn chịu vô số sẹo để lại.
Các nguyên nhân khác
Bên cạnh các lí do kể trên thì viêm nang lông, áp xe, viêm nhiễm, chấn thương da cũng gây nên tổn thương sẹo rỗ trên da. Thông thường người ở độ tuổi 15 trở lên dễ mắc sẹo rỗ hơn trẻ nhỏ. Tuổi càng cao, tốc độ và khả năng hồi phục của da có xu hướng giảm dần theo độ tuổi khiến bề mặt da trở nên kém mịn màng, thiếu săn chắc và dễ bị tổn thương. Trong khi đó, trẻ nhỏ lại có tốc độ phục hồi da rất nhanh nên hiếm khi mắc các loại sẹo này.
Tuổi vị thành niên là tuổi dễ mắc các vấn đề về mụn. Tuổi càng cao càng dễ bị sẹo rỗ do sụt giảm collagen.