Họ đi vào huyền thoại nhờ vẻ đẹp hoàn mỹ từ diện mạo cho tới trí tuệ và tâm hồn.
Vẻ đẹp của cô Ba, con gái thầy Thông chánh tỉnh Trà Vinh, đã từng là nguồn cảm hứng cho bao điệu hò vè xuất hiện ở Nam Kỳ Lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19. Sở dĩ gọi là "cô Ba xà bông" vì hình của người đẹp này được in trên các sản phẩm nổi tiếng của hãng xà bông Việt Nam do ông Trương Văn Bền lập ra.
Hình ảnh cô Ba được in trên vỏ hộp "xà bông Cô Ba".
Cô Ba "hiện diện" trên các bánh xà bông nhiều cỡ, lưu hành từ vùng lân cận cho đến tận các chợ miền xa ngoài Sài Gòn và lục tỉnh. Như thế cô Ba đã nghiễm nhiên trở thành "người mẫu" đầu tiên gắn liền với một thương hiệu Việt Nam mới ra đời đầu thế kỷ 20. Sự ra đời này cùng với hình ảnh cô Ba đã nhấn mạnh sự có mặt của sản phẩm Việt và chấm dứt sự thao túng gần như độc quyền của hãng xà bông Marseille của Pháp đối với người tiêu dùng Việt Nam lúc bấy giờ.
Hình ảnh một mỹ nhân đầu thế kỷ 20 mà nhiều người cho là cô Ba xà phòng được in trên tem.
Nhan sắc của giai nhân này được tả lại là "đẹp không ai bì, đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực nhân tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo", đẹp đến nỗi Nhà nước in hình vào con tem Nhà Thơ Dây Thép (Bưu điện). Cô hớp hồn không biết bao nhiêu bậc vương giả khắp nơi.
Cô Ba được lưu truyền là người sống mực thước, bình dị dù nhiều mỹ nhân cùng thời bị cuốn vào vòng xoáy của những cuộc dạ tiệc thâu đêm. Có người bảo vì cô sinh ra trong một gia đình công chức nên không quen sống buông thả. Người khác cho rằng bản tính của cô vốn bình dị như vậy.
Vào giữa năm 2006, trong bộ sách quanh nội dung Hỏi đáp về Sài Gòn - TP.HCM đã cho biết cô Ba là "người đã dám cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin, bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 và bị xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh". Người đẹp lừng lẫy Sài Gòn một thời, người mẫu đầu tiên của thương hiệu Việt nổi tiếng, đã có một kết cục cuối đời như thế.
Đặng Tuyết Mai - người đàn bà quyền lực
Có rất nhiều bóng hồng vây quanh Dinh Độc Lập Sài Gòn dưới thời Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu trước 1975, nhưng có lẽ người đàn bà đẹp nhất là Đặng Tuyết Mai - nguyên là phu nhân của “Tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ, nhân vật quyền lực thứ hai trong Phủ Đầu Rồng. Vẻ đẹp ấy đã khiến tướng Nguyễn Cao Kỳ trúng phải "tiếng sét ái tình" ngay lần gặp gỡ đầu tiên.
Bà Đặng Tuyết Mai.
Trong tâm tưởng những người dân Sài Gòn những năm 60, 70 của thế kỷ trước chắc hẳn sẽ còn thật nhiều ấn tượng về vẻ đẹp ấy khi một ai đó bất chợt nhắc tới. Bà là Hoa khôi Sài Gòn nổi tiếng về nhan sắc và trí tuệ trong số các giai nhân Việt xưa. Vẻ đẹp của người con gái gốc Hà Nội ấy đã làm xiêu lòng tướng Nguyễn Cao Kỳ để viết nên một "thiên tình sử" tuyệt đẹp.
Thế hệ ngày nay, ít ai biết được rằng Hoa khôi Sài Gòn Đặng Tuyết Mai chính là một trong bốn nữ tiếp viên đầu tiên của Hãng hàng không Việt Nam. Không chỉ sở hữu dáng vóc thon thả, khuôn mặt sáng đẹp điển hình của người phụ nữ Phương Đông, Đặng Tuyết Mai thuở đó còn thông thuộc cả hai ngôn ngữ Anh - Pháp. Cô là đại diện cho vẻ đẹp hoàn mỹ cả trí tuệ lẫn tâm hồn.
Bà Đặng Tuyết Mai bên cạnh ông Nguyễn Cao Kỳ.
Việc “cô Bắc kỳ nho nhỏ” Đặng Tuyết Mai trở thành một trong 4 tiếp viên đầu tiên của Hãng hàng không Việt Nam là sự kiện nổi đình nổi đám lúc bấy giờ. Ngày đó, có quá nhiều sự lựa chọn để nổi tiếng đối với một cô gái trẻ đẹp ở tuổi mười tám đôi mươi như Đặng Tuyết Mai. Được học hành tử tế, được lớn lên trong một gia đình có nề nếp gia phong. Cơ hội có khá nhiều để Tuyết Mai chuẩn bị hành trang vào đời. Làm bác sĩ, làm nghệ sĩ, du học… nơi nào cũng sẵn sàng mở cánh cửa đón nhận những cô gái trẻ đẹp, đoan trang và thông minh như cô.
Cuộc thi tuyển rất gắt gao, còn hơn cả việc tuyển diễn viên điện ảnh của Hãng phim Mỹ Vân năm 1958 làm rạng danh gương mặt minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Cả bốn kiều nữ trúng tuyển đều là những cô gái dáng dong dỏng cao, giỏi hai ngoại ngữ Anh, Pháp và kiến thức xã hội cực kỳ phong phú, hiểu biết nhiều vấn đề trong xã hội. Tuyết Mai may mắn được cha mẹ sinh ra có chút nhan sắc và mê đọc sách từ bé nên không chút lúng túng trong phần thi ứng xử tình huống. Sau khi trúng tuyển rồi, Tuyết Mai phải thuyết phục bố mẹ đủ điều các cụ mới miễn cưỡng cho đi làm nghề chiêu đãi viên hàng không.
Bà Đặng Tuyết Mai thời trẻ...
Mối tình của Đặng Tuyết Mai và Nguyễn Cao Kỳ bắt nguồn từ một chuyến bay từ Manila về Việt Nam. Từ buổi gặp gỡ đầu tiên đó, tướng Kỳ đã gặp phải mối tình "sét đánh" và mở đầu cho một câu chuyện tình đẹp giữa 2 người. Chắc hẳn người dân Sài Thành xưa vẫn chưa quên cảnh ông Kỳ lái máy bay riêng để thả thư tỏ tình với Tuyết Mai. Đám cưới của Đặng Tuyết Mai với tướng Nguyễn Cao Kỳ diễn ra tại khách sạn Caravelle đã làm tốn hao biết bao giấy mực của báo giới đương thời.
Cô con gái và là MC hải ngoại nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ Duyên là dấu ấn bằng xương bằng thịt của chuyện tình thuộc dạng "thiên duyên kỳ ngộ" này. Sau khi sang Mỹ, ông Kỳ và bà Tuyết Mai đã ly dị nhau.
Hoa hậu Công Thị Nghĩa - nàng Kiều đầu tiên của màn ảnh Việt
Trước năm 1975, Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ Lục Tỉnh nói chung, có rất nhiều người đẹp mà nhan sắc đã đi vào giai thoại. Một trong số đó là người đẹp một thời Công Thị Nghĩa, hoa hậu đầu tiên tại Việt Nam, vốn quen thuộc với công chúng bằng cái tên Thu Trang.
Gốc người Hà Nội, Thu Trang xuất thân từ gia đình công chức, là chị cả của một đàn em trai. Thu Trang theo cha vào Sài Gòn làm việc từ trước năm 1954. Cô nổi tiếng là người học giỏi, thông minh và thuộc tuýp phụ nữ năng động.
Hoa hậu Thu Trang.
Ngay từ thời con gái, Thu Trang đã đam mê viết văn, viết báo. Đặc biệt là nghiên cứu về sử học (sau này, bà là tiến sĩ sử học, hiện định cư tại Pháp). Năm 20 tuổi, cô tham gia vào tổ chức Việt Minh, với nhiệm vụ là hoạt động điệp báo trong nội thành Sài Gòn. Tháng 7/1952, mật thám của Pháp phát hiện ra vai trò của Thu Trang trong tổ chức và bắt giam cô.
Những ngày thụ án của Thu Trang chỉ được khép lại khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thắng lý quan tòa trong phiên xử về tội danh mà cô mắc phải. Ra tù, với vốn chữ nghĩa sẵn có, cô tham gia một khóa học ngắn và bắt đầu theo nghề ký giả. Cô chuyên viết mảng văn hóa - nghệ thuật. Cô ký bút danh Thu Trang, đây là bút danh chính cho tất cả các trang viết, nghiên cứu lịch sử của cô.
Vẻ đẹp thuần khiết của hoa hậu đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức một cuộc thi hoa hậu, thành phần ban giám khảo của cuộc thi này bao gồm nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo. Trong một lần đến phỏng vấn thành phần ban giám khảo để đưa tin, vài thành viên ban giám khảo đã khuyên bà "Cô đẹp như vậy, nên đăng ký tham gia cuộc thi này". Nghe rủ rê, bà đăng ký tham gia với mục đích ban đầu là… để vui.
Gần như tất cả mỹ nhân đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đều xuất hiện tại cuộc thi này. Do quan niệm ở thời điểm đó, nên không có phần thi áo tắm trong suốt cuộc thi hoa hậu. Xuất sắc vượt qua hàng loạt nhan sắc khác, Thu Trang chính thức đăng quang vương miện Hoa hậu. Vào thời ấy, các số đo của Thu Trang được xem là đẹp chuẩn mực. Cô cao 1,61m, số đo 3 vòng là 86-62-88.
Hoa hậu Thu Trang và con trai tại Pháp.
Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu mà bà sở hữu là một chiếc môtô hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác. Sau khi trở thành Hoa hậu, cuộc đời bà bước sang một trang mới. Cũng như trào lưu bây giờ, bà trở thành nữ diễn viên trong nhiều bộ phim của Sài Gòn thời điểm đó.
Năm 1956, bà đảm nhiệm các vai diễn trong nhiều bộ phim, như "Chúng tôi muốn sống" (đạo diễn Vĩnh Noãn), “Lục Vân Tiên” (đạo diễn Tống Ngọc Hạp)…
Đầu năm 1957, bà cùng đạo diễn Tống Ngọc Hạp mang theo bộ phim Lục Vân Tiên sang Nhật để làm hậu kỳ. Đồng thời, cũng là để tham gia Đại hội Điện ảnh châu Á đang được tổ chức tại đây. Gần một tháng ở Nhật cùng với đạo diễn Tống Ngọc Hạp, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, giữa bà và đạo diễn nảy sinh tình cảm. Chuyện gì đến cũng đến, bà có mang.
Về lại Sài Gòn, bà liên tiếp hứng chịu sự chỉ trích của dư luận. Đơn giản, đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có vợ và con. Mặc cho điều đó, bà vẫn kiên quyết giữ lại đứa con. Rất nhiều năm sau, bà vẫn không mở miệng oán trách vị đạo diễn này bất cứ lời nào.
Là một mỹ nhân, lại đang trên đà danh vọng, đột nhiên lâm vào tình cảnh "không chồng mà có con", thế nhưng không vì vậy mà sức quyến rũ của bà đối với người khác giới suy chuyển. Một trong những người đàn ông rất nổi tiếng mê đắm bà đến quên ăn quên ngủ chính là thi sĩ Bùi Giáng. Thu Trang trở thành nàng thơ của người thi sĩ đa tình. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông chính là viết cho bà.
Hoa hậu – Tiến sĩ Sử học Thu Trang hiện tại.
Với đạo luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu quá trình xét lại tội danh với tất cả những người từng tham gia cách mạng. Nhiều đồng chí từng hoạt động chung với bà, khuyên bà nên rời khỏi Sài Gòn càng sớm càng tốt để tránh sự trả thù.
Năm 1961, nhận được lời mời tham dự tuần lễ phim ảnh tại Pháp, bà đã rời Sài Gòn và tìm cách định cư lâu dài tại đất nước này. Sang Pháp, bà không tham gia bất cứ hoạt động nghệ thuật cũng như điện ảnh nào. Mà thay vào đó, bà quay trở lại thú đam mê của mình thời con gái là viết và nghiên cứu lịch sử. Bà đăng ký theo học chính quy.
Năm 1978, bà bảo vệ thành công đề tài "Những hoạt động của Phan Châu Trinh" và trở thành tiến sĩ sử học tại Đại học Paris VII. Ngoài ra, bà còn viết nhiều sách nghiên cứu về quá trình hoạt động của nhiều nhà cách mạng khác. Nghiên cứu của bà được in thành sách và được dịch ra tiếng Việt.
Vì nhiều lý do khác nhau, trong suốt thời gian học tập và sinh sống ở Pháp, bà không tiết lộ thân phận hoa hậu của mình, chỉ một số rất ít người biết bà là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Sau này, bà có về Việt Nam để tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học trong nước.