Nặn mụn không để lại sẹo thâm, tưởng khó là do bạn chưa biết 7 điều này

Ngày 22/02/2019 00:00 AM (GMT+7)

Nếu nặn mụn không đúng cách, làn da sẽ gặp phải tình trạng viêm nhiễm, gây đau đớn và để lại sẹo thâm xấu xí trên gương mặt.

Những công thức trị vết thâm sau khi nặn mụn mà bạn không thể bỏ qua. 

Khi những nốt mụn khó ưa xuất hiện trên làn da, hầu hết các chị em phụ nữ đều lựa chọn cho mình phương pháp nặn mụn trực tiếp dù biết đây là một thói quen không tốt và có thể gây ảnh hưởng xấu đến làn da.

Tuy nhiên, nếu nặn mụn đúng cách, bạn hoàn toàn có thể vừa đẩy lùi cảm giác tự ti vừa "đánh bay" những đốm mụn xấu xí. Ngược lại, nếu không biết cách nặn và chăm sóc da sau khi nặn mụn, làn da sẽ dễ viêm nhiễm, để lại vết thâm và sẹo vô cùng mất thẩm mỹ. 

Với 7 bước nặn mụn an toàn dưới đây, bạn gái sẽ nhanh chóng sở hữu làn da sạch mụn và mịn màng.  

1. Nhận biết được loại mụn có thể nặn và không

Mụn gây ra bởi hai nguyên nhân chính là do yếu tố từ bên trong như rối loạn hormone, mất cân bằng chế độ dinh dưỡng, dẫn đến rối loạn tuyến bã nhờn và những yếu tố bên ngoài như khói bụi, mỹ phẩm... khiến da bị nhiễm khuẩn, bít tắc lỗ chân lông và từ đó hình thành mụn. Tùy loại mà sẽ có những cách "tiêu diệt" khác nhau. Do đó, bạn sẽ phải xác định loại mụn nào có thể nặn và loại nào không được nặn. 

Đối với những loại mụn mọc riêng rẽ, có kích thước nhỏ và cồi mụn khô, trồi lên. Điều này chứng tỏ mụn đã già và có thể nặn. Ngược lại, những loại mụn bọc, mụn mủ khá độc, có thể gây viêm nhiễm, sẹo, thâm trên da nên không thể xử lý bằng tay. 

Nặn mụn không để lại sẹo thâm, tưởng khó là do bạn chưa biết 7 điều này - 1

Bên cạnh mụn bọc, mụn mủ, bạn cũng không nên nặn mụn nhọt hay mụn thịt. Đây đều là những loại mụn tuyệt đối không được đụng đến kẻo gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe và làn da. 

2. Vệ sinh tay và khử trùng dụng cụ nặn mụn sạch sẽ

Đây được xem là bước vô cùng quan trọng trước khi nặn mụn. Thông thường, nhiều người sẽ tiện tay nặn mụn mà không biết rằng các ngón tay và bàn tay là "công cụ" nặn mụn chứa nhiều vi khuẩn gây hại nhất. Do đó, trước khi nặn mụn bằng tay hay bất kì dụng cụ nặn mụn nào, bạn phải khử trùng thật sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước tẩy rửa để bảo vệ cho làn da được khỏe mạnh hơn.

Nặn mụn không để lại sẹo thâm, tưởng khó là do bạn chưa biết 7 điều này - 2

Nếu không đảm bảo vệ sinh mà đã thực hiện việc nặn mụn, làn da sau khi nặn sẽ bị viêm nhiễm bởi vi khuẩn.

3. Làm sạch da mặt

Để quy trình nặn mụn được diễn ra an toàn, vệ sinh, bạn cũng cần phải tẩy trang toàn bộ lớp trang điểm trên mặt và làm sạch vùng da mụn bằng nước muối sinh lý. Sau đó, hãy làm mềm vùng da này bằng việc đắp bông y tế thấm nước ấm trong vòng từ 2 - 5 phút. 

Nặn mụn không để lại sẹo thâm, tưởng khó là do bạn chưa biết 7 điều này - 3

Với công dụng làm sạch sâu làn da, sử dụng nước muối sinh lý để rửa mặt sẽ giúp vùng da loại bỏ được bụi bẩn nằm sâu bên trong lỗ chân lông. 

4. Xông hơi da mặt

Sau bước làm sạch, công việc tiếp theo bạn cần làm là xông hơi da mặt.  Đây được xem là một trong những bước quan trọng để có thể làm giãn nở lỗ chân lông, tạo điều kiện cho các nốt mụn dễ dàng đi ra khỏi bề mặt da mà không cần phải sử dụng quá nhiều lực để nặn. 

Nặn mụn không để lại sẹo thâm, tưởng khó là do bạn chưa biết 7 điều này - 4

Dưới tác động của hơi nước ấm, lỗ chân lông sẽ được mở rộng, giúp cho việc nặn mụn trở nên dễ dàng và đẩy được mụn ra ngoài nhanh hơn. 

Do đó, hãy chuẩn bị một bát nước ấm để xông hơi da mặt trong vài phút. Hoặc bạn cũng có thể dùng khăn ẩm thấm nước nóng và massage nhẹ nhàng lên bề mặt da. 

5. Cách nặn mụn đúng

Đối với những cô nàng sử dụng tay để nặn mụn trực tiếp, bạn có thể dùng bông sạch quấn lên các đầu ngón tay để nặn mụn nhằm bảo vệ vùng da mụn không bị sưng tấy, viêm nhiễm. Sau đó, hãy dùng lực của ngón tay tập trung vào chân mụn và đẩy ngòi mụn ra ngoài. Nếu bạn dùng cây nặn mụn, bạn nên dùng lực để ấn nó xuống theo chiều ngược lỗ chân lông. Sau cùng, hãy dùng băng gạc để thấm hết vết nước hoặc máu còn tồn đọng mô bẩn xung quanh nốt mụn.

Nặn mụn không để lại sẹo thâm, tưởng khó là do bạn chưa biết 7 điều này - 5

Đối với các trường hợp không thể nặn hoặc mụn khó ra, bạn không nên cố gắng xử lý chúng ngay tại thời điểm đó mà có thể thử vào lúc khác, khi mụn đã chín hẳn. 

6. Rửa mặt lại sau khi nặn mụn

Sau khi nặn mụn, hãy dùng loại sữa rửa mặt có công thức dịu nhẹ cho làn da mà bạn vẫn dùng thường ngày để "dọn sạch" những vết bẩn còn tồn đọng trên da. Bởi những loại sửa rửa mặt này sẽ vừa giúp làn da sáng mịn hơn lại vừa không gây kích ứng khi làn da vừa trải qua quá trình nặn mụn. 

Nặn mụn không để lại sẹo thâm, tưởng khó là do bạn chưa biết 7 điều này - 6

Bạn nên hướng đến những công thức sữa rửa mặt tự nhiên dành riêng cho da dầu mụn để làm sạch mặt. 

7. Se khít lỗ chân lông sau khi nặn mụn

Để đảm bảo cho bề mặt da được trơn láng, mịn màng và không để lại vết thâm sau nặn mụn, bạn cần phải chú ý đến bước se khít lỗ chân lông. Bởi làn da sau khi "đẩy mụn" ra ngoài sẽ có nhiều vết thương hở kèm theo các lỗ chân lông bị giãn nở. Do đó, hãy sử dụng viên đá lạnh để xoa lên vùng da mụn vừa nặn xong nhằm  giảm vết đỏ và se khít lỗ chân lông. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các loại kem đặc trị mụn chấm trực tiếp lên nốt mụn vừa nặn để sát khuẩn và làm dịu sưng tấy. 

Nặn mụn không để lại sẹo thâm, tưởng khó là do bạn chưa biết 7 điều này - 7

Với những bước chăm sóc da sau khi nặn mụn này, lỗ chân lông từ đó sẽ được se khít một cách nhanh chóng và hoàn hảo hơn.

Mỗi sáng uống 1 cốc nước này, thâm sẹo sẽ biến mất, da dẻ trẻ ra cả chục tuổi
Thứ thần dược cải lão hoàn đồng được nhắc đến đó chính là nước đậu đen. Uống nước đậu đen mỗi ngày, không chỉ mụn, thâm sẹo biến mất mà da của bạn sẽ...
Theo Uyên Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết có làn da đẹp