Mùa tựu trường là lúc giao mùa từ hè sang thu, độ ẩm cao, môi trường học đường đông đúc… khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh.
Mùa tựu trường thường khiến cả nhà bận rộn hơn vì không chỉ tất bật chuẩn bị mọi thứ chu toàn cho bé nhập học, mà còn nỗi lo về những căn bệnh có thể “tấn công” con trẻ bất cứ lúc nào khi giao mùa, đúng vào thời điểm các bé đến trường.
Đối với các bé mầm non và tiểu học, nguy cơ lây lan bệnh là rất cao. Trẻ còn quá nhỏ và chưa ý thức được việc giữ gìn, bảo vệ bản thân nên khi ở trường, các con thoải mái ăn, ngủ, chơi cùng với các bạn, điều này khiến bệnh dễ lây lan hơn.
Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen sinh hoạt từ không gian quanh nhà đến môi trường lớp học cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây bệnh học đường.
Mùa tựu trường là lúc khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh. (Ảnh minh họa: Internet)
Dưới đây là một số bệnh mà trẻ có nguy cơ mắc phải trong mùa tựu trường, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:
1. Bệnh viêm đường hô hấp
Mùa học sinh tựu trường thường trùng với thời điểm giao mùa từ hè sang thu – khoảng thời gian thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Lúc này, trẻ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp như cúm, viêm họng, viêm mũi họng. Các bệnh về đường hô hấp rất dễ lây lan.
Cách xử lý:
Do các bệnh về đường hô hấp thường lây lan rất nhanh nên bố mẹ cần dạy trẻ che miệng khi ho, rửa tay sạch sẽ và không cho trẻ dùng chung bát, cốc uống nước với trẻ khác.
Nếu trẻ không may bị viêm đường hô hấp, bố mẹ cần:
- Cho trẻ ăn uống bình thường khi bị bệnh, tránh kiêng cữ thái quá.
- Tăng cường rau xanh và nước, nước hoa quả cho trẻ.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và làm sạch, thông mũi trước khi cho bé ăn, bú.
- Bổ sung kết hợp với những thực phẩm chức năng giúp tăng sức đề kháng
Dạy trẻ rửa tay sạch sẽ (Ảnh minh họa)
2. Sốt xuất huyết
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát, có tốc độ lây lan nhanh chóng và gây tử vong cho trẻ nhỏ. Căn bệnh này thường phát triển chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 11, đặc biệt là thời điểm mùa mưa. Đây là thời điểm lý tưởng cho muỗi truyền sốt xuất huyết sinh sôi, gây bệnh.
Tháng 8, tháng 9 cũng là mùa tựu trường và nó trùng với đỉnh dịch của bệnh sốt xuất huyết nên nguy cơ trẻ bị mắc bệnh ngay trong trường học là điều khó có thể tránh được.
Cách xử lý:
- Hằng tuần, nhà trường phải kiểm tra tất cả những nơi có chứa nước trong khuôn viên trường học. Thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước.
- Khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 -6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật. Tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
- Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
3. Bệnh tay chân miệng
Theo Cục Y tế dự phòng, đây là căn bệnh có rất nhiều nguy cơ lây lan trong trường học, đặc biệt là khối nhà trẻ, mẫu giáo. Bởi bệnh lây trực tiếp qua đường phân – miệng, chỉ cần vệ sinh bàn tay chưa sạch khi đi vệ sinh, bàn tay bẩn tiếp xúc đồ chơi, trẻ khác chơi, ngậm vào miệng là hoàn toàn có thể lây nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng.
Cách xử lý:
- Nhắc nhở trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng mỗi lần đi vệ sinh là điều hết sức quan trọng để phòng ngừa bệnh.
- Thường xuyên lau rửa sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Nếu trẻ bị bệnh thì nên cho nghỉ học để tránh lây bệnh cho các bạn khác.Tuyệt đối không kiêng khem tắm rửa cho trẻ vì dễ làm cho vết thương bị nhiễm khuẩn.
- Nhập viện kịp thời khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như khó ngủ, hoảng hốt lúc thiu thiu ngủ, sốt cao các chi run và co giật, nôn ói nhiều.
Nốt ban xuất hiện quanh miệng, lòng bàn tay, gan bàn chân là dấu hiệu của tay chân miệng (Ảnh minh họa)
4. Bệnh về đường tiêu hóa
Bảng, phấn, giẻ lau... và thói quen quẹt mũi, cắn móng tay, bốc thức ăn… mà không rửa tay, hoặc rửa tay không có xà phòng… sẽ khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Thói quen ăn quà vặt ngoài cổng trường dễ làm trẻ bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa.
Cách xử lý:
Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa gây đi ngoài, cần chủ động bù nước cho trẻ bằng oresol pha đúng cách, không pha đặc hay loãng hơn mà đúng với hàm lượng được hướng dẫn để cơ thể hấp thụ, bù lượng dịch đã mất qua tiêu chảy.
Ngoài ra, trong mùa tựu trường, trẻ còn có thể mắc các bệnh khác như bệnh nhiễm trùng mắt, sốt phát ban, sốt siêu vi, viêm màng não...