Bà mẹ 2 con xinh đẹp Thủy Anh chia sẻ lại những kinh nghiệm trị con bướng bỉnh vô cùng chi tiết và hữu ích.
Không chỉ đơn thuần là một hotgirl được biết đến với danh xưng "bà xã Đăng Khôi", Thủy Anh đang dần trở thành một trong những "hotmom" được lòng hàng nghìn chị em bỉm sữa nhờ vẻ ngoài xinh đẹp, cách ứng xử thân thiện, khéo léo cùng việc thường xuyên chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm chăm con bổ ích và đầy khoa học của bản thân. Facebook cá nhân của Thủy Anh hiện cũng thu hút hơn 70 nghìn người theo dõi, như một khẳng định về sức hút của bà mẹ 2 con này
Mới đây, nhất, sau khi vừa cùng gia đình trở về từ chuyến du lịch đáng nhớ tại Mũi Né, Phan Thiết, bà mẹ hai con xinh đẹp Thủy Anh, vợ nam ca sĩ Đăng Khôi đã một lần nữa nhanh chóng có thêm bài chia sẻ rất chi tiết về cách nuôi dạy con. Những tình huống và cách ứng xử của vợ chồng cô khi con trai bước vào giai đoạn "khủng hoảng tuổi lên ba" nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
"Câu chuyện khủng hoảng tuổi lên 3 của Ken khiến mình đau đầu lắm, nhiều khi buồn rầu vì không hiểu sao bạn ý ngang bướng, thích làm theo ý mình, hay đòi hỏi, mè nheo, đôi khi khóc lóc, làm ngược ý người lớn, thậm chí là ném đồ đạc… Nhưng cả gia đình mình đã cùng dắt tay nhau vượt qua cửa ải này nhẹ nhàng nhất có thể, đến ngày hôm nay thì mình vui mừng khi bạn ấy chính thức 90% qua giai đoạn khủng hoảng này rồi." Thủy Anh mở đầu cho bài chia sẻ rất hữu ích của mình.
Thủy Anh chia sẻ lại những kinh nghiệm trị con bướng bỉnh vô cùng chi tiết và hữu ích.
Bà mẹ xinh đẹp cùng chồng và 2 con vừa có chuyến du lịch đáng nhớ ở Mũi Né
Con luôn nói ngược, làm ngược
Khi mẹ hỏi con có ăn không, có muốn làm việc này không, câu trả lời của bé luôn là “không”. Mẹ bảo con cất đồ chơi đi, bạn ý không cất, còn nói thêm “Ken mệt quá ah”. Mình muốn Ken dừng việc chơi lại và ra đọc sách cùng mẹ, bạn luôn đánh trống lảng coi như không nghe thấy gì, mẹ nói 10 câu rã cả cổ họng cũng không thưa lấy một lời.
Tại sao lại thế: Đã trải qua và tìm hiểu mình biết được rằng lên 3 tuổi, bé bắt đầu nhận thức được về bản thân mình và thế giới xung quanh. Hành vi làm trái lại lời bố mẹ chính là cách các bạn 3 tuổi khẳng định chính kiến riêng của mình. Tuy nhiên, các bạn ấy chưa phân biệt được đúng sai, khả năng ngôn ngữ còn hạn chế nên không thể nói với bố mẹ hết những suy nghĩ của mình được. Đặc biệt, do thường bị người lớn cấm đoán nên khiến bé có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và hành vi chống đối.
Cách của mình: Bé thích nói ngược làm ngược thì bố mẹ cũng sẽ nói ngược làm ngược, vận dụng "chiêu" tương tự như của bé. Khi muốn bé thưởng thức đồ ăn, mình rào trước: “ôi đồ ăn ngon quá Ken đừng ăn của mẹ nhé”, khi muốn bé đọc sách hai vợ chồng liền tung hứng khen sách này hay quá, bố Khôi xem thôi đừng cho ai xem nha, lập tức Ken đang chơi đồ chơi liền chạy ngay ra để xem cái gì hay. Tiếp theo hai vợ chồng sẽ cao giọng thể hiện nhiều cảm xúc thích thú, dẫn dắt bạn ý vào câu chuyện mình muốn. Bạn ý bị kích thích lắm nên quên luôn là mình đang chơi đồ chơi.
Con hay bị mất tập trung, gọi mà không trả lời, không nghe lời bố mẹ
Nhiều khi gọi con, nói con không nghe, mình bực mình lắm. Những lúc không kiềm chế được lại cáu với con. Cáu xong đâu vẫn vào đấy, Ken không có tiến triển gì hơn.
Tại sao lại thế: Người lớn hay đặt trẻ con vào vị trí của mình và nghĩ trẻ con cũng giống như mình, có sự kiên nhẫn và tập trung. Điều này hoàn toàn sai lầm. Trẻ tập trung được 15 phút mới là lạ. Các bạn ấy luôn vận động, hết nghịch cái này lại tìm tòi cái khác. Bản chất là khám phá, và có khám phá thì mới có phát triển được thể chất, trí não.
Cách của mình: Phải luôn nhắc bản thân mình bình tĩnh, kiềm chế, suy nghĩ những điều vui thôi, đừng để bức xúc chiếm hết cảm xúc của mình. Sau đó sẽ khiêu khích các bạn ấy bằng những trò vui, kích thích tò mò của bé, rồi ôm bé vào lòng và thỏ thẻ những điều mẹ muốn. Phải xác định rõ khi bố mẹ nói chuyện với con về những điều con chưa đúng và mong muốn con nghe lời mình, thì có nghĩa là hành động đó bạn sẽ phải kiên trì làm rất nhiều lần để con nhớ, định hình nếp nhăn trên não của con.
Con đòi làm mọi việc theo ý mình
Ken tự lập sớm, từ khi còn nhỏ, bé ngã mình đã mặc kệ để bé tự đứng lên, từ việc ngủ nghê, đánh răng rửa mặt, mặc quần áo đi giày dép… mình đã để bé tự làm. Cho nên Ken có thể tự làm nhiều việc nhưng đây cũng là điểm không tốt khi khủng hoảng tuổi lên 3 xảy ra. Ken đòi làm mọi việc theo ý mình, không muốn bố mẹ động vào, nếu bố mẹ có lỡ tay trợ giúp là bạn ý giận dỗi, khóc lóc luôn. Những lúc đang vội mà con lại không nghe lời, chỉ muốn tự làm thì rất mất thời gian, có khi lỡ việc của bố mẹ.
Tại sao lại thế: Khi lên ba, bé bắt đầu ý thức về khả năng của mình và nảy sinh nguyện vọng tự làm mọi việc, muốn chứng tỏ mình có thể làm được. Bé không muốn làm theo sự ra lệnh, chỉ bảo của người lớn và thường hay cố tình làm theo ý mình để khẳng định mình đã lớn.
Cách của mình: Thôi thì bé tự làm là tốt, mẹ lại phải mất thời gian một chút để hướng dẫn vậy. Những việc bé tự làm mà không bị ảnh hưởng tới sức khoẻ và an toàn của bé thì mình động viên và cổ vũ để cho bé làm nhanh. Còn những việc ảnh hưởng tới sự an toàn thì mình nghiêm khắc bắt con dừng lại, lại trò chuyện giải thích và kết thúc bằng việc chuyển hướng câu chuyện sang đúng vào sở thích của bé để bé quên đi việc đang đòi làm.
Khóc lóc, ăn vạ và hét toáng lên
Khi không đạt được điều mong muốn, bé phản kháng bằng cách ném đồ đạc, gào khóc, mè nheo, lăn ra ăn vạ, đập đầu... Mình thấy rằng nếu càng dỗ dành thì bé càng ăn vạ, càng làm tới. Ra chỗ đông người hành động này của bé thường khiến bố mẹ xấu hổ với mọi người xung quanh.
Tại sao lại thế: Với 1 em bé nói còn chưa sõi thì việc gào khóc là cách hay nhất để thể hiện thái độ và mong muốn của mình. Bé rất nhạy cảm và để ý thái độ của bố mẹ. Nếu chiều chuộng theo yêu sách của bé thì chỉ khiến cho bé càng thêm lấn tới. Còn mắng mỏ, đánh đập là cách giáo dục phản khoa học bởi có thể khiến bé càng bị khủng hoảng hơn.
Cách của mình: Khi con khóc, mình ôm Ken vào lòng và trấn tĩnh bé bằng cách nói lặp đi lặp lại cụm từ “bình tĩnh, bình tĩnh nào Ken”. Sau đó mình sẽ dò hỏi và khơi gợi những thông tin giúp bé nói ra đang cần gì và đòi gì.
Cuối cùng mình thường hay đánh lạc hướng Ken bằng cách thu hút bé tham gia các trò chơi mà bé thích, hoặc gợi ý để Ken kể ra hôm qua con chơi gì vui và con đang thích nhân vật hoạt hình nào. Nếu bé vẫn gào khóc, mình phớt lờ bé luôn bằng cách mình không quan tâm, không nhìn bé nữa mà chăm chú vào công việc khác.
Dần dần Ken đã nhận thức được rằng việc "ăn vạ" với mẹ không có xi nhê gì và dừng việc ăn vạ lại luôn. Mình quyết tâm rèn từ lúc ở nhà để bé quen việc gào khóc sẽ không đem lại kết quả tốt, do đó khi ra ngoài chỗ đông người bé sẽ hạn chế được nhiều thói hư này.
Đi chơi ở siêu thị là y như rằng đòi vào quầy đồ chơi và đòi mua quà
Thói quen này mình phải mất một thời gian kha khá để giúp Ken chỉnh đốn và vượt qua. Lúc nào đi chơi với bố mẹ hay ông bà là cũng kéo người lớn vào gian hàng đồ chơi, đòi mua cái nọ cái kia, ban đầu mọi người thương nên chiều. Sau thành thói quen, không được mua là khóc lóc, nằm vật ra sàn.
Tại sao lại thế: Hàng ngày khi đi học hay tiếp xúc với sự vật hiện tượng xung quanh, thông qua tivi và internet, bé được nhìn thấy, được xem rất nhiều hoạt hình dễ thương, đồ chơi đẹp nên nảy sinh nhu cầu muốn sở hữu.
Cách của mình: Vụ này mình đã rất thành công khi rèn Ken. Mình tuyệt đối không mua đồ chơi khi con đòi hỏi. Những lúc bé đòi mình dỗ dành nói rằng con sẽ có đồ chơi nếu con ngoan, ông Già Noel sẽ tặng cho con. Chắc chắn trong 1 khoảng thời gian mình không mua đồ chơi cho bé, chỉ mua những cái thực sự cần thiết và đi mua thì không có Ken đi cùng. Ngày Noel, mình mời ông già Noel tới và tặng quà to, đàng hoàng rồi quay clip lại để Ken thấy khi là một em bé ngoan sẽ được phần thưởng to lớn, ý nghĩa. Thỉnh thoảng mang clip đó ra mẹ con xem lại.
Trước khi đi chơi đâu, nhất là trung tâm thương mai (TTTM), mình dặn Ken thật kỹ rằng con sẽ không đòi mua đồ chơi nhé, nếu có đồ chơi con chỉ được xem thôi, không mua. Nói đi nói lại và không bao giờ quên dặn bé trước mỗi buổi đi chơi. Dần dần Ken ý thức được và khi qua quầy đồ chơi bạn ý chỉ dám nhìn và tự nói “Ken không mua đâu, Ken chỉ nhìn thôi nha”
Con hay đánh bạn
Trẻ con ở độ tuổi này không tránh khỏi việc đánh nhau khi bé đi học, hay giành đồ chơi với nhau. Mỗi lần bị phản ánh con mình đánh con người khác, mình rất ngại, không phải phụ huynh bé nào nào cũng hiểu và thông cảm cho tính cách của trẻ.
Tại sao lại thế: Trẻ lên ba thường muốn mọi thứ xung quanh thuộc về mình, cái gì cũng cho là "của con", không cho ai đụng vào.
Cách của mình: Mình thường nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu đánh bạn là không tốt. Đặt câu hỏi mở để bé trả lời và hiểu rằng đánh bạn là xấu. Mình thỉnh thoảng kể các câu chuyện về hành vi đánh nhau rồi hỏi con việc nào đúng, việc nào sai. Hàng ngày trước khi đi học, bố mẹ luôn dặn Ken đi học phải ngoan và không đánh bạn nhé.
Khi Ken đi học về mình thường hay hỏi han tình hình ở lớp, con học được gì và có đánh nhau với bạn nào không? Rồi lại kết luận cho con hiểu việc đó đúng hay sai, cách giải quyết như thế nào. Ở nhà, mình thường xuyên giải thích cho bé hiểu cái nào là của bé, cái nào là của bạn, cái nào là của em bé Đăng Anh, cái nào là của chung để bé có khái niệm và hạn chế tranh giành.
Ngưỡng thời gian 5 phút cho mọi yêu sách của con
Ken thích xem ipad, ham chơi, đã chơi gì mà bạn ý thích là bạn ý quên hết mọi việc xung quanh, mê mẩn, mẹ gọi không nghe. Để kiềm chế tính ham chơi của bé, và hạn chế những đòi hỏi không chính đáng, mình đã áp dụng “mềm nắn, rắn buông”.
Mình thường không dập tắt ngay sở thích của con, sự quyết liệt như vậy của bố mẹ sẽ khiến con bị bức xúc, phản kháng lại. Thường thì mình sẽ giao hẹn với con, 5 phút thôi nhé rồi con đưa lại cho mẹ, hoặc 5 phút thôi nhé rồi mình không chơi trò này nữa. Và mình ngồi chờ con, đếm đủ 5 phút và nhẹ nhàng thúc giục bạn ấy đưa lại ipad hoặc đồ vật bạn ấy đang chơi.
Kể từ lần sau, mỗi lần đòi chơi cái gì, mình sẽ giao hẹn 5 phút để con hình thành thói quen không đòi hỏi ỉ ôi nhiều. Và bé hiểu những việc đó cần phải được phép của bố mẹ thì bé mới làm.