Không chỉ trò chuyện mà mẹ cần phải biết cách khuyến khích, tuyên dương khi con nói đúng và trau chuốt lời nói cho con.
Cùng với sự phát triển về thể chất là sự thay đổi, phát triển về mặt cảm xúc, ngôn ngữ của một đứa trẻ trong hành trình trưởng thành.
Thông thường, giai đoạn từ 1-3 tuổi trẻ sẽ bắt đầu phát triển mạnh về ngôn ngữ, bắt đầu bằng tiếng "ê, a" đầu đời cho đến biết nói tròn vành, rõ chữ một câu ngắn, một câu dài và một câu văn có nghĩa đầy đủ.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng phát triển theo đúng một quy trình đã "vạch ra", có bé biết nói sớm hơn nhưng có bé cũng nói chậm hơn thời điểm thông thường. Đối với những bé trên 18 tháng tuổi phát triển bình thường về khả năng cảm xúc, cử chỉ nhưng chậm nói, chậm phản ứng với các âm thanh trong cuộc sống được cho là chậm nói. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ chính bản thân sức khỏe của bé nhưng sự thiếu sót của mẹ trong việc giúp con, kích thích con biết nói cũng cần phải được nhắc tới.
Trẻ từ 3-6 tháng có thể phát ra các âm "ba", "ma". Ảnh minh họa
Vì thế, đừng đợi đến khi con tự biết nói mà ngay từ lúc mới chào đời, mẹ nên thường xuyên thực hiện những thói quen này với bé để con sớm biết nói, nói chính xác:
1. Trò chuyện càng nhiều, càng thường xuyên càng giúp kích thích khả năng nói của bé.
2. Quan sát khuôn mặt của con một cách thật kĩ càng để phát hiện biểu hiện cho thấy bé đang cố gắng trò chuyện với mẹ.
3. Tập trung vào những gì mà con đang cố gắng nói với mẹ. Thay vì cố gắng nghe rõ ràng từng câu của con mẹ hãy trò chuyện và "đỡ lời" để bé tiếp tục nói.
4. Khi con giao tiếp với mẹ thành công thì mẹ phải có những phản hồi rõ ràng. Ví dụ như hãy nói: "Đúng rồi con yêu, đó là con búp bê".
Thường xuyên trò chuyện sẽ kích thích khả năng nói ở trẻ. Ảnh minh họa
5. Kết hợp những gì bạn đang làm với lời nói để bé vừa xem hành động vừa được nghe giải thích bằng lời nói. Chẳng hạn khi đi giày cho con, mẹ nên nói "Giầy", "Mẹ đi giầy cho con yêu nhé". Tương tự các việc khác cũng thế: khi cho bé ăn trưa, đặt đồ ăn lên bàn và nói "Đã đến giờ ăn rồi". Bé sẽ hiều được rằng bữa trưa đã sẵn sáng và việc của bé là ngồi trên ghế và ăn tại bàn.
6. Hãy gọi tên con trước khi muốn nói gì đó để gây chú ý. Điều này sẽ giúp bé hiểu được rằng mẹ đang nói chuyện với bé.
7. Dành 10 giây để con có thể phản ứng lại những điều mẹ nói.
8. Cho bé tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau để phát huy khả năng nói.
9. Trau chuốt: Khi con chỉ tay vào bàn ăn, đừng vội cho bé thêm phở, thay vào đó hãy hỏi: “Con muốn ăn thêm phở à?” hay “Thêm bơ vào ngon hơn đúng không con?”.
Những mốc phát triển về ngôn ngữ bé cần đạt được: 0-3 tháng: Âm thanh ban đầu mẹ nghe được chỉ là tiếng khóc, dần dần sẽ là âm thanh thực sự phát ra từ cổ họng. Trẻ 3 tháng biết cười, phản xạ khi người xung quanh nói chuyện. 3-6 tháng: Bé biết nói các âm "ba", "ma"... hoặc phát ra những âm thanh khác nhau khi diễn tả những cảm giác khác nhau. 6-9 tháng: Bé biết lặp từ "baba", "mama", "tata"..., la hét để tạo sự chú ý, cười và ê a khi nhận ra người quen. 9-12 tháng: Âm thanh kéo dài hơn đi kèm với biểu hiện của khuôn mặt. 12-15 tháng: Âm thanh rõ ràng kết hợp với cử chỉ 15-18 tháng: Bé tập hát được những bài hát quen thuộc 18 tháng -2 tuổi: trẻ 2 tuổi có thể biết được từ 20 đến 25 từ và hiểu được những gì mình nói. 2-3 tuổi: Bé có thể trò chuyện luân phiên trong câu chuyện với mẹ với cụm 2-3 từ. |