90% trẻ có thể bị bắt cóc, xâm hại tình dục vì chưa biết các nguyên tắc này

Ngày 05/01/2017 00:00 AM (GMT+7)

Quy luật bàn tay và các nguyên tắc trong gia đình sẽ giúp con bạn tự bảo vệ được chính mình đấy!

Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều tình huống khiến trẻ có nguy cơ bị bắt cóc, nguy cơ bị xâm hại tình dục, đẩy trẻ thành nạn nhân của một vụ buôn bán người. Vậy cha mẹ cần phải làm gì để bảo vệ con mình?

Nguyên tắc cần tuân thủ trong gia đình

Cha mẹ cần xây dựng một số quy định trong gia đình và yêu cầu trẻ thực hiện nghiêm túc :

1. Khi muốn đi đâu, trẻ cần phải báo hoặc xin phép cha mẹ. Nếu trẻ muốn đi chơi xa, phải xin phép cha mẹ từ trước.

2. Trong khi trẻ chờ cha mẹ đến đón ở trường, cha mẹ và trẻ cần quy ước với nhau trước. Ví dụ: nếu cha mẹ nhờ ai đó đón hộ thì phải có mật mã để trẻ có thể trao đổi với người đón hộ. Điều này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng có kẻ giả danh người đón hộ mà bắt cóc trẻ.

90% trẻ có thể bị bắt cóc, xâm hại tình dục vì chưa biết các nguyên tắc này - 1

3. Trẻ cần thuộc các số điện thoại của người thân thiết trong gia đình như bố, mẹ, ông, bà.Trong trường hợp cần thiết, trẻ phải tìm cách liên lạc ngay với người thân để có thể được trợ giúp, có thể nhờ người lớn mà trẻ tin cậy gọi điện cho bố mẹ, ông bà.

4. Trẻ không được phép đi một mình khi trời tối hoặc đường vắng.

5. Không nhận quà của người lạ, không cho người lạ vào nhà.

6. Tuyệt đối không để ai sợ soạng vào khu vực mặc đồ lót. Lập tức báo cho cha mẹ nếu có ai đó chạm vào cơ thể và làm con sợ. Các bậc cha mẹ nên cho con mặc đồ lót từ sớm, tốt nhất từ khoảng 3 tuổi, dặn con khu vực bên trong đồ lót là bất khả xâm phạm. Bất kể ai động vào khu vực đó mà chưa có sự đồng ý của con thì đều là người xấu, dù có là người thân thiết. Trẻ biết được quy tắc đồ lót này có thể giữ gìn bản thân tránh khỏi phần lớn các nguy cơ bị xâm hại.

90% trẻ có thể bị bắt cóc, xâm hại tình dục vì chưa biết các nguyên tắc này - 2

LUẬT BÀN TAY - Quy tắc bàn tay trong giao tiếp

Để bảo vệ trẻ, các chuyên gia tâm lý đã đưa ra luật bàn tay. Theo các chuyên gia, bạn có thể chỉ cho bé, mỗi ngón tay là một nguyên tắc trong việc giao tiếp của trẻ với người xung quanh: 

Ngón số 1- Ôm hôn: chỉ dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.

Ngón số 2 - Nắm tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.

Ngón số 3 - Bắt tay: Khi gặp người quen.

Ngón số 4 - Vẫy tay: Nếu đó là người lạ đang tiến gần và có xu hướng tấn công bé. 

Ngón số 5 - Xua tay: Khi trẻ không muốn tiếp xúc, có thể sử dụng cái xua tay, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.

Luật bàn tay này không chỉ phù hợp với trẻ mầm non mà với trẻ tiểu học, vị thành niên nó cũng là nguyên tắc cần được dạy và áp dụng. 

Lanah
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan