Ăn dặm: Nên tập cho bé quen món 'chán'

Ngày 10/05/2013 09:39 AM (GMT+7)

Mẹ Aichan chia sẻ bí kíp giúp chị em thành công khi tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật.

Thời gian gần đây, Mẹ Aichan đã chia sẻ những kinh nghiệm cho bé ăn dặm kiểu Nhật hết sức thú vị, được nhiều mẹ Việt đặc biệt quan tâm.

Eva đã có cuộc phỏng vấn với mẹ bé Aichan để cùng tìm hiểu mục đích, ưu điểm của ăn dặm kiểu Nhật so với các kiểu ăn dặm khác.

Chị bắt đầu cho con ăn dặm khi bé mấy tháng tuổi?

Khi bé 4 tháng, tôi cho bé ngồi chung bàn ăn với gia đình, để bé "ngắm" mọi người ăn và tạo phản xạ tò mò cho bé. Bé 4 tháng tuổi đáng yêu lắm, cứ nhìn miệng người lớn nhai, nhìn tay đũa người lớn gắp. Tới 5 tháng tuổi thì thấy bé có hiện tượng chảy dãi, thèm thuồng, đưa tay ra với đồ ăn, đó chính là dấu hiệu để bắt đầu cho bé ăn dặm. Bởi áp dụng kỹ bước chuẩn bị này nên bé nhà tôi bắt đầu việc ăn dặm khá suôn sẻ. Tôi làm theo hướng dẫn của sách và cá nhân tôi áp dụng. Khi bé tròn 5 tháng (bước sang tháng thứ 6), tôi bắt đầu cho bé tập ăn bằng cháo trắng nghiền nhuyễn, nấu sánh tỉ lệ 1:10 (1 gạo 10 nước)

   Ăn dặm: Nên tập cho bé quen món #039;chán#039; - 1
Bé Aichan đáng yêu

Lúc bắt đầu áp dụng kiểu ăn dặm kiểu Nhật, chị đã làm thế nào để bé thích ứng?

Để bé thích ứng ngay và bắt nhịp tiến độ ăn dặm, giai đoạn chuẩn bị tâm lý cho bé rất quan trọng. Tôi đã đọc rất kỹ sách phần này và làm đúng như vậy.

Vì sao chị chọn kiểu ăn dặm của Nhật mà không phải là Việt Nam?

Vì gia đình tôi sinh sống và làm việc ở Nhật, dù thế nào bé cũng phải làm quen với cách ăn uống của người Nhật, làm sao cho bé thích nghi với lớp với môi trường nhanh nhất để mẹ có thể yên tâm làm việc. Bởi thế, tôi không có lựa chọn nào khác là phải cho con ăn theo kiểu Nhật.

Thông tin thêm

Cả gia đình mẹ Aichan đã sống tại Tokyo gần 10 năm. Mẹ Aichan hiện làm việc trong một công ty thời trang lớn của Nhật và ông xã công tác trong ngành tài chính. Bé Aichan năm nay gần 5 tuổi.

Thực ra, khi mang bầu, tôi có được đọc blog của mẹ Ổi, là bà mẹ "khởi xướng" ra phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Chị ấy nêu lên điểm khác biệt rõ ràng trong hai phương pháp cho ăn, bởi chị ấy nuôi hai đứa con, một bé được nuôi kiểu Việt Nam và một bé được nuôi kiểu Nhật. Khi đó, tôi được mẹ Ổi tặng cho cuốn sách “Hướng dẫn cho bé ăn dặm” và làm đúng theo những gì cuốn sách viết. Không ai hiểu con bằng mẹ, tôi vừa áp dụng theo sách vừa điều chỉnh để phù hợp và mục đích giáo dục con mà mình hướng tới.

Chị chia sẻ rằng, chị hiểu con ăn gì vào từng thời điểm trong bữa ăn, phản ứng thế nào khi chán ăn… phải chăng ăn dặm kiểu Nhật giúp con chị được điều này?

Quan điểm của ăn dặm kiểu Nhật là tôn trọng và rèn luyện cho bé. Mỗi em bé có cá tính khác nhau, mức độ phản ứng khác nhau, chỉ có mẹ và người nuôi dưỡng bé mới hiểu rõ bé cần gì. Ở mỗi giai đoạn cho bé ăn dù phản ứng tốt hay "phản kháng" thì trên cơ sở tôn trọng bé để điều chỉnh phương án "tác chiến" phù hợp.

Bản thân kinh nghiệm của tôi khi nuôi bé và học hỏi các bà mẹ Nhật sống xung quanh là tôn trọng nhưng có mục tiêu rèn luyện cho bé. Trong khi tôi ra sức đầu tư thay đổi món nọ món kia, mua thực phẩm cao cấp đắt tiền để mong sao con được ăn ngon và đầy đủ nhất, thì hai người bạn tại Nhật có con bằng tuổi lại rất thờ ơ. Họ chọn cho con ăn cực kỳ đơn giản với cơm, rau củ, cá, đậu và ko cần chế biến cầu kỳ, người lớn ăn sao chia ra cho bé một ít.

Nhìn thấy họ chăm con nhàn tênh, tôi  cũng muốn học hỏi. Câu trả lời chung của các thắc mắc đó là, sau này bé còn cả một cuộc đời để ăn các món ngon, những năm đầu đời nên tập ăn những món "chán", để rồi mà biết "háu ăn" và thèm ăn. Con người cũng phải biết "khổ" sau mới biết thế nào là "sướng".

Tại Nhật Bản, trẻ em được dạy rằng nước Nhật nghèo tài nguyên, nhiều thiên tai và động đất. Từ nhà trẻ đến trường học mỗi năm vài lần tập dượt chống động đất và chạy nạn. Trong số trẻ em Nhật Bản, 10 em bé thì có lẽ cả 10 đều thích ăn cơm trắng. Phải chăng cách dạy ăn của họ cũng bao hàm ý nghĩa "sẵn sàng chạy nạn", ăn gì cũng được để mà sống sót khi có nạn?

Ngoài ăn dặm kiểu Nhật, chị áp dụng chế độ dinh dưỡng thế nào để có tác dụng hỗ trợ cho sự phát triển của bé?

Tôi hoàn toàn làm theo sách vở, áp dụng chế độ dinh dưỡng đủ 3 nhóm thực phẩm là năng lượng, đạm, vitamin. Vàng là màu tượng trưng cho nhóm năng lượng bao gồm các loại tinh bột như: gạo, bánh mỳ, các loại khoai và cả chuối nữa. Trong các thực phẩm này đều có chất đường giúp cho não phát triển. Người Nhật đã chứng minh, nếu bữa sáng có nhiều chất đường thì khả năng làm việc linh hoạt và dẻo dai hơn. Vì thế nên người Nhật ăn cơm trắng vào buổi sáng nhiều hơn là bánh mỳ, miến.

Ăn dặm: Nên tập cho bé quen món #039;chán#039; - 2
Cũng như các em bé Nhật Bản, Aichan rất thích món cơm trắng.

Màu xanh là màu tượng trưng cho nhóm vitamin và khoáng chất bao gồm các loại rau, hoa quả, các loại thực phẩm từ tảo biển. Nhóm này bổ sung các chất cho cơ thể, giúp chống lại bệnh tật. Còn vàng tượng trưng cho nhóm chất đạm và chất béo bao gồm các loại thịt cá, đậu, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc. Nhóm này giúp con người trưởng thành, phát triển cơ, da, tốt cho máu và giúp tăng cường các hoocmon thần kinh. Để tránh tình trạng bé ghét ăn rau củ về sau này, riêng nhóm Vitamin (là nhóm rau củ) thì tôi tăng lượng nhiều hơn và nhiều chủng loại hơn so với các nhóm khác.

Sau một thời gian áp dụng kiểu ăn dặm này, bé nhà chị phát triển như thế nào?

Áp dụng “Vàng, Xanh, Đỏ” trong bữa ăn rất có tác dụng cho sự tăng sức đề kháng cho bé. Có thể tùy sự hấp thụ của từng bé. Như con tôi không mập nhưng ngược lại trộm vía ít ốm và có ốm cũng bình phục khá nhanh.

Khi các mẹ Việt áp dụng phương pháp cho bé ăn dặm kiểu Nhật, theo chị, cần lưu ý điểm gì?

Một lời khuyên chung cho các mẹ là hãy vững tâm. Tức là hãy tin vào con mình, tin rằng khi rèn luyện sẽ có thành quả. Ở Việt Nam, các mẹ vất vả vì nhiều khi không được chăm con theo ý mình, hay bị "lung lay" khi con bị chê nhẹ cân, bị gia đình và người thân không ủng hộ. Trên cơ sở tôn trọng bé, không cần phải áp dụng nguyên phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mà lựa chọn phương pháp phù hợp với con mình và có sự đồng thuận của gia đình.

Áp dụng "Vàng, Xanh, Đỏ" trong bữa ăn rất có tác dụng cho sự tăng sức đề kháng cho bé. Việc ăn dặm là để dạy bé, rèn luyện cho bé tính tự lập, đấy mới là cốt lõi.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bố mẹ đảm nuôi con ngoan