Trẻ nhỏ mắc bệnh sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng xuất huyết não, suy đa tạng, truy tim mạch và dẫn đến tử vong.
Lo lắng con mắc phải bệnh sốt xuất huyết
Mùa mưa, trẻ nhỏ dễ mắc phải các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa và sốt xuất huyết.Ths.Bs Nguyễn Thanh Hải, Phó khoa Khám bệnh (BV Nhi Đồng 2, Tp.HCM) cho biết: “Hiện tại, số ca khám chữa bệnh tại bệnh viện khá đông, đạt mốc khoảng 7000 bệnh nhi. Hầu hết, trẻ nhỏ thường mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa và sốt. Trong đó, số trẻ mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng khi tiết trời mưa liên tục”.
Tại khoa Khám bệnh- BV Nhi Đồng 2, đông đảo phụ huynh từ khắp nơi đưa trẻ nhỏ về khám chữa bệnh. Nhiều gia đình từ miền Tây hoặc Tây Nguyên đưa con về Sài Gòn khám và điều trị bệnh dứt điểm. Thậm chí, phụ huynh trong nội thành Sài Gòn đưa con đến khám bệnh trong trạng thái hốt hoảng, lo lắng.
Chị Minh Thảo (32 tuổi- Quận 4) đưa con đến khám bệnh tại BV Nhi Đồng 2 với vẻ mặt hốt hoảng cho hay, 2 ngày qua, cô con gái 4 tuổi của chị có triệu chứng sốt đột ngột và liên tục với nhiệt độ cao. Sang ngày thứ 3, con chị vẫn sốt và trên người xuất hiện các mẩn đỏ. Hoảng sợ, chị đã đưa con đến bệnh viện khám xem có mắc sốt xuất huyết hay không (?).
“Vào mùa mưa, muỗi phát triển và sinh sôi nảy nở mạnh. Trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh sốt xuất huyết. Do vậy, thấy con có triệu chứng sốt liên tục, gần 48 giờ đồng hồ, tôi đã đưa cháu đi khám để điều trị bệnh kịp thời”, chị Minh Thảo tâm sự.
Ths.Bs Nguyễn Thanh Hải, Phó khoa Khám bệnh (BV Nhi Đồng 2, Tp.HCM)
Nguyên nhân, triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ thường mắc bệnh sốt xuất huyết do siêu vi trùng Dengue gây ra hoặc muỗi vằn hút máu người mắc bệnh mang đến cho người lành- đây là nguyên nhân phổ biến và dễ tạo thành dịch.
Theo Bs Nguyễn Thanh Hải, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xảy ra ở tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ em từ 3-10 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh. Khi đó, trẻ mắc bệnh sẽ có những biểu hiện sau:
- Sốt
Trẻ thường sốt cao, sốt đột ngột, sốt từ 38 – 40 độ, nhưng thường không đi kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt thì chỉ có tác dụng trong vài giờ.
- Xuất huyết
Trẻ có dấu hiệu xuất huyết từ ngày thứ 3 trở lên, xuất hiện các chấm đỏ dưới da, ấn không mất.
Bên cạnh đó, trẻ có thể bị chảy máu cam, nôn mửa, đi ngoài ra máu, đau bụng và đau ở vùng dưới sườn bên phải.
Trẻ mắc sốt xuất huyết sẽ có những nốt đỏ dưới da, ấn không mất (ảnh minh họa)
Cần làm gì khi trẻ mắc sốt xuất huyết
“Thông thường, sốt xuất huyết thường diễn ra trong vòng 7 ngày. Từ ngày thứ 3-4 trở đi, trẻ sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Vì vậy, trẻ có triệu chứng sốt xuất huyết, phụ huynh không nên để trẻ ở nhà quá 48giờ đồng. Thời điểm đó , bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện làm các xét nghiệm chẩn đoán, điều trị dứt điểm và có cách hạ sốt đúng cách”, Bs Nguyễn Thanh Hải đưa ra lời khuyên.
Ngoài ra, bố mẹ phát hiện trẻ có những biểu hiện của sốt xuất huyết cần phải:
- Chọn thức ăn trẻ thích, chia làm nhiều bữa nhỏ và không kiêng khem.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như sữa, cháo, súp,…
- Cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước cam,…Đặc biệt, trẻ cần uống nhiều dung dịch oresol bởi cơ thể trẻ cần được bù nước và một số điện giải do sốt cao. Đồng thời, vitamin C giúp thành mạch máu bền vững, giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trên cơ thể trẻ.
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Bs Nguyễn Thanh Hải cho hay, cách tốt nhất để phòng ngừa trẻ không mắc sốt xuất huyết vào mùa mưa, các bậc phụ huynh nên:
- Không cho trẻ hoạt động, vui chơi dưới nơi có môi trường ẩm thấp, tối tăm, ao tù nước đọng.
- Buông màn (mùng) khi trẻ ngủ, không phân biệt ban ngày hay đêm để tránh muỗi, mặc quần áo dài tay cho trẻ.
- Sử dụng các biện pháp diệt muỗi như: dùng bình xịt, thắp nhang muỗi, phun thuộc chống muỗi,…
- Đậy kín các nơi giúp muỗi có điều kiện sinh sản và phát triển mạnh như lu, vại,…
- Phát quang bụi râm.
- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.
.