Viêm da cơ địa gây ra nỗi ám ảnh với nhiều người bởi lẽ khi tái phát, vùng da bị viêm trở nên co cứng, nứt nẻ, chảy máu và ngứa ngáy rất khó chịu. Bệnh thường khởi phát từ tuổi nhỏ có thể kéo dài suốt đời.
Tổng quan
Viêm da cơ địa được mô tả từ thế kỷ 19, với những tên gọi khác như “sẩn ngứa Besnier” hay “viêm da thần kinh rải rác”. Năm 1892, Besnier là người nhận ra sự liên quan giữa viêm da cơ địa với bệnh viêm mũi dị ứng và hen, và do đó thuật ngữ “cơ địa “đã được dùng cho bệnh này. Các đặc điểm lâm sàng được tổng hợp bởi Hanifin và Rajka vào năm 1980. Đến năm 1994, William và cộng sự đã đơn giản hóa các tiêu chuẩn của Hanikin và Rajka để đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán viêm da cơ địa của UK Working Party.
Có 2 dạng viêm da cơ địa chính: một dạng có liên quan với IgE, còn được gọi là viêm da cơ địa ngoại sinh; một dạng không có liên quan với IgE, được gọi là viêm da cơ địa nội sinh. Tuy nhiên 2 dạng này có thể chồng lấp nhau, dạng này có thể là giai đoạn sớm của dạng kia và do đó thường không được coi là 2 thể riêng biệt.
Tỷ lệ hiện mắc viêm da cơ địa hầu hết ở các nước có thu nhập cao và một vài nước có thu nhập thấp, khoảng 10 - 30% ở trẻ em và 2 - 10% ở người lớn. Bệnh biểu hiện ngứa và hay tái phát, thường khởi phát ở tuổi nhũ nhi nhưng thỉnh thoảng khởi phát đầu tiên ở người lớn. Viêm da cơ địa là bệnh gien có biến hóa phức tạp thường kết hợp với các bệnh lý “cơ địa” khác như là hen phế quản, viêm mũi dị ứng.
Triệu chứng
Viêm da cơ địa ở trẻ dưới 2 tuổi: Giai đoạn ấu thơ - thường gặp ở trẻ từ 2 - 3 tháng tuổi. Thương tổn cơ bản là các mụn nước tập trung thành đám. Các mụn nước tiến triển theo các giai đoạn: Tấy đỏ, mụn nước, chảy nước/xuất tiết, đóng vảy, bong vảy da. Vị trí viêm da hay gặp ở má, trán, cằm. Tuy nhiên, có thể lan ra tay, chân, lưng, bụng... có tính chất đối xứng. Triệu chứng thường thấy là ngứa.
Viêm da cơ địa ở trẻ em từ 2 – 12 tuổi: Hay gặp nhất là lứa tuổi từ 2- 5 tuổi. Thương tổn cơ bản là các sần nổi cao hơn mặt da, tập trung thành mảng hoặc rải rác, da dày, liken hóa. Có thể gặp các mụn nước tập trung thành đám. Vị trí thương tổn: Mặt duỗi hay nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt, thương tổn ở hai bên hoặc đối xứng. Triệu chứng thường thấy là rất ngứa
Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn: Bệnh tiến triển từ giai đoạn trẻ em chuyển sang, một số khởi phát ở tuổi dậy thì, một số phát ở tuổi lớn hơn. Thương tổn cơ bản: Sần nổi cao hơn mặt da, rải rác hoặc tập trung thành đám. Có thể có một số mụn nước kèm theo nhiều vết xước do gãi. Vị trí khu trú của thương tổn hay gặp ở các nếp gấp như kheo chân, khuỷu tay, cổ tay, vùng hậu môn sinh dục, núm vú... Triệu chứng thường thấy là rất ngứa.
Những triệu chứng không điển hình: Khô da, dấu hiệu vẽ nổi, viêm da lòng bàn tay, bàn chân.
Nguyên nhân
Viêm da cơ địa liên quan khá chặt chẽ với cơ địa dị ứng hoặc có liên quan đến yếu tố gia đình mắc bệnh dị ứng (hen suyễn, viêm mũi dị ứng, tổ đỉa, chàm...) tức là do yếu tố di truyền. Kết quả tổng kết của các tác giả cho thấy 60% người bị viêm da cơ địa, khi sinh con, con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh viêm da cơ địa. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em (khoảng 35%) hoặc do sức đề kháng của cơ thể kém hoặc ăn nhiều thực phẩm, gia vị có tính cay nóng (tiêu, ớt, mù tạt, dầu ăn, cà phê, rượu, bia...Ngoài ra, có thể gặp ở người mắc bệnh về gan làm cho gan bị tổn thương không thực hiện được chức năng thải độc của nó.
Biến chứng
Hầu hết tình trạng da bị viêm đều gây cảm giác ngứa ngáy cực kỳ khó chịu, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người bệnh. Nhưng viêm da cơ địa nguy hiểm ở chỗ nó tái đi tái lại nhiều lần và có thể lan rộng đến nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể, việc điều trị rất tốn kém, mất thời gian. Bệnh này không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng nó cần được điều trị dứt điểm vì có thể gây ra các biến chứng nặng nề như:
Viêm da cơ địa gây nhiễm trùng da hoặc bội nhiễm vi khuẩn nếu người bệnh gãi nhiều. Việc gãi vùng da bệnh không những làm tổn thương da mà đó còn là điều kiện để vi khuẩn từ móng tay tiếp xúc với vết thương và gây nhiễm trùng, lở loét hoặc không cẩn thận còn gây hoại tử.
Viêm da cơ địa bội nhiễm do virus thì còn gây sốt, mọc mụn nước trên da, tổn thương nội tạng và có thể gây tử vong nếu bệnh tiến triển nặng.
Viêm da cơ địa mãn tính nếu điều trị sai hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ khiế người bệnh bị mẩn đỏ toàn thân, bị sốt rét, rất ngứa và khó điều trị.
Ảnh hưởng đến thị giác: Nếu viêm da cơ địa xuất hiện ở vùng da mỏng quanh mắt thì sẽ gây hại cho thị giác khi vi khuẩn có thể xâm nhập cùng các tổn thương da gây viêm kết mạc mắt, viêm mí mắt, chảy nước mắt liên tục…
Sẹo: Bệnh viêm da cơ địa gây ra sẹo, các vết sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ cùng các vết ngứa, mẩn đỏ khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp.
Biến chứng khác: Theo thống kê, có khoảng 30-50% người bệnh sẽ phải đối mặt với các bệnh dị ứng khác như: Suy hô hấp, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, hen phế quản.
Những vị trí thường gặp
Viêm da cơ địa ở tay: Các vết mẩn đỏ, nổi sần, tróc da thường xuất hiện ở mu bàn tay, kẽ ngón tay, lòng bàn tay… được gọi là viêm da cơ địa ở tay. Đây là vùng da dễ mắc bệnh nhất do thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như các chất tẩy rửa, nhựa cây, lông động vật, xà phòng có tính kiềm cao,…
Viêm da cơ địa ở mặt: Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ khuôn mặt gây mất tự ti, ngại giao tiếp. Viêm da ở mặt nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: Các tổn thương do viêm da ở vùng mặt có thể lan rộng, vi khuẩn xâm nhập gây viêm kết mạc, viêm mí mắt; Thói quen gãi mạnh khi ngứa của nhiều người có thể khiến bệnh biến chứng thành viêm da thần kinh. Các vết trầy sâu hơn, sậm màu hơn. Sẹo có thể để lại vĩnh viễn trên da gây mất thẩm mỹ; Nhiễm trùng, bội nhiễm vi khuẩn cũng có thể xảy ra khi người bệnh không vệ sinh đúng cách.
Viêm da cơ địa ở chân thường có các dấu hiệu: Lòng bàn chân hoặc ngón chân có mụn nước theo đám, xung quanh mụn nước ngứa ngáy kèm nóng ran.Da chân khô, bong tróc, đỏ mẩn. Mụn nước sau khi vỡ gây sưng, viêm,…Các dấu hiệu này kéo dài từ trong vài ngày đến 3 tuần. Sau đó da có thể trở nên khô, căng và nứt ra. Nếu không có biện pháp điều trị thích hợp, da có thể bị nhiễm trùng.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viên da cơ địa.
Bệnh viêm da cơ địa thường gặp hơn ở trẻ em bị hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng, hoặc người lớn mắc các bệnh này muộn hơn (thường là trước 30 tuổi).
Những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh viêm da cơ địa cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị: Phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân. Chú ý điều trị các bệnh cơ địa nếu có. Cần điều trị đúng theo từng giai đoạn, kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý.
Điều trị tại chỗ: Điều trị bệnh tùy theo từng giai đoạn bệnh cấp tính, bán cấp, mạn tính. Sử dụng thuốc kháng histamin tổng hợp, vitamin C nếu bệnh nhân có triệu chứng bội nhiễm, cần phải dùng kháng sinh.
Ngoài ra, có một số phương pháp khác: Sử dụng phương pháp UVA, UVB hoặc LASER he – ne và một số thuốc ức chế miễn dịch để điều trị.
Phòng bệnh
Thay đổi lối sống như các biện pháp nhằm giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ có thể làm giảm khả năng bùng phát bệnh viêm da cơ địa.
Tránh sử dụng các chất gây kích ứng như xà phòng và chất tẩy rửa mạnh. Thời tiết lạnh cũng có thể làm khô da và gây bùng phát viêm da cơ địa.
Người bị viêm da cơ địa nên tránh gãi trực tiếp vào vùng da bị ngứa để tránh làm tổn thương da.
Vì da khô có thể làm bùng phát bệnh viêm da cơ địa nên bác sĩ da liễu có thể khuyên dùng kem dưỡng ẩm dạng mỡ hoặc kem để giúp làm dịu da của bạn.