Bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa và điều trị trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Ngày 07/06/2019 16:02 PM (GMT+7)

Bác sĩ chia sẻ, 70% tế bào miễn dịch nằm ở đường ruột nên hệ tiêu hóa đóng vai trò quan trọng với đề kháng và 100% năng lượng nuôi sống cơ thể. Đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển trí não của trẻ trong những năm đầu đời.

Bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa và điều trị trẻ bị rối loạn tiêu hóa - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK II Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Nhi đồng 2, Tp. Hồ Chí Minh

Bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa và điều trị trẻ bị rối loạn tiêu hóa - 2

BS.CK II Nguyễn Thị Thu Hậu - Bệnh viện Nhi đồng 2, Tp. Hồ Chí Minh

Hệ tiêu hóa là nơi tập hợp nhiều cơ quan như: dạ dày, ruột già, ruột non, trực tràng... Riêng đường ruột có hơn 100 triệu nơron thần kinh thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như co bóp thức ăn, tiêu thụ - hấp thu dinh dưỡng, điều hành hoạt động của hormone sản sinh miễn dịch...

Trẻ mắc bệnh tiêu hóa thường có cảm giác ăn không ngon miệng, nhanh no, luôn có cảm giác chán ăn. Trẻ thường xuyên ợ hơi, ợ nóng, ợ chua hay có thể buồn nôn, đau bụng âm ỉ, thở nặng nhọc, đi lại nặng nề hoặc tiêu chảy, táo bón...

Cha mẹ nên để ý bé có hay không những biểu hiện như sốt, môi khô, mặt hốc hác, quấy khóc và không chịu ăn uống... Đây có thể là những triệu chứng trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện rất dễ khiến trẻ mắc phải các chứng rối loạn tiêu hóa khi thay đổi chế độ ăn đột ngột.

Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng với những trẻ thường xuyên có biểu hiện bất thường ở đường tiêu hóa, khả năng hấp thụ và cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể bị ảnh hưởng, trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ khi diễn tiến lâu dài.

Những biểu hiện bệnh lý tiêu hóa thường gặp ở trẻ em gồm:

- Nôn trớ

Nôn trớ hay trào ngược dạ dày là tình trạng thức ăn sau khi nuốt xuống dạ dày bị đẩy trở ngược lên trên. Có đến 2/3 trẻ nhỏ gặp phải tình trạng này trong những tháng đầu đời do đường tiêu hoá của trẻ chưa hoàn thiện. Khi cấu trúc hệ tiêu hoá của trẻ dần hoàn thiện, tình trạng này sẽ thoái lui.

Gần đây, nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ mật thiết ở những trẻ bị bệnh trào ngược dạ dày và tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, trẻ bị bệnh trào ngược có thể bị viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn và về lâu dài có thể đưa tới những rối loạn phát triển hành vi.

- Táo bón

Táo bón là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau và rất hay gặp ở trẻ nhỏ vì hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện, dễ gặp “trục trặc” khi tiếp nhận các thực phẩm khó tiêu hoá: thức ăn cứng, chứa quá nhiều dầu mỡ, hay các loại đạm nóng khó tiêu,…Thực tế cho thấy, khi bị táo bón trẻ dễ dàng bỏ bữa, biếng ăn, lâu ngày cơ thể không hấp thụ các chất dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết, khiếntrẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển so với những trẻ cùng trang lứa.

Bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa và điều trị trẻ bị rối loạn tiêu hóa - 3

Trẻ đi ngoài ra phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày thì được coi là tiêu chảy. Ảnh minh họa

- Đi ngoài phân sống

Là biểu hiện của loạn khuẩn đường ruột, do tình trạng mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong ruột. Đường ruột của người bình thường có một hệ vi sinh vật sống cộng sinh với 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn. Với hệ tiêu hoá khoẻ mạnh thì tỷ lệ này được duy trì, đường ruột sẽ ở trạng thái cân bằng tốt, các quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, thải trừ chất độc hại diễn ra bình thường.

Ngược lại, khi tỷ lệ trên bị phá vỡ, lượng lợi khuẩn giảm xuống, hại khuẩn có dịp sinh sôi, tạo ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột với các triệu chứng thường gặp, như: đi ngoài phân lỏng, phân sống, đôi khi có lẫn chất nhầy, có thể kèm theo đầy bụng.

- Tiêu chảy

Trẻ đi ngoài ra phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày thì được coi là tiêu chảy. Khi tiêu chảy nhiều hay kéo dài trẻ dễ bị mất nước, mất chất điện giải, nghiêm trọng nhất có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Khi trẻ bị tiêu chảy, ngoài việc bù nước, điện giải, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng nhưng loãng, dễ tiêu hoá để giúp cơ thể mau phục hồi.

Nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa

- Sức đề kháng

Trong giai đoạn từ 0-6 tuổi, sức đề kháng lẫn hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... Chúng là nhân tố gây nên bệnh tiêu hóa.

- Kháng sinh

Một số trường hợp trẻ có thể mắc bệnh do dùng kháng sinh. Theo đó, khi đi vào cơ thể, kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng sinh thái đường ruột, dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa.

- Môi trường

Môi trường vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn cũng gây ra bệnh đường ruột. Bên cạnh đó, trẻ dễ bị nhiễm bẩn từ tay, đồ chơi...

- Biến chứng từ các bệnh khác

Thực tế, có nhiều trẻ bị bệnh tiêu hóa do biến chứng từ các bệnh khác như: viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản... Khi mắc những bệnh này, bé thường bị tiết nhiều đờm chứa vi khuẩn, thay vì khạc nhổ ra ngoài, các con nuốt luôn dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa.

- Dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, trong khi hệ thống men tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện - cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Nhiều trẻ thường đòi cha mẹ những món yêu thích nhưng không tốt cho cơ thể như: thực phẩm dầu mỡ, bánh kẹo ngọt, lạp xưởng, xúc xích và các món ăn giàu đạm... gây trướng hơi, đầy bụng.

- Thực phẩm

Trẻ con cũng thích những đồ uống có ga, nước ngọt hay thực phẩm chế biến sẵn. Những thức ăn này phần nhiều là bảo quản không tốt, dự trữ không đúng cách làm phát sinh vi khuẩn, dễ gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp. Chất bảo quản trong thực phẩm chế biến sẵn có thể gây viêm dạ dày, ruột, ngộ độc.

Phòng ngừa và điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Bệnh tiêu hóa sẽ khỏi hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời. Nhưng nếu chủ quan, không chữa nhanh chóng và dứt điểm sẽ dẫn đến tình trạng viêm, tổn thương đường ruột mãn tính.

Khi chức năng hệ tiêu hóa bị suy giảm, lượng thức ăn vào cơ thể không được tiêu hóa hoàn toàn, làm gia tăng nguy cơ các vi khuẩn có hại, khiến hệ miễn dịch và sức khỏe của trẻ yếu đi. Vì thế, không ít bé bị suy dinh dưỡng, thấp còi, kém cả thể chất lẫn trí não.

Bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa và điều trị trẻ bị rối loạn tiêu hóa - 4

Nước và chất xơ là hai thứ trẻ không thể thiếu để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Ảnh minh họa

Phụ huynh nên thường xuyên nấu ăn ở nhà, hạn chế ăn bên ngoài để đảm bảo thực phẩm sạch, đủ chất và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước khi ăn, bé cần phải rửa tay kỹ bằng xà phòng. Trẻ cần được ăn uống điều độ, đúng giờ.

- Bổ sung những thực phẩm có lợi

Nước và chất xơ là hai thứ trẻ không thể thiếu. Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, mỗi người cần cung cấp một lượng nước vừa đủ cho cơ thể mỗi ngày nhằm giúp thức ăn loãng ra, dễ di chuyển trong đường ruột. Việc sử dụng những thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm không có tính axit và giàu men vi sinh cũng rất cần thiết.

Thực phẩm giàu chất xơ có trong các loại rau củ quả, ngũ cốc, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt. Chúng giúp giữ và lọc thức ăn trong hệ tiêu hóa để tách lấy năng lượng và dinh dưỡng, đẩy các chất thải còn lại ra ngoài. Các loại rau lá củ cải, bina, cải xoăn, cải bắp, cà rốt, súp lơ... có tính kiềm, trung hòa axit dịch vị trong đường ruột.

Thực phẩm giàu kẽm tái tạo tế bào miễn dịch, giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng. Chúng có nhiều trong sò, củ cải, cùi dừa già, đậu Hà Lan lòng đỏ trứng, khoai lang, đậu phộng... Những người hay bị ợ nóng, ợ chua cần tăng cường ăn các loại thực phẩm không có tính axit như chuối, bột yến mạch, gạo, bánh mì và ngũ cốc thô.

- Tránh thực phẩm gây hại

Không nên cho bé ăn nhiều món chiên rán, bởi ở nhiệt độ cao, dầu mỡ kết hợp với thực phẩm tạo thành các chất khó tiêu hóa, gây đầy bụng, khó tiêu.

Đồ cay chứa chất kích thích, có thể làm tê liệt hoạt động tiết dịch và men tiêu hóa, khiến thức ăn lâu tiêu. Dung nạp quá nhiều các loại ngũ cốc, lúa mạch giàu tinh bột cũng là gánh nặng cho hệ tiêu hoá, tích tụ lại dạ dày và gây nên cảm giác đầy bụng. Ăn nhiều đồ chua, nhất là lúc đói, có thể làm lượng axit dạ dày tăng lên đột ngột, gây xót ruột và trướng bụng.

- Trẻ phải nhai kỹ thức ăn

Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng, vì vậy việc nhai kỹ thức ăn là vô cùng quan trọng. Nhai giúp nghiền thức ăn thành nhiều mảnh nhỏ và hòa trộn chúng cùng với các enzyme có trong nước bọt. Việc này khiến con bạn cảm thấy ngon miệng và dễ tiêu hóa hơn.

- Ăn thành nhiều bữa nhỏ

Không nên cho trẻ ăn quá no. Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn phụ sẽ giúp con bạn giải tỏa áp lực cho hệ tiêu hóa. Ăn ít thịt vào buổi tối sẽ giúp trẻ tiêu hóa hết thức ăn trước khi đi ngủ.

- Tập luyện vận động

Thói quen tập thể dục, vận động hàng ngày cũng có thể giúp con ăn uống ngon miệng và hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.. Song lưu ý không nên vận động mạnh ngay sau khi ăn no.

- Tâm lý

Tránh căng thẳng, stress, áp lực khiến con ăn mất ngon, ức chế quá trình tiêu hóa và hấp thu. Cần tạo cho con niềm vui và tiếng cười khi ăn.

Những thực phẩm giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ mà mẹ chưa biết
Khi bị rối loạn tiêu hóa, bữa ăn của trẻ phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất bột đường, chất béo và các loại vitamin, khoáng chất.
BS.CK II Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Nhi đồng 2, Tp. Hồ Chí Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh nghiệm nuôi con bụng vui, thông minh và lớn khỏe