Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng do sự co thắt bất bình thường của các cơ trơn trong hệ tiêu hóa làm xuất hiện các triệu chứng khác nhau (chán ăn, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, đi lỏng, ra máu hoặc táo bón…), triệu chứng hoặc đơn lẻ hoặc phối hợp.
Tổng quan
Hệ thống tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn) có nhiệm vụ lọc bỏ các chất thải và hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết. Rối loạn tiêu hóa có thể gây ra một số triệu chứng không mong muốn, làm người bệnh khó chịu, thậm chí là do bệnh lý.
Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng do sự co thắt bất bình thường của các cơ trơn trong hệ tiêu hóa làm xuất hiện các triệu chứng khác nhau (chán ăn, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, đi lỏng, ra máu hoặc táo bón…), triệu chứng hoặc đơn lẻ hoặc phối hợp. Các triệu chứng xuất hiện có thể thỉnh thoảng hoặc liên tục. Hầu hết rối loạn tiêu hóa là không nguy hiểm chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên có những trường hợp rối loạn tiêu hóa do bệnh lý trở nên trầm trọng như đi ngoài ra máu (nhiều nguyên nhân khác nhau), táo bón kéo dài hoặc tiêu chảy cấp do vi sinh vật gây bệnh sinh ra (lỵ, Rotavirus)... Lúc này rối loạn tiêu hóa không đơn giản như một số người tưởng.
Các dạng rối loạn tiêu hóa thường gặp
Chán ăn, không thèm ăn: Biểu hiện này khá thường gặp ở người cao tuổi do chức năng hoạt động của các bộ phận trong hệ tiêu hóa giảm khiến quá trình tiêu hóa thức ăn kéo dài hơn so với người trẻ. Nếu hiện tượng này kéo dài rất dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, cơ thể mệt mỏi, sức khỏe giảm sút.
Nuốt nghẹn: Đây là biểu hiện thường gặp ở không ít người cao tuổi mặc dù đã nhai chậm, không vội vàng. Nguyên nhân có thể do răng yếu nên người cao tuổi không nghiền kỹ được thức ăn. Ngoài ra cũng có thể do hoạt động của cơ thực quản giảm khiến việc đẩy thức ăn xuống dạ dày bị cản trở gây nghẹn.
Sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân nát: Hiện tượng rất dễ xảy ra khi người cao tuổi ăn thực phẩm nhiều mỡ, nhiều đạm do sự co bóp của dạ dày kém và các men tiêu hóa của đường ruột bị giảm do lão hóa. Điều này khiến người cao tuổi ngại ăn những thức ăn bổ dưỡng như sữa, thịt, cá…
Táo bón: Có nhiều nguyên nhân gây táo bón ở người cao tuổi nhưng có một số lý do thường gặp nhất là do chức năng và hệ men tiêu hóa của đường ruột giảm sút, do ít vận động, ăn ít rau, quả hoặc không ăn, uống ít nước. Khi bị táo bón, người cao tuổi thường cảm thấy mệt mỏi do các chất độc tố có trong phân, trong đó rất nhiều độc tố của vi khuẩn ngấm vào máu. Hơn nữa, táo bón rất dễ gây nên bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn khiến người cao tuổi phải rặn mạnh mà rặn mạnh thì đau, chảy máu nên táo bón lại càng tăng lên, thỉnh thoảng lại xuất hiện cơn đau quặn bụng, nhất là đau bụng dưới mà hay gặp nhất là đau vùng hố chậu bên phải làm cho dễ nhầm với viêm ruột thừa.
Tiêu chảy: Nếu người cao tuổi bị tiêu chảy thông thường, không do nguyên nhân nhiễm khuẩn cần bổ sung nước và chất điện giải bằng cách uống dung dịch oresol (ORS). Nếu tiêu chảy cấp, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xác định bệnh.
Bệnh về gan mật: Khi hệ thống gan mật bị ảnh hưởng do tuổi già khiến hoạt động không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu hóa. Ngoài ra, một số bệnh lý tại gan, mật cũng làm cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng rất lớn như viêm gan mạn tính, xơ gan, viêm đường mật mạn tính hoặc sỏi mật.
Sa dạ dày: Đây là hiện tượng chủ yếu gặp ở người cao tuổi do các cơ của thành dạ dày bị yếu dần đi theo tuổi tác. Sa dạ dày ở người cao tuổi làm cho họ lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ (ngủ không ngon giấc, ngủ không sâu hoặc rất ít ngủ).
Ngoài những biểu hiện và bệnh lý gây rối loạn tiêu hóa trên, người cao tuổi cũng có thể mắc một số bệnh mạn tính từ trước do không được điều trị dứt điểm khi tuổi cao bệnh càng nặng thêm như bệnh về dạ dày – tá tràng (viêm, loét dạ dày).
Những rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi nếu chỉ bị trong một thời gian ngắn từ 2 đến 3 ngày thì thường không gây biến chứng gì đáng kể nếu được điều trị kịp thời và dứt điểm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới nhiều hậu quả cho sức khỏe người cao tuổi như những rối loạn nuốt có thể gây viêm phổi do sặc, nuốt nghẹn hoặc hội chứng kém hấp thu kéo dài khiến cho việc cung cấp chất dinh dưỡng bị thuyên giảm và bệnh nhân sẽ bị suy kiệt. Từ đó, bệnh nhân dễ dàng bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu... cũng như suy dinh dưỡng sẽ làm nặng thêm các bệnh mạn tính đang có. Tiêu chảy cấp hoặc mạn đều gây mất nước, mất điện giải khiến cơ thể suy kiệt nhanh chóng. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống cũng bị giảm sút do ơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, tâm lý lo lắng về bệnh tật dẫn đến đau đầu, mất ngủ triền miên, mất tập trung, dễ cáu gắt, mất hứng thú với cuộc sống…
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa nhưng không phải do bệnh lý, trong đó, đáng chú ý hơn cả là do chế độ ăn uống không hợp lý. Trẻ em hoặc người già, ngay cả người trưởng thành, ăn quá nhiều bữa, mỗi lần ăn quá no, ăn uống quá nhiều chất béo, chất đạm, tinh bột, trong khi đó ăn ít rau quả tươi, có thể bị rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, ăn không đúng bữa, ăn thức ăn dự trữ của ngày hôm trước hoặc đã để lâu ngày, nhất là trong những ngày Tết, do thức ăn dư thừa qua mỗi bữa ăn sẽ dẫn đến tình trạng hệ men tiêu hóa không sản xuất kịp hoặc không đủ để tiêu hóa thức ăn biểu hiện đầy hơi, trướng bụng, ậm ạch khó chịu, thậm chí gây phản xạ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng hoặc nát (người lớn), hoa cà, hoa cải, xanh, có bọt, mùi tanh (trẻ nhỏ).
Rối loạn tiêu hóa cũng có thể do dùng quá nhiều kháng sinh hoặc dùng kháng sinh bừa bãi làm mất cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột cho nên men của chúng sản xuất ra bị đình trệ không góp phần vào tiêu hóa thức ăn làm rối loạn tiêu hóa (gọi là loạn khuẩn). Vì vậy, trong những ngày lễ Tết, mỗi gia đình nên có một số thuốc cơ bản để sử dụng khi cần thiết nhưng tuyệt đối không mua kháng sinh dự phòng, trừ trường hợp có đơn thuốc của bác sĩ. Lý do là thuốc kháng sinh rất dễ gây phản ứng phụ là tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa. Một số trường hợp dùng kháng sinh liều cao kéo dài có thể gây tình trạng tiêu chảy nặng hơn được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Rối loạn tiêu hóa cũng có thể uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu tự nấu, tự pha chế, vì vậy, những ngày Tết nếu không biết tự kiềm chế, uống quá nhiều sẽ đau bụng, nôn mửa, thậm chí gây ngộ độc rượu, chảy máu đường tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa gây nôn, ọe, thậm chí không ăn uống được do rối loạn nội tiết như một số phụ nữ nghén khi mang thai. Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa còn có thể do ăn quá nhanh, thói quen vừa ăn vừa làm việc (vừa ăn vừa đọc báo, xem truyện, xem Ipad...), hoặc ăn nhiều loại gia vị chua cay (ớt, bồ tạt, chanh, dấm,...).
Rối loạn tiêu hóa do bệnh lý gặp vô vàn lý do khác nhau (hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản, hội chứng dạ dày - tá tràng, viêm ruột, viêm đại tràng cấp, mạn tính...) và nhiều bệnh ngoài đường tiêu hóa nhưng có thể gây rối loạn tiêu hóa (sỏi tiết niệu, bệnh gan mật, tụy tạng, rối loạn thần kinh thực vật,...).
Điều trị
Có thể dùng các loại men vi sinh giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, ổn định đường ruột. Khi bị tiêu chảy cần uống oresol bù nước và điện giải ngay rồi tìm nguyên nhân gây tiêu chảy để từ đó dùng thuốc hợp lý. Nếu là táo bón cần dùng các loại thuốc nhuận tràng như sorbitol, lactulose… Tùy theo từng người bệnh, bác sĩ sẽ phải chữa trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Tuy nhiên trong rối loạn tiêu hóa, thuốc chỉ đóng một vai trò phụ trong việc chữa trị nên chỉ dùng khi thật cần thiết theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Chế độ ăn uống mới đóng vai trò quan trọng.
Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa
Để giúp hệ tiêu hóa có thể ổn định và cân bằng, nên thay đổi chế độ ăn uống của mình nhất là mùa nắng nóng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ăn, uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho tất cả mọi lứa tuổi, với trẻ em (do sức đề kháng chưa hoàn chỉnh), người có tuổi bởi sức đề kháng đã suy giảm do tuổi cao, cần được quan tâm đặc biệt hơn.
Cần ăn chín, không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín (tiết canh, rau sống, nem chua, nem chạo, gỏi…) và không uống nước chưa đun sôi, nhất là các vùng nông thôn, miền núi.
Thực phẩm dùng hàng ngày cần có nguồn gốc rõ ràng, không nên sử dụng các loại thức ăn nghi ngờ nhiễm khuẩn, để trong tủ lạnh quá lâu hay những thức ăn đường phố không rõ xuất xứ.
Đối với những người mắc chứng rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn nhiều các loại chất kích thích (hành, tỏi, ớt, hồ tiêu, mù tạt…), không nên uống rượu, bia, nước giải khát có gas. Sữa rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu đang bị rối loạn tiêu hóa nên hạn chế dùng hoặc kiêng hẳn cho đến khi tiêu hóa bình thường, bởi vì, trong sữa có đường lactoza là thành phần khó tiêu khi bộ phận tiêu hóa không bình thường. Đồng thời nên hạn chế đến mức tối đa sử dụng những món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ.
Nên sử dụng các chất xơ có trong các loại ngũ cốc, rau lá xanh, sa lát và trái cây để giúp điều chỉnh hoạt động ruột, phân sẽ tốt hơn và nhu động ruột sẽ dần dần trở về bình thường. Hơn nữa đây cũng là nguồn cung cấp các vitamin cho cơ thể. Người táo bón nên ăn thêm chuối tiêu, củ khoai lang luộc, nướng, các loại rau giúp giảm táo bón (rau mồng tơi, rau đay, rau khoai lang…).
Với người lớn cần tránh hút thuốc lá vì nó làm tăng nồng độ a-xít và tích khí trong bụng, ảnh hưởng đến nhu động ruột. Vận động cơ thể là điều không nên bỏ qua. Với trẻ em nên cho trẻ vui chơi, chạy nhảy, ngay cả bơi trong sự giám sát của người lớn, không nên bế ẵm suốt ngày (trẻ nhỏ). Người lớn, vận động cơ thể giúp cho khí huyết lưu thông, hệ tiêu hóa nhu động tốt, nhất là với người táo bón bằng các hình thức dễ thực hiện như chơi cầu lông, bơi, nhất là đi bộ. Mỗi ngày nên đi bộ khoảng 60 phút chia làm 2 -3 lần, tuy nhiên không đi bộ vào lúc trời nắng gắt, vừa ăn xong và nên chọn vị trí đi bộ hợp lý tránh va vấp, đụng độ với các phương tiện giao thông.