Đọc đến cuối bài văn của học sinh, không ai có thể nhịn cười nổi.
Đâu phải chỉ có những bài văn với câu từ mỹ miều, văn chương dạt dào thì mới để lại ấn tượng sâu sắc với thầy cô giáo. Có những bài văn của học sinh mặc dù không đạt được những tiêu chí đó, nhưng lại khiến ai đọc vào cũng phải ghi nhớ mãi vì hết sức "bá đạo". Nhiều bậc phụ huynh cũng "dở khóc dở cười" khi vinh dự trở thành nhân vật chính trong những bài văn miêu tả của con, với những điều không thể nào thật hơn, thậm chí đúng đến từng chi tiết khiến bố mẹ muốn "chối" cũng khó.
Mới đây, một bài văn viết về "nghề của bố" của một học sinh lớp 2 đã được cư dân mạng truyền tay nhau mạnh mẽ bởi sự đặc biệt của nó. Khi được cô giáo ra đề văn "hãy kể về công việc của một người mà em biết", nhóc tỳ đã ưu ái chọn bố mình trở thành đối tượng để em được dịp tự hào kể với thầy cô và các bạn.
Theo đó, toàn bộ bài miêu tả của học sinh tiểu học này có nội dung như sau: "Bố em làm nghề bốc vác. Mỗi ngày bố em làm được 2 triệu, nhưng do là bố em đi nhanh quá, nên bố em đã đâm vào một con chó nên bố em phải nghỉ làm. Em mong rằng bố em sẽ khỏe mạnh để tiếp tục đi làm".
Bài văn tả nghề của bố chân thật đến mức khiến ai cũng cười ngặt nghẽo của một học sinh lớp 2.
Bài văn đọc lên ai cũng tưởng cảm động nhưng hoá ra lại khiến nhiều người được dịp cười nghiêng ngả, với độ chân thật và chi tiết không sót điểm nào. Em học sinh này thực sự không có chút giấu giếm gì về chuyện gia đình, mà có sao nói vậy. Nếu nhân vật chính là ông bố đọc được bài viết của con về mình thì sẽ "cảm động" đến không nói nên lời mất thôi!
Mặc dù con kể sạch chuyện của bố khiến bố có chút xấu hổ, nhưng cũng phải thừa nhận rằng nhóc tỳ rất yêu thương bố của mình. Sau khi kể về "sự cố" khiến bố rơi vào hoàn cảnh phải tạm nghỉ việc, em học sinh cũng không quên gửi lời động viên đến bố ở cuối bài. Điều này có lẽ sẽ tạo ra nhiều động lực cho ông bố để anh mau lành bệnh, và tiếp tục làm việc.
Thực tế, suy nghĩ của người lớn thường rất phức tạp nhưng trẻ nhỏ lại vô cùng đơn giản và non nớt. Chính vì thế, trẻ sẽ có thể nghĩ ra rất nhiều những câu chuyện với trí tưởng tượng vô cùng phong phú của mình mà đến cô giáo, bố mẹ cũng không thể ngờ được.
Vấn đề này về cơ bản cũng không đáng lo ngại bởi nó sẽ giúp phát triển trí thông minh, óc sáng tạo của trẻ một cách tốt hơn nên bố mẹ đừng quá lo lắng. Ngoại trừ trong các trường hợp đặc biệt thì bố mẹ cần phải giải thích cho con hiểu cặn kẽ hơn vấn đề để tránh sai sót.
Ảnh minh hoạ
Ngoài ra, để phát huy trí tưởng tượng phong phú, khuyến khích con sáng tạo và suy nghĩ ra những điều mới lạ. Từ đó giúp cho quá trình học văn trở nên dễ dàng và đạt được hiệu quả cao hơn, các bậc cha mẹ cũng có thể áp dụng một số cách sau:
- Kể nối một câu chuyện
Kể chuyện, đọc sách cùng con không chỉ gia tăng kiến thức mà còn giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Thường khi cùng con đọc truyện hay kể một câu chuyện cổ tích cho con nghe, các bà mẹ chỉ nên kể nửa chừng, sau đó để con tưởng tượng đến sự kết thúc của câu chuyện. Đôi khi, những đứa trẻ nghĩ ra cái kết còn hay và thú vị hơn cả "bản chính".
- Vẽ hình và tranh nối
Vẽ tiếp vào một bức tranh đang dở dang, để cho con hoàn thành nốt bức tranh mẹ vẽ sẵn cũng là cách hay. Ví dụ, trên một tờ giấy trắng, mẹ sẽ vẽ vào đó một hình tròn hoặc chữ nhật... nhiệm vụ của con sẽ là phát triển để hoàn thành một bức tranh. Đôi khi mẹ cho con chủ đề và nội dung theo quy định, đôi khi không. Cả hai cách này đều có thể truyền cảm hứng cho suy nghĩ của trẻ em và cả trí tưởng tượng không gian.
- Nghe nhạc
Mẹ cho con nghe một bài hát, sau đó hỏi con nếu bé làm... đạo diễn, bé sẽ cho quay video clip ca nhạc đó như thế nào, khung cảnh diễn ra ở đâu, nhân vật làm gì, đồng thời cho con vừa hát vừa diễn. Bằng cách này, trẻ em sẽ có rất nhiều cảm hứng để phát huy trí tưởng tượng, âm nhạc lại khiến người ta vui vẻ.
- Nghĩ ra các tình huống rồi hỏi con “sẽ làm thế nào"
Hãy cung cấp cho trẻ một vấn đề, để cho trẻ nêu ra các giải pháp khác nhau, mẹ sẽ thấy vô cùng thú vị. Chẳng hạn như "đi bộ gặp phải một vũng nước, con sẽ làm thế nào để không ướt giày?" Câu hỏi mở như vậy, ngoài để kích thích trí tưởng tượng của trẻ, còn có thể cải thiện khả năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề từ bé.
- Cho trẻ đóng vai người khác
Các trò chơi phân vai như cưỡi ngựa, bác sĩ, giáo viên... là một trong những trò chơi tuyệt vời trong việc kích thích sự tưởng tượng ở trẻ. Trẻ sẽ tưởng tượng cưỡi ngựa như thế nào, hoặc nếu trở thành một kỵ sĩ trẻ sẽ phải làm gì, nếu là bác sĩ trẻ sẽ khám cho bệnh nhân ra sao...