Với tính hiếu động của trẻ nhỏ, bất kỳ nơi nào cũng tiềm ẩn nguy hiểm.
Nếu cho rằng chỉ có ngoài đường hay các khu vực đông người bé mới gặp nguy cơ về sức khỏe hay tiềm ẩn những tai nạn đáng tiếc thì các bậc cha mẹ nên cân nhắc lại, bởi với tính hiếu động của trẻ nhỏ, bất cứ nơi nào cũng có thể gây hại cho bé nếu chúng ta lơ là, chủ quan. Ngay chính trong môi trường thân thuộc như căn nhà của bạn cũng là nơi ẩn chứa nhiều nguy hại cho các bé.
1. Phòng khách
Các loại bàn Sofa ốp kiếng, thủy tinh, hay bàn gỗ có cạnh góc nhọn là nơi tiềm ẩn nguy cơ gây chảy máu, đứt chân tay, chấn thương đầu hay mắt cho trẻ nhỏ. Trong khi đó, nếu bé nhà bạn thích leo trèo thì các kệ tủ cao, hay bàn ti vi, cầu thang, ghế v.v… là nơi bạn cần đặt để chắc chắn, đồng thời giám sát bé thường xuyên để tránh các tai nạn đáng tiếc. Các mẹ cũng nên lưu ý đến những vật trưng bày bằng thủy tinh, gốm sứ, đá trang trí, pha lê với các cạnh góc nhọn, dễ vỡ. Tốt nhất không nên trưng bày những vật này ở những nơi nằm trong tầm tay với của các bé.
Các loại bàn Sofa ốp kiếng với các góc nhọn có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại không ngờ cho bé của bạn. (Ảnh minh họa).
Nếu yêu thích các loại cây cảnh, bonsai trang trí, ba mẹ nên xem lại thú vui này vì mặc dù cây cảnh giúp cung cấp thêm oxi trong nhà, nhưng các loại cây cảnh như trúc đào, môn kiểng v.v…có thể làm bé ngộ độc, thậm chí tử vong nếu vô tình nuốt phải. Với các bé nhỏ nghịch ngợm và chưa nhận thức được nguy hiểm, đất trồng cũng có thể là một trong những mối nguy hiểm nếu trẻ táy máy bốc ăn. Các loại đá, sỏi nhỏ trang trí dưới chậu cảnh cũng sẽ là mối hại cho bé nếu chẳng may bé nuốt hoặc nhét vào mũi.
(Mời bạn đọc thêm bài viết "Bẫy chết người' với trẻ từ cây cảnh trong nhà)
Thông thường, những ngôi nhà ở khu vực miền Tây Nam Bộ hay sử dụng võng trong phòng khách. Các giá võng lắp ráp, hoặc bắt qua cột nhà cũng có thể gây cho bé nhiều chấn thương nếu bé quá hiếu động, nghịch ngợm, gây té ngã nếu võng lắp không chắc, dây buộc không chặt hoặc không bền, hay bé không chú ý cẩn thận khi ngồi trên võng …
2. Phòng ngủ
Môi trường thân thuộc nhất của bé trong nhà bạn chính là phòng ngủ, nhưng không vì vậy mà lơ là chú ý khi cho bé ở trong phòng. Đặc biệt nếu cho bé ngủ trong giường của người lớn thì các loại chăn, drap, mền, gối có nguy cơ gây ngạt bé, nhất là với các bé sơ sinh. Nguy cơ đột tử cũng có thể xảy ra cho bé trên nôi, giường, nếu các mẹ để quá nhiều vật dụng như gối nằm, gối ôm, thú nhồi bông…
Nếu bé ngủ chung với cha mẹ, cần lưu ý đến các vật dụng cha mẹ hay cất giữ trong phòng ngủ như giỏ đựng kim chỉ, mỹ phẩm trang điểm, tủ đựng quần áo, bàn là quần áo v.v… Có thể nguy hại nếu bé còn quá nhỏ nhưng lại lén ba mẹ nghịch các loại kim nhọn, hoặc bé có thể lục lọi và bắt chước mẹ sử dụng mỹ phẩm hay uống nhầm các loại nước tẩy trang, nước hoa hồng của mẹ, cũng có thể bị phỏng khi nghịch bàn là nóng. Các hộp đựng đồ vật có nắp nặng cũng có thể làm cho bé bị dập đầu, cổ, ngón tay nếu bị nắp nặng đè lên. Vì vậy các mẹ nên cẩn thận khóa nắp lại, hoặc nếu dùng những chiếc hộp có nắp nặng nên tháo bỏ nắp để loại bỏ nguy cơ gây tai nạn cho bé.
3. Phòng ăn, nhà bếp
Đây là một trong những khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nhất cho bé, do đó các mẹ lưu ý không nên cho bé vào khu vực bếp khi đang nấu nướng, chế biến món ăn. Các hiểm họa cho bé gồm những vật dụng nhà bếp như dao, bếp lò, bếp gas, v.v… cho đến ấm trà, bình nước nóng, nồi canh nóng v.v… Tốt nhất nên trang bị ổ khóa để khóa cửa lại khi không sử dụng, tránh nguy cơ bé vào nghịch phá khu vực này. Kệ bếp cũng sẽ gây hại nếu bé hiếu động leo trèo lên và bị té ngã… Nên đặt lò vi sóng ở những nơi chắc chắn, xa tầm với để tránh ngã đổ vào người bé. Đồng thời nên chọn loại lò không có tay nắm mở cửa vì bé có thể bắt chước mẹ mở cửa khi lò đang hoạt động, gây phỏng nặng cho bé.
Nhà bếp là khu vực đặc biệt nguy hiểm đối với sự an toàn của trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa).
4. Nhà tắm, toilet
Là một trong những khu vực cực nguy hiểm cho những bé nhỏ vì các thùng chứa nước có nguy cơ gây ngạt nước, dẫn đến tử vong nếu bé chẳng may trượt chân té ngã vào, hoặc khi bé làm rơi rớt đồ chơi và cúi xuống lấy. Bồn cầu cũng là nơi các mẹ cần cảnh giác, vì đây là khu vực chứa rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm, nếu chẳng may bé chạm vào, sau đó đưa tay vào miệng. Đồng thời, bé cũng có thể bị ngã cắm đầu vào đó vì mải với theo đồ chơi bị rơi vào trong toilet, hay bị tai nạn kẹt tay với bốn cầu v.v… Do đó, các mẹ tuyệt đối không bao giờ để bé một mình trong nhà vệ sinh, dù chỉ trong chốc lát.
5. Các khu vực khác trong nhà
Ngoài các khu vực kể trên, các nơi khác trong nhà bạn cũng có thể ẩn chứa nhều nguy cơ về sức khỏe và có thể gây tai nạn cho bé. Nếu nhà bạn có nhiều cửa sổ hoặc có lan can trên lầu, cần phải hết sức lưu ý không cho bé leo trèo lên các khu vực này. Cửa sổ nên trang bị thêm các chấn song nhỏ, lan can cần được làm cao trên tầm với của bé, không để ghế và các vật dụng bé có thể sử dụng để leo trèo tại các khu vực này. Đã từng có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra làm bé té ngã từ trên lan can cao xuống đất, hay từ cửa sổ do sự lờ là, thiếu cảnh giác của người lớn.
(Mời bạn đọc thêm bài viết: Bất cẩn làm chết con: Bài học đắt giá!)
Ổ điện, phích điện, các vật dụng sử dụng điện như quạt máy, máy nghe nhạc, ti vi, tủ lạnh v.v… cũng là những vật dụng có thể đem lại nguy hiểm cho các bé. Nên hạn chế tối đa việc sử dụng các ổ cắm điện rời, và trang bị các ổ cắm điện cố định được thiết kế an toàn với trẻ nhỏ. Lưu ý nếu có điều kiện bố mẹ nên dùng hệ thống điện âm tường để tránh rủi ro bé cầm nhầm dây điện bị rò rỉ điện. Thường xuyên kiểm tra các loại dây điện và kịp thời xử lý các dây điện bị bong tróc, bị chuột cắn mất lớp vỏ bảo vệ v.v… để tránh các tai nạn về điện đáng tiếc cho bé.
Ngoài nguy cơ tai nạn, nguy cơ ngộ độc chì và thủy ngân cũng là một trong những nguy cơ mà các mẹ cần quan tâm phòng tránh. Với những ngôi nhà được xây cất đã lâu có nguy cơ sử dụng các loại sơn pha chì, vì vậy mẹ cần tránh cho bé chạm tay vào lớp sơn này. Đồng thời dạy bé thường xuyên rửa sạch tay chân và bỏ thói quen đưa tay lên miệng ngậm để tránh nguy cơ chì, thủy ngân từ tay thâm nhập vào cơ thể qua đường miệng gây ngộ độc cho bé. Bên cạnh đó, các mẹ cũng lưu ý không cho trẻ nhỏ gặm vành cửa sổ, hoặc các vật dụng có sơn, lựa chọn đồ chơi có xuất xứ rõ ràng, đồng thời tăng cường bổ sung các thực phẩm có nhiều sắt, canxi, vitamin C để chống hấp thụ chì.
Tóm lại, lứa tuổi sơ sinh và thiếu nhi là giai đoạn trẻ chưa ý thức được hết các mối nguy hiểm để phòng tránh, do đó các bậc phụ huynh nên cảnh giác và đề phòng các tai nạn cũng như những nguy hại về sức khỏe tiềm ẩn trong môi trường sinh sống của các bé, nhằm giúp các bé phát triển lành mạnh và an toàn. Đừng để những bất cẩn, lơ là của gia đình làm xảy ra hậu quả đáng tiếc cho những “thiên thần nhỏ” của mình.