Chỉ một phút lơ đễnh của người bà, chiếc xe tập đi mất đà trượt xuống cầu thang khiến vùng mặt của bé 6 tháng tuổi (Hoài Đức, Hà Nội) đập mạnh vào các bậc cầu thang, máu phun ra.
Nhiều tai nạn đã xảy ra khi cho trẻ ngồi xe tập đi
Suýt chết
Ths. Bs Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu-chống độc, Bệnh viện Nhi cho biết: Bệnh viên vừa cấp cứu một ca tai nạn kinh hoàng xảy ra với bé Nguyễn Xuân Linh (6 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội).
Tai nạn xảy ra khi bé Linh ở nhà được bà cho ngồi trong xe tập đi. Chỉ một phút lỡ đễnh của người bà mà chiếc xe tập đi mất đà trượt xuống cầu thang, toàn bộ vùng đầu mặt của bé cắm xuống, máu chảy be bét.
“Bệnh nhi được đưa đến Khoa Cấp cứu chống độc trong tình trạng tình trạng lơ mơ, da nhợt nhạt do mất nhiều máu. Chúng tôi đã phải tiến hành cho thở oxy, truyền dịch, giảm đau đồng thời truyền máu, sau đó chỉ định chụp cắt lớp vùng hàm mặt. Kết quả cho thấy cháu bị gãy rời di lệch xương hàm dưới”- BS Vinh nói.
Huy động tổng lực cấp cứu cho bệnh nhi, phải hơn 6 tiếng sau khi bé nhập viện tình trạng nguy kịch của bé mới được đẩy lùi. Được biết, hiện bé đã được phẫu thuật kết hợp cố định xương hàm dưới bằng nẹp vít và sau đó được chuyển sang điều trị tại khoa răng hàm mặt.
Mỹ đã khuyến cáo không dùng loại xe này
Với các bà mẹ có con đang tuổi chập chững biết đi thì xe tập đi được xem như là công cụ hữu hiệu giúp trẻ nhanh biết đi. Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng mà các bậc phụ huynh lầm tưởng thì cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi dụng cụ này đã và đang được nhiều nước, nhiều tổ chức y tế các nước khuyến cáo bài trừ. Tại Mỹ, Hội đồng Nhi khoa từ lâu khuyến cáo cấm công cụ này được sản xuất và bán trong nước.
Tuy nhiên, điều này lại ngược lại ở nước ta. Các bác sĩ chuyên khoa nhi cho biết, trẻ em bị tai nạn do xe tập đi rất hay gặp và tổn thương chủ yếu thường là vùng hàm mặt và nặng hơn so với nhiều kiểu ngã khác.
Nguyên nhân là do khi ở trong xe tập đi, phần thân trên và đầu nặng hơn phần dưới nên khi ngã trẻ sẽ bị chúi đầu về phía trước. Lúc này trẻ bị kẹt trong xe nên khi ngã sẽ chấn thương nặng nề hơn nhiều so với trẻ tự ngã. Ngoài ra, lực đẩy và tốc độ bởi các bánh xe cũng khiến cho va đập mạnh hơn, khiến tổn thương cũng nặng nề hơn. Hầu hết các ca bệnh đến viện qua khai thác tiền sử đều bị ngã ở cầu thang.
Tuy nhiên, các bác sĩ nhi cũng khuyến cáo ngay cả khi nhà không có cầu thang thì trẻ vẫn có thể bị ngã chấn thương đầu do xe mất cân bằng khi đụng với những vật dụng ở sàn nhà hoặc sàn nhà không bằng phẳng.
Ngoài ra, trẻ vốn tò mò ưa khám phá nên khi trẻ ngồi trong xe tập đi, bé sẽ khám phá thế giới xung quanh. Điều này nếu không được sự giám sát chặt chẽ của người lớn, trẻ rất dễ bị bỏng. Số lượng trẻ bị bỏng chiếm khoảng 5% tai nạn do xe tập đi, 40% ca phải nhập viện. Đa số ca bỏng xảy ra khi trẻ ở trong xe tập đi với tay lấy ấm nước nóng, cốc nước, tô đựng canh nóng, hoặc rơi vào những nơi tỏa nhiệt cao như lò, nồi nấu hoặc lửa.
Theo một nghiên cứu ở Australia cho thấy xe tập đi là yếu tố thứ hai gây tai nạn ở trẻ nhũ nhi; nghiên cứu tại Mỹ thì đây là yếu tố phổ biến nhất. Tất cả nghiên cứu hiện nay đều cho thấy xe tập đi không giúp được gì trong phát triển của trẻ mà còn có thể có tác dụng ngược lại. Trẻ sử dụng xe tập đi thường xuyên sẽ phát triển các kỹ năng vận động như ngồi, bò, đứng, đi chậm hơn hẳn so với trẻ không sử dụng.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, bác sĩ Anh Vinh khuyến cáo khi để trẻ với xe tập đi, các bậc cha mẹ phải theo sát trẻ bởi bé có thể tự cho xe đi khắp nhà, dễ va đập vào các đồ vật. Vì thế nên để trẻ trong phòng rộng, tránh vật dụng cứng sắc, những chỗ đễ trơn trượt, đặc biệt không cho trẻ chơi ở các khu vực gần cầu thang. Để trẻ một mình với xe tập đi, dù chỉ trong giây lát, cũng có thể dẫn tới những tai nạn nghiêm trọng, gây hậu quả khó lường.