Đan Lê cũng từng có khoảng thời gian bối rối khi chứng kiến con trai đầu lòng không chấp nhận việc có thêm em bé trong gia đình.
Đan Lê lên xe hoa với đạo diễn Khải Anh vào đầu năm 2011 và sinh con trai đầu lòng cũng trong năm này. Đến năm, cậu bé Khải Minh hơn 3 tuổi, Đan Lê mang bầu lần thứ 2, hạ sinh con trai Khải Nguyên năm 2014.
Tổ ấm hạnh phúc của Đan Lê - Khải Anh cùng 2 nhóc tì khôi ngô, láu lỉnh từng là điều khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên ít ai biết, Đan Lê cũng từng có khoảng thời gian bối rối khi chứng kiến con trai đầu lòng không chấp nhận việc có thêm em bé trong gia đình.
Đan Lê kể "Hồi mang bầu Nguyên, đôi khi mình cũng lo lắng, liệu Minh có tủi thân vì phải san sẻ tình cảm với em bé quá sớm không!?
Mình áp dụng đủ cả lý thuyết lẫn thực hành, để Minh làm quen và tiếp cận với sự xuất hiện của em bé từ trong bụng mẹ, như là: hôn bụng mẹ mỗi ngày, cùng nói chuyện, hát, kể chuyện cho em bé trong bụng mẹ nghe, tưởng tượng về những dự định trong tương lai có thể làm cùng nhau khi em bé ra đời ... Lúc ấy Minh rất vui vẻ và háo hức chờ đợi sự xuất hiện của em bé lắm!"
Khi bầu 5, 6 tháng, bụng bắt đầu to, nặng nề, Đan Lê vẫn cố để bé Minh ngồi lòng mỗi khi đi oto hoặc bế ẵm con khi con đau ốm vì vẫn muốn tranh thủ ôm ấp, bù đắp cho con. Những lúc như thế con cũng thông cảm lắm, biết xin mẹ xuống để mẹ đỡ mệt, em đỡ bị đè đau.
Thế rồi, ngày Đan Lê sinh con thứ 2 cũng đến. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra không như dự tính.
"Dịp sinh Nguyên, bà ngoại đi nước ngoài chưa kịp về, giúp việc nghỉ, bố đi làm phim cả ngày lẫn đêm, Minh lại bị quai bị. Sợ hai anh em lây nhau, mình đành phải cách ly con, nhờ bạn đến nhà trông Minh, còn mình và Nguyên ở lì trong viện 3 ngày.
Cậu bé Khải Minh 3 tuổi lần đầu gặp phải cú sốc khi không được gặp bất cứ người thân nào trong suốt 3 ngày. Thay vì háo hức, chờ đợi như 2 mẹ con đã chuẩn bị bấy lâu, con bất chợt thấy hụt hẫng và mất mát." Đan Lê kể.
"Lần đầu khi nhìn thấy mẹ bế em về nhà, Minh lao đến giành lấy mẹ và hét toáng lên: “Mẹ là của con, mẹ của em bé ở ngoài đường kia kìa.”. Dường như với con, em bé chính là nguyên nhân khiến mẹ và những người thân thuộc mất tích mấy ngày qua. Sợ con phản ứng mạnh hơn, mình nhờ mọi người bế Nguyên ra ngoài tránh đi, vô tình chiếc tất của em rơi lại, Minh ngay lập tức vồ lấy ném ra cửa: “Mang nốt đi đi! Mang hết đồ của em bé đi đi”.
Vừa thương anh lớn, vừa xót em bé, mình nhận ra rằng, tất cả chuẩn bị chỉ mang tính tương đối chứ không có nghĩa mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng cách chúng ta tưởng tượng."
Quả nhiên, trong năm đầu đời của em bé, những cô cậu nhóc anh/chị lớn trong nhà đôi lúc có những biểu hiện tủi thân và hay tị nạnh. Điều này cũng dễ hiểu bởi trước khi có em, những đứa trẻ này đã quen với việc là em bé duy nhất trong nhà, dành được trọn vẹn tình yêu thương, chăm sóc của bố mẹ, ông bà. Nhưng sau khi em ra đời, bé lớn không còn là duy nhất nữa và bất đắc dĩ phải “chia sẻ” tình cảm của bố mẹ với em.
Mặc dù với người làm bố mẹ, tình yêu và niềm vui chỉ có nhân đôi nhân ba khi có hai đứa trẻ bên cạnh. Nhưng trẻ con thì nghĩ khác!
Và sau một khoảng thời gian vật lộn để tìm cách “dàn xếp” cho Minh và Nguyên, Đan Lê cuối cùng đã gặt hái được kết quả thành công rực rỡ, đến nay hai anh em yêu thương nhau hết mực.
Kinh nghiệm của bà mẹ 2 con sẽ là gợi ý rất tốt cho những gia đình sắp có thêm thành viên mới:
1. Công bằng là trên hết:
Đã không ít đứa trẻ làm anh, làm chị, từng khóc trong ấm ức và hét lên: “Con không muốn làm anh/chị! Con muốn làm em!” khi bố mẹ chỉ biết bênh vực đứa em và đặt mọi gánh nặng lên vai anh cả/chị cả: “Anh/chị thì phải làm gương! Anh/chị thì phải nhường nhịn.”. Những qui tắc như vậy khiến đứa con lớn cảm thấy bất công và sinh ra cảm giác “ghét” chính đứa em của mình.
Cũng có trường hợp ngược lại, đứa bé hơn thì liên tục bị so sánh với anh/chị lớn, nhất là khi có một người anh/chị xuất sắc. Em trai một người bạn mình quen đã kìm nén suốt nhiều năm cho đến một ngày bùng nổ vì: Bố mẹ đã quá coi trọng người anh, đến nỗi chưa từng nhìn người em như chính nó mà chỉ mong người em trở thành một phiên bản của anh mình.
Chính những câu chuyện như thế mà mình luôn cố gắng để hai bạn nhà mình không bị cảm giác bất công. Mẹ là “quan toà” đối xử công bằng với cả hai anh em, không phân biệt đứa nào là anh, đứa nào là em mà chỉ đứng về phe “chính nghĩa”.
2. Biến hai anh em thành đồng minh:
Có một nguyên tắc luôn đúng trong cuộc sống là: Người ta luôn vì lợi mà hợp. Lợi ích ở đây không chỉ là vật chất hay mang nghĩa thực dụng, mà rộng hơn là những giá trị lũ trẻ sẽ có được khi chúng đoàn kết với nhau. Và mình tìm cách “lôi kéo” để hai anh em cảm thấy chúng cùng phe với nhau như đọc cho tụi nhỏ nghe những câu chuyện về tình anh em, kể cho hai anh em những câu chuyện (bịa) trong đó hai bạn đóng vai người hùng cùng nhau bảo vệ thế giới với những nhân vật các bạn ưa thích (Người Nhện, Người Sắt, Siêu nhân ...bla bla).
Hai bạn nhà mình sợ nhất là mẹ áp dụng “hình phạt”: KHÔNG ĐƯỢC CHƠI CÙNG NHAU. Mỗi khi hai anh em cãi cọ, to tiếng, tranh giành (bất kể ai đúng ai sai) là mẹ sẽ không cho chơi, nói chuyện, tương tác, động chạm vào nhau nữa, mỗi bạn một góc. Khi chỉ có một mình, các bạn sẽ nhanh chóng nhận ra “Có anh/em bao giờ cũng vui hơn” nên luôn “cân nhắc” thật kỹ trước khi chành choẹ.
Ngoài ra, hai bạn có thể được bố mẹ đưa đi chơi, tặng thưởng nếu cùng ngoan. Và hoàn toàn có thể phải chịu phạt nếu cùng gây ra lỗi lầm (thường thì ít khi có chuyện gì “tự nhiên” sinh ra lắm).
Trong trường hợp 1 bạn mắc lỗi và phải nhận hình thức chịu phạt 1 ngày, một tuần ... không được ăn kẹo, xem hoạt hình hoặc gì gì đó mà các bạn ấy thích, mình hay hỏi ý kiến bạn còn lại: Con có muốn nghỉ ăn kẹo/xem hoạt hình cùng anh/em không!? Vì nếu không thì anh/em sẽ rất buồn và thèm đấy! Và kết quả là các bạn thường chịu phạt chung với nhau để đến lúc mình bị phạt cũng có người chia sẻ, còn mẹ thì đạt được mục đích hạn chế những thực phẩm, trò chơi không có lợi.
Đến thời điểm này, Minh và Nguyên đã ý thức rất rõ hai đứa là một team chứ không phải là đối thủ, việc tranh giành với nhau chỉ khiến hai đứa chịu THIỆT chứ chẳng có LỢI gì cả nên lúc nào cũng phải yêu thương, nhắc nhở và bảo vệ lẫn nhau.
Nói xa xôi một chút, cha mẹ nào rồi cũng già đi và không thể ở bên con mãi được, chỉ có anh/chị/em mới đi cùng nhau đến về sau. Nên anh/chị/em không yêu thương nhau thì còn ai làm việc đó nữa?
3. Không đặt ra những tiêu chuẩn chung cho cả hai:
Bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài, mình luôn quan điểm là hai anh em mỗi đứa có một tiềm năng riêng. Mình thường hạn chế việc đặt ra một tiêu chuẩn chung nào đó và yêu cầu các con phải giỏi giống y hệt nhau. Thay vào đó, mình khuyến khích hai anh em tự phát triển khả năng riêng, vì mình chỉ mong con vui vẻ, hạnh phúc, mong con có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, chứ không cần là tấm gương phản chiếu nhau.
Nếu Minh học giỏi toán, thì mình sẽ vui và tự hào về con, song điều đó không có nghĩa là mình cũng đòi hỏi Nguyên phải như thế. Nguyên có thể giỏi ngoại ngữ, giỏi thể thao, nghệ thuật, hoặc bất cứ gì mà con cảm thấy yêu thích. Mình hướng hai con biết tự hào về bản thân, tự hào về những giá trị riêng mà chúng tạo ra.
Mình tin rằng sự tôn trọng vào khác biệt của con là cách tốt nhất để chúng không so sánh, bì tị với nhau (với người khác) và phát huy tối đa năng lực riêng của mình.
4. Bố và mẹ nên cùng phe:
Cuối cùng nhưng không kém quan trọng đó là bố mẹ phải đồng lòng trong cách nuôi dạy con. Mình biết ở nhiều gia đình, bố “hiền” mẹ “ác” hoặc ngược lại.
Ở gia đình mình, cũng có những việc mình không mấy hài lòng với bố tụi trẻ như quá thoải mái khi mua truyện tranh và đồ chơi cho con, hơi thiếu kiên nhẫn và dễ nổi nóng với các con, có những lúc mình cũng “điên” lắm nhưng trước mặt con vẫn phải nhịn để lũ trẻ tiếp thu 1 mệnh lệnh thay vì cảm thấy hỗn loạn. Sau đó vợ chồng có thể chuyện trò hoặc thậm chí là cãi cọ để đi đến thống nhất chứ cố gắng hạn chế tối đa xung đột trước bọn trẻ. Vì chỉ có bố mẹ cùng phe thì tụi trẻ không thể viện cớ hoặc tìm đồng mình theo kiểu: Mẹ bảo thế này, bố bảo thế kia.
Nhưng các bố các mẹ cũng nên mỗi người ở các cấp độ khác nhau để bọn trẻ không có cảm giác bị cô lập hoàn toàn nhé. Nghĩa là bố mẹ có thể cùng quan điểm nhưng biểu hiện thì có thể mềm, rắn khác nhau để nếu quá lo lắng với người “rắn” thì tụi trẻ có thể tìm đến với người “mềm” để chia sẻ thêm.