Nhằm tiết kiệm chi phí mua đồ dùng cho con, bà mẹ người Trung Quốc đã tận dụng cho con gái dùng đồ cũ suốt 2 năm khiến chân bé sưng mủ và biến dạng chân.
Thời gian gần đây, khi thấy con gái bước đi khập khiễng, kẽ chân có dịch vàng, chị Vương (Trung Quốc) mới hốt hoảng đưa bé tới bệnh viện kiểm tra. Tại đây các bác sĩ cho biết, bàn chân không chỉ bị nhiễm trùng do vi khuẩn mà còn bị biến dạng bởi nguyên nhân đi giày quá chật.
Người mẹ cho biết bản thân là người tiết kiệm, luôn muốn tận dụng những đồ cũ trong gia đình để không lãng phí. Tuy nhiên chính sự thiếu hiểu biết và chủ quan khiến con gái 3 tuổi gặp vấn đề lớn về sức khỏe.
Đi giày quá chật khiến trẻ không thoải mái và gây biến dạng bàn chân. (Ảnh Imama)
Theo lời chị Vương, trước khi sự việc xảy ra chị được người họ hàng cho rất nhiều đồ trẻ em cũ. Thấy số quần áo, giày dép phù hợp với con gái chị đã tận dụng cho bé đi suốt 2 năm nhằm tiết kiệm chi phí mà không lường trước sự nguy hiểm.
Đây cũng chính là bài học cho các bậc phụ huynh trong việc tận dụng đồ cũ với trẻ nhỏ. Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo giày dép đã được sử dụng có độ hao mòn nhất định, nếu sử dụng lâu dài kích cỡ không phù hợp sẽ tạo cảm giác không thoải mái, ảnh hưởng tới sự phát triển xương bàn chân gây biến dạng.
Mẹ cũng nên cân nhắc những vật dụng dưới đây không nên cho bé sử dụng trong thời gian dài:
1. Bình sữa, núm vú giả (ti giả)
Mẹ đừng tiết kiệm với những vật dụng quen thuộc này khi quá thời hạn sử dụng. Bởi ngay cả khi được khử trùng làm sạch bằng nước sôi thì những đồ vật này vẫn chứa nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của bé.
Mẹ không nên sử dụng bình sữa và núm ti giả cho bé khi quá thời hạn sử dụng. (Ảnh minh họa)
2. Quần áo cũ
Việc sử dụng quần áo cũ cho trẻ không phải là ý tưởng hay bởi ngay cả khi được giặt sạch, những vi khuẩn vẫn đeo bám và tiếp xúc trực tiếp với làn da của bé gây ngứa, dị ứng hoặc các bệnh về da.
3. Thú nhồi bông
Món đồ chơi yêu thích của trẻ được làm chủ yếu bằng vải, bông nên vi khuẩn và bụi bẩn có thể chui hẳn vào bên trong mà khi ôm hoặc hôn hít không hề hay biết.
Những nguyên tắc khi chọn giày cho bé Bác sĩ Hà Thị Kim Yến, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM gợi ý những nguyên tắc cơ bản khi chọn giày cho trẻ trên báo Người lao động như sau: - Mũi giày nên tròn, có đủ không gian cho các ngón, có một khoảng rộng đủ giữa đầu ngón chân cái và đầu mũi giày, có khoảng cách đút được đầu ngón tay út vào giữa gót chân và cổ giày. - Lúc chọn giày cũng cần thử độ mềm dẻo của giày, độ mềm dẻo cho phép bàn chân cử động dễ dàng. - Ngoài ra, nên mua giày vào buổi chiều hoặc tối vì kích thước bàn chân sẽ lớn hơn 4% thể tích vào cuối ngày. - Đối với trẻ từ 1 tuổi đến 3 tuổi, cứ mỗi 3 tháng nên kiểm tra xem giày đã chật chưa, vì lứa tuổi này bàn chân phát triển rất nhanh. - Khoảng từ 3 tuổi đến 6 tuổi, có thể thay giày mỗi 4 hoặc 6 tháng vì lúc này bàn chân phát triển chậm hơn. |