Một bé sơ sinh 7 tháng tuổi (Trung Quốc) đã tử vong trong lúc ngủ vì cha mẹ bất cẩn, không để ý đến cách đắp chăn cho con.
Bé sơ sinh tử vong vì bất cẩn của cha mẹ
Theo Sina, vào 8h sáng ngày 30/ 11, một cặp vợ chồng trẻ ôm cậu con trai 7 tháng tuổi đến bệnh viện Nghĩa Ô, Trù Châu (Trung Quốc) gào khóc: “Bác sĩ, xin hãy cứu con trai tôi”. Nhưng sau khi tiến hành kiểm tra, bác sĩ cho biết trước khi được đưa tới bệnh viện, cả người bé đã thâm tím, tắt thở, tim ngừng đập rồi. Cháu bé đã mất do bị ngạt thở.
Cậu bé bất hạnh ấy tên là Phi Phi, bố mẹ em là người Giang Tây, sinh sống và làm việc tại Kim Hoa, Nghĩa Ô. Chị Tiểu Chu, mẹ cháu cho biết, buổi tối khi đi ngủ Phi Phi ngủ trên giường và hai vợ chồng chị ngủ bên dưới. Vì ban ngày hai vợ chồng chị đi làm mệt nên tối đến ru con ngủ xong là vợ chồng ngủ một mạch, không chú ý đến điều gì nữa.
Phi Phi nhập viện trong tình trạng người thâm tím, tắt thở, tim ngừng đập vì ngạt thở do chăn trùm đầu.
Tuy nhiên, sáng hôm sau tỉnh dậy, chị Tiểu Chu phát hiện thấy chăn trùm kín đầu con, khi tới kiểm tra thì tay chân con đã lạnh ngắt, môi tím tái, không còn thở nữa. Vợ chồng chị lập tức đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng không thể cứu sống cậu bé.
Phi Phi là niềm hy vọng duy nhất của gia đình nên khi xảy ra chuyện, gia đình chị vô cùng đau lòng, bà nội bé còn không ngừng gào khóc trách con trai và con dâu quá sơ ý.
Sự việc trên một lần nữa là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về việc đã quá vô ý, quan tâm đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh.
Ngạt thở là tình trạng thường xảy ra với trẻ dưới 1 tuổi, nhất là những trẻ chưa đầy tháng. Chủ yếu do bố mẹ sợ con lạnh, nên đã mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp chăn quá kín khiến con bị sốt, thiếu oxi, dẫn đến co giật, hôn mê, và cuối cùng là suy hô hấp. Nếu như không được xử lý kịp thời, trẻ sẽ tử vong.
Làm thế nào để tránh tình trạng “ngạt thở” ở trẻ?
Thứ nhất, không cần quá giữ ấm cho trẻ, không nên mặc nhiều quần áo hay đắp chăn kín cho trẻ, nên để trẻ mặc những bộ quần áo thoải mái, mềm mại. Không được để luồng gió điều hòa chiếu thẳng vào trẻ; khi dùng điều hòa hoặc đèn sưởi, tốt nhất nên dùng thêm máy phun sương để đảm bảo đủ độ ẩm trong phòng.
Thứ hai, không để thứ gì làm cản trở hô hấp của trẻ. Không nên để trẻ ngậm ti mẹ khi ngủ, không nên đắp chăn hay khăn lên đầu trẻ, không nên ôm trẻ ngủ. Trời lạnh cũng nên mở cửa sổ; nếu như nhiệt độ trong phòng quá cao, cửa sổ lại đóng kín, không khí sẽ không lưu thông, rất dễ khiến trẻ bị ngạt thở; nhiệt độ thích hợp trong phòng khoảng từ 24-26 độ C. Mỗi ngày nên mở cửa sổ khoảng 2 lần, mỗi lần khoảng nửa tiếng đồng hồ.
Cha mẹ cần quan tâm hơn đến trẻ khi ngủ để tránh những trường hợp đáng tiếc. Ảnh minh họa
Thứ ba, để trẻ ngủ riêng. Không nên để trẻ ngủ cùng người lớn, vì khi người lớn ngủ say, có thể đè tay hoặc thứ gì đó vào trẻ. Trẻ lại không có khả năng xoay người nên rất dễ dẫn đến tình trạng ngạt thở; muốn kiểm tra thân nhiệt trẻ tốt nhất nên kiểm tra ở gáy trẻ. Thông thường trẻ sẽ mặc quần áo bằng hoặc ít hơn người lớn một bộ.
Theo lời khuyên của chuyên gia, giữ ấm cho trẻ vào mùa đông là vô cùng cần thiết, nhưng cũng không nên quá ấm áp. Không nên cho trẻ dùng thảm điện, để tránh trường hợp “quá nóng” và “thiếu oxy” khiến trẻ ngạt thở.
Khi phát hiện trẻ có hiện tượng bị “ngạt thở”, người toát mồ hôi, thân nhiệt cao thì phải lập tức cởi bớt áo, lau khô mồ hôi hoặc trườm khăn ấm cho trẻ. Không nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt để tránh việc ra nhiều mồ hôi dẫn đến tình trạng mất nước.
Nếu không có tiến triển thì phải bỏ hết khăn mũ ra, tránh trẻ bị ngạt. Nếu tình trạng khẩn cấp thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.