Trẻ sơ sinh vốn hệ miễn dịch rất kém, nên mọi sự chủ quan hay "thử nghiệm" nào đó từ phương pháp dân gian đều có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết.
Với những em bé sơ sinh, nền tảng thể lực và sức đề kháng còn yếu, việc chăm sóc phải đòi hỏi lượng kiến thức rất lớn chứ hoàn toàn không được tùy tiện. Bởi thực tế có rất nhiều bé đã phải rơi vào tình trạng nguy kịch, thậm chí là tử vong vì sai lầm, chủ quan hay những mẹo dân gian truyền miệng của người lớn.
Trong phạm vi bài viết này sẽ nhắc lại một số trường hợp bố mẹ có con nhỏ cần lưu tâm để tránh đẩy con vào nguy hiểm tính mạng:
Ruột gần như bị hoại tử vì bà cho uống nước trị bệnh vàng da
Giữa năm 2018, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin lời cảnh báo của một người mẹ sống ở Thái Lan. Theo đó, người mẹ này chia sẻ rằng em bé sơ sinh mới 20 ngày tuổi của chị vừa trải qua một trận thập tử nhất sinh, bị viêm tắc đường ruột, ruột gần như hoại tử. Quá trình điều trị tích cực tại bệnh viện may mắn đã cứu được bé.
Sau tai nạn với con trai, bà mẹ lên tiếng cảnh báo các bà mẹ khác.
Tuy nhiên nguyên nhân khiến con bị nguy kịch chắc chắn sẽ còn khiến chị ám ảnh cả đời. Đó là do bà của bé bé đã cho bé uống nước đun sôi để chữa bệnh vàng da. Quan điểm của người bà cho rằng nếu đứa trẻ sơ sinh bị vàng da được uống nước nhiều sẽ đi tiểu nhiều và lọc hết chất gây vàng da ra khỏi cơ thể. Từ đó, căn bệnh vàng da sẽ nhanh chóng biến mất.
Vậy nhưng kết quả cho thấy khi mà bệnh vàng da chưa giảm thì bé sơ sinh đã phải nhập viện khẩn cấp trong tình trạng tím tái cơ thể, nôn ra máu và đi ngoài phân xanh.
"Sau 7 ngày, tôi vẫn còn ở trong trạng thái hoảng sợ khi nhìn hình ảnh con đau đớn vật vã, viêm ruột gần như sắp thối. Trước khi rời khỏi phòng bệnh về nhà, y tá đã dặn dò tôi rất kĩ lưỡng rằng không được cho con dưới 6 tháng tuổi uống nước nữa, dù là nước đun sôi. Và chắc chắn lần này tôi sẽ ghi nhớ.
Thật may mắn sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện, con tôi đã qua cơn nguy kịch”, bà mẹ sau khi giữ được con đã chia sẻ lên trang cá nhân để cảnh tỉnh các bố mẹ khác.
Em bé nguy kịch, phải trải qua 7 ngày điều trị tích cực mới giữ được mạng sống.
Rất nhiều nghiên cứu khoa học về nhu cầu nước của trẻ đang bú sữa mẹ, được thực hiện trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau, từ 22-41 độ C và độ ẩm từ 9-96%, tất cả những nghiên cứu này đều đi đến kết luận, sữa mẹ đã cung cấp đủ lượng chất lỏng cần thiết cho bé, kể cả trong thời tiết nóng ẩm khó chịu.
Viện Nhi Khoa Mỹ cũng khuyến cáo: “Không nên cho trẻ sơ sinh đang trong thời kì bú sữa mẹ uống các loại nước như nước lọc, nước đường glucose và các loại đồ uống khác, trừ khi có sự chỉ dẫn của bác sĩ do bé đang gặp vấn đề đặc biệt. Trong suốt 6 tháng đầu, kể cả trong thời tiết nóng bức, nước lọc và nước hoa quả là không cần thiết cho trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ mà còn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bé nhiễm độc hoặc dị ứng”.
Trẻ tử vong do bị người lớn hôn
Đã có rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong thương tâm vì những cử chỉ hôn môi của người lớn. Hành động âu yếm này tưởng như là thể hiện sự yêu mến trẻ nhỏ nhưng mang lại hậu quả khôn lường bởi hệ miễn dịch của trẻ em rất yếu.
Cuối năm 2018, một bài đăng trên facebook từ tài khoản Abigail Friend đã nhận được hơn 500.000 lượt tương tác, với nội dung buồn từ câu chuyện của chính bản thân cô.
Abigail là một bà mẹ trẻ 19 tuổi, và có con gái tên là Aliza Rose Friend đã qua đời một cách bất ngờ. Abigail cho hay, cô bé vẫn khỏe trong 36 giờ đầu trước khi trở sốt, đờ đẫn và không thiết ăn uống. Tình hình của bé gái sơ sinh nhanh chóng xấu đi khi bệnh “ăn vào phổi và não” khiến bé khó thở và gặp những cơn co giật.
8 ngày sau, bệnh viện tuyên bố cô bé chết não và chính thức cắt bỏ các hỗ trợ sống của cô bé, để lại sự đau khổ tột cùng cho Abigail và chồng cô, Tyler Hensley.
Cô bé Aliza Rose Friend đã vĩnh viễn không còn tỉnh dậy được chỉ vì sự sơ suất từ người lớn.
Cuối cùng, các bác sĩ kết luận với Abigail rằng con gái cô có khả năng bị nhiễm virus HSV-1 từ một người thân bị Herpes. Sức đề kháng của bé lúc này yếu đến nỗi bé hoàn toàn có thể lây nhiễm chỉ từ một cơn ho hay cái ôm, hôn. Và bất cứ ai cũng có thể là nguyên nhân đau lòng, dù vô tình hay cố ý.
Trước đó vài tháng, thế giới cũng ghi nhận một em bé sơ sinh tại Mỹ qua đời chỉ sau 12 ngày do nhiễm virus từ người lớn. Ngày 26/7/2018, chị Presley Trejo và anh Elias (người Mỹ) đã vô cùng hạnh phúc đón con gái Emerson chào đời sau nhiều tháng ngày mong mỏi.
Tuy nhiên, chỉ sau 12 ngày, thiên thần của họ đã mãi rời xa thế giới sau khi bị mắc virus Herpes Simplex (hoặc virus HSV-1). Cô Presley cho biết cô con gái nhỏ của mình bị lây nhiễm loại virus trên từ một người lớn nào đó tới thăm và có hành động hôn bé.
Ký ức về cô con gái Emerson chỉ toàn là những hối hận, bất lực của đôi vợ chồng trẻ.
“Nụ hôn tử thần” từ lâu đã gắn chặt với những cái ôm, hôn mà người lớn dành cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi. Bởi sau 1 nụ hôn thể hiện yêu thương có thể là cánh cổng bệnh viện hoặc sự tang tóc. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ những bài học đau đớn trên mà bố mẹ nên bảo vệ con mình khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ môi trường xung quanh.
Bé trai nguy kịch vì cha mẹ đốt ngải chữa "mở khóa đầu"
"Mở khoá đầu" từ lâu đã được người dân dùng để chỉ một căn bệnh ở trẻ sơ sinh. Đó là những đứa trẻ mới sinh được vài ngày, bỗng nhiên bỏ bú, khóc dai dẳng hoặc ngủ li bì; phần hộp sọ chỗ thóp có vết lõm sâu, giống như bị tách ra. Mọi người thường chữa theo cách dân gian như đốt ngải (đốt lá ngải khô, hơ vào huyệt trên cơ thể trẻ sơ sinh); đắp thuốc vào thóp ...
Tuy nhiên thực tế, các bác sĩ đã cảnh cáo việc đốt ngải, đắp thuốc như vậy rất nguy hiểm. Bởi trẻ sơ sinh còn rất non nớt, nếu điều trị không đúng cách rất dễ dẫn đến xuất huyết não, giãn thành mạch, nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao.
Một bệnh nhi nhập viện nguy kịch do được đốt ngải chữa "mở khóa đầu".
Trường hợp bé V.M.H, 6 tháng tuổi ở Hạ Long, Quảng Ninh nhập viện trong nguy kịch vào hồi tháng 8/2018 là một lời cảnh tỉnh sâu sắc. Theo lời kể của gia đình bé, trước đó ở nhà bé có biểu hiện bỏ bú, sốt, ngủ li bì, sờ thóp thấy có đường khớp mở rộng... Cho rằng bé bị “mở khoá đầu”, gia đình đã mời thầy lang về đốt ngải, đắp thóp cho bé. Đến khi tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, gia đình mới cho bé nhập viện điều trị.
Qua khám sàng lọc và hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán em bị sốc nhiễm khuẩn, viêm não- màng não và được chỉ định nhập Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị. Bé được điều trị thở máy, kháng sinh, vận mạch, an thần, hạ sốt, tiên lượng bệnh nhân nặng, tiến triển chậm, thời gian điều trị kéo dài.
Chữa bằng mẹo dân gian, bệnh con càng nặng thêm
Khi con bị ốm, nhiều mẹ tin vào những bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng khiến bệnh tình của bé càng trở nên nguy kịch. Đầu năm 2018, ĐH Y Dược TP.HCM, các bác sĩ đã ghi nhận trường hợp một cháu bé bị bỏng trên ngực do bà nội hơ lá trầu đắp lên ngực chữa sổ mũi, khò khè. Có cháu bé bị bỏng trên ngực do bà nội hơ lá trầu đắp lên ngực chữa sổ mũi, khò khè. Khi nhập viện, bé đã bị nhiễm trùng da, bỏng sâu độ 4. Đặc biệt, do bị bỏng quá nặng, trên ngực bé gái để lại một vết sẹo lớn, ảnh hưởng thẩm mỹ khi trưởng thành.
Một em bé bị bỏng nặng khi bà giúp việc dùng tỏi đắp vào gan bàn chân trị ho.
Trước đó, tại BV Nhi đồng 1 – TP.HCM, các bác sĩ cũng cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi phỏng nặng vì đắp nước mắm, đắp lá thuốc không rõ nguồn gốc, cắt lễ khiến da bị phồng rộp, nhiễm trùng. Có trường hợp đắp tỏi hay quấn tỏi vào lòng bàn chân quá nhiều để chữa ho hoặc tắm với nước bỏ gừng nhưng pha gừng nhiều quá khiến trẻ bị bỏng.
Tại khoa Mắt, bệnh viện quận Thủ Đức từng tiếp nhận một số trường hợp chữa bệnh ở mắt bằng mẹo vặt khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Đơn cử như trường hợp của bé Phan Hoàng A., 15 ngày tuổi, nhập viện với tình trạng mắt có nhiều chất tiết vàng nhầy, loét giác mạc rộng. Mẹ bé cho biết khi thấy bé chảy ghèn trắng ở mắt, bà của bé nhất quyết nhỏ chanh để tự điều trị cho cháu mà không đi khám.
Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội từng tiếp nhận bé Hoàng H., 10 tháng tuổi (ở Phú Thọ) trong tình trạng sốt cao, thở khò khè, đi ngoài phân lỏng nước, da tím tái. Theo người nhà cho biết, khi thấy cháu bị đi ngoài phân lỏng ngày nhiều lần, gia đình đã cho cháu uống sái thuốc phiện để tự chữa bệnh. Sau khi uống, bé tím tái, khó thở được đưa đi cấp cứu. Sau thăm khám và làm xét nghiệm lâm sàng, cháu được chẩn đoán bị suy hô hấp, hôn mê sâu, đồng tử co, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn nặng.
Qua rất nhiều trường hợp đau lòng như thế, các bác sĩ không ít lần đưa ra khuyến cáo bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện, cơ sở y tế, để được các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời. Đừng đẩy con vào nguy hiểm vì những sai lầm, thiếu hiểu biết và sự mù quáng của mình.