Thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn dặm là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của trẻ.
Ăn đúng thời điểm
Thời điểm ăn dặm đúng nhất là khi bé được 4-6 tháng tuổi. Bé đã đủ lớn để cảm nhận những hương vị khác nhau của các món ăn. Hơn thế nữa, hệ tiêu hóa của bé cũng đã đủ vững chãi để có thể thực hiện quá trình tiêu hóa các loại thực phẩm khác nhau. Qua tháng thứ 6, bé đã có chính kiến riêng, việc hợp tác để nếm một món mới sẽ khó khăn hơn.
Tập quen dần
Bạn cứ kiên trì cùng bé trải nghiệm hương vị mới, bắt đầu từ muỗng thức ăn rất nhỏ như bột sữa loãng, muỗng nước cam tươi hay ít chuối nghiền nhỏ. Như vậy bé sẽ thích thú với việc ăn và thoát khỏi nỗi sợ ăn do bị ép.
Tăng dần lượng thức ăn
Từ vài muỗng làm quen buổi đầu tiên, bạn tăng chén bột lên 1/4 rồi 1/2 chén. Nếu bé có ý chống cự, không nên nài ép, hãy cho bé thư giãn vài phút rồi dịu dàng đút những muỗng còn lại cho bé.
Món ăn phong phú
Ba bữa bột trong ngày cần phải khác nhau về mùi vị để tránh cảm giác ngán cho trẻ. Bé từ 4-6 tháng cho ăn bột loãng, từ 7-9 tháng ăn bột đặc dần và từ 9-12 tháng ăn cháo xay nhỏ, lợn cợn.
Màu sắc bắt mắt
Nếu chén bột sáng có màu vàng bí đỏ, trưa màu đỏ củ dền, chiều màu xanh mồng tơi thì bé sẽ tỏ ra hợp tác trong ăn uống. Thực phẩm nhiều màu cũng là nguồn axit amin cho bé phát triển khỏe mạnh.
Tạo sự vui vẻ
Một không gian vui vẻ khi ăn là cách hấp dẫn nhất để bé chiến đấu đến muỗng bột cuối cùng. Hãy lắng nghe trẻ. Nếu trẻ thích mở một bản nhạc nào đó hay chơi với món đồ chơi quen thuộc, bạn nên chiều ý con.
Dành sự bất ngờ cho bé
Hãy quàng vào cổ trẻ một chiếc yếm có hình chú sóc, gấu hay hươu cao cổ để bé thấy mình… oai vệ và lạ lẫm. Từ chiếc yếm này bé sẽ có động lực để ăn uống ngon lành hơn.
>> Mẹ cần xem ngay: Bé 6 tháng tuổi "khởi động" ăn dặm nên có thực đơn như thế nào? |
Không nhồi nhét
Cái bụng rất nhỏ của bé chỉ thích hợp với bữa ăn thật nhỏ. Việc nhồi nhét không chỉ gây áp lực tinh thần cho trẻ mà bé cũng chẳng thể tiêu hóa hết lượng thức ăn dư thừa kia.