Ca sĩ Thu Phượng đã có những trải lòng về cuộc sống làm mẹ đơn thân 7 năm nay kể từ khi ly hôn với MC Thành Trung. Chị từ hai bàn tay trắng lập nghiệp và những ngày tháng ngày ăn sáng chỉ 5 nghìn đồng.
Video bé Zon tự tin sải bước trình diễn thời trang.
7 năm kể từ khi ly hôn với MC, diễn viên hài Thành Trung, ca sĩ Thu Phượng chọn cuộc sống làm mẹ đơn thân và tận hưởng hạnh phúc bên bé Vi An (Zon). Cô tâm sự, kể từ khi đưa con vào Sài Gòn sinh sống, cô đã thay đổi và trưởng thành rất nhiều.
Sau tất cả những vấp ngã, khó khăn của quá khứ, đối với cô tận hưởng cuộc sống làm mẹ đơn thân hạnh phúc, vững vàng về kinh tế còn hơn lựa chọn thêm một người đàn ông không hiểu và chia sẻ với mình để có một gia đình mà mọi người nghĩ là đúng nghĩa.
Ca sĩ Thu Phượng và bé Vi An (Zon).
Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, giờ như có tất cả
Ly hôn với nghệ sĩ Thành Trung và trở thành mẹ đơn thân cũng đã 7 năm rồi, hiện nay, cuộc sống của chị và bé Zon ở TP. HCM như thế nào?
Năm 2013, hai mẹ con Phượng vào Sài Gòn sống, từ tay trắng vẫn phải đi thuê nhà ở thì hiện tại đã có nhà riêng, đầy đủ, mọi thứ đều tốt đẹp.
Quãng thời gian đó, bé mới 2 tuổi đến nay 7,5 tuổi không phải là dài nhưng cuộc sống cũng đã đầy đủ hơn. Hai mẹ con có thể làm được những điều mình thích như du lịch, mua sắm mặc dù không phải là dư giả. Bé Zon đang được học một trường rất tốt ở Quận 10.
Đến giờ phút này, mình đi cả quãng đường, trải qua nhiều việc lớn quá rồi thì việc như vậy ở trong tầm xác định tiếp, việc bước qua cũng ung dung và nhẹ nhàng lắm.
- Thu Phượng -
Tay trắng đến miền đất mới, khoảng thời gian đầu, chị làm thế nào để có thể bám trụ với cuộc sống đắt đỏ ở đây?
Ở Sài Gòn có 2 tầng lớp: bình dân là những người ăn sáng chỉ 5 nghìn, 10 nghìn và tầng lớp thượng lưu là những người có thể ăn bát phở 200-300 nghìn. Và có những thời điểm, Phượng chỉ ăn sáng 5-10 nghìn, thậm chí ăn trưa luôn hoặc ăn trưa sang lắm là 10-15 nghìn với bánh ướt, miếng chả, bánh mì kẹp thịt để dành dụm tiền cho con ăn học đầy đủ nhưng buổi tối khi con đi học về, mình vẫn nấu ăn cho con và chưa bao giờ để con thiếu thứ gì.
Làm mẹ đơn thân những lúc con ốm, mẹ mệt, chị xoay sở ra sao?
Hồi nhỏ, Zon hay ốm vặt, có thời điểm con nằm viện mẹ cũng phải ở trong đấy không thể làm việc được. Nhưng đến giai đoạn này mình quên hết những khó khăn, không nghĩ tủi thân như thời điểm đó nữa.
Thời gian vừa rồi, bé cũng bị viêm mũi dị ứng do cơ địa và cả một chút gen nữa, mình phải thường xuyên đưa bé vào viện 2 lần/tuần, dùng thuốc nhưng bé lớn nên việc chăm sóc không vất vả nữa.
Điều gì sau ly hôn chị nghĩ cần phải thay đổi nhất? Liệu đó có phải lý do mà sau khi ly hôn chị đẹp lên rất nhiều?
Sau khi quyết định sống 1 mình, điều thay đổi nhất là cần có sự vững vàng về kinh tế, kiếm được tiền bằng chính khả năng và độc lập, không bị phụ thuộc. Nếu mình không quyết tâm đưa con vào Sài Gòn có lẽ mình đã không trưởng thành được. Bây giờ mình cảm thấy không sợ gì nữa.
Là phụ nữ nên cho mình quyền làm đẹp vì có nhiều người phải đánh đổi, phải chuyển giới để được xinh đẹp. Tại sao mình là phụ nữ không trau chuốt bản thân, điệu đà. Mình là người tận hưởng sự vất vả tối đa như ăn ngon mặc đẹp, chăm sóc sức khỏe bản thân hiệu quả nhất không tiếc.
Thu Phượng dạy con nhận thức rằng để có điều kiện tốt phải lao động khi con qua ngưỡng tuổi học cấp 1.
Chú trọng giáo dục giới tính, ba Trung cũng không được tắm cho con
Bé Zon là một cô bé có tính cách như thế nào?
Bé Zon là một cô bé rất bạo dạn, có lẽ vì lăn lộn với mẹ từ năm một tuổi, mẹ đi đâu cũng mang theo con, chưa bao giờ mẹ rời xa nên bé không bị rụt rè, rất tự nhiên với mọi người xung quanh.
Bé có năng khiếu, có gen hát của mẹ và có gen diễn của bố. Bé có thể bắt chước, diễn những lời thoại rất giỏi. Tuy nhiên, để bé phát triển đam mê hay không Phượng cho bé tự lựa chọn, không ép con.
Chị tạo điều kiện thế nào cho Zon phát triển năng khiếu?
Mỗi khi làm việc gì hay cho con học năng khiếu, Phượng đều hỏi ý kiến của con. Mình hoàn toàn hướng con và muốn nghe ý kiến con. Nếu bé không đồng ý hoặc bé thích nhưng không muốn học, mình cũng không cho con đi học.
Bé Zon hiện tại ngoài học hát mẹ dạy cùng các anh chị đến học còn học môn năng khiếu piano. Hồi 5 tuổi, con thích dancesport nhưng có lẽ còn quá nhỏ chưa học vào nên mình cho con dừng lại.
Trong vấn đề dạy con, chị quan trọng nhất điều gì?
Mình không đề cao chuyện học hành, với con, mình quan trọng dạy kỹ năng sống vì không có kỹ năng trải nghiệm không thể trưởng thành được.
Mình không hay đánh, quát mắng, chê bai con nhiều. Mình dạy con theo chiều hướng khích lệ, động viên, không la mắng. Mình dạy con là con gái có quyền nhõng nhẽo, biết điệu.
Về giáo dục giới tính, mình dạy con không bao giờ được tiếp xúc hoặc đứng quá gần với người khác giới và không bao giờ đi ra khỏi tầm tay, tầm nhìn của mẹ.
Mình dạy bé “Ai là người được tắm cho con, chỉ có mẹ, dì Phương, bà ngoại, kể cả ba Trung cũng không tắm cho con được vì ba không biết tắm”. Mình tạm giải thích như vậy. Bây giờ con lớn rồi biết đọc mình cho con đọc nhiều bài báo cảnh tỉnh. Bé hiểu nên đi đâu cũng xin phép và tìm hiểu trước ở chỗ đó có gì.
Bé Zon có năng khiếu ca hát và diễn được hưởng từ cả bố và mẹ.
Mọi bộ quần áo đề do bé tự mặc và tự phối đồ.
Con không có khái niệm thiếu hụt tình cảm của bố, với con mẹ là cả thế giới
Chị phải đóng vai trò cả người bố, người mẹ, chị làm thế nào bù đắp thiếu hụt tình cảm cho con?
Mọi người thường nhìn gia đình phải có bố mẹ, anh em và người phụ nữ ai cũng mong muốn đi điều ý. Tuy nhiên, khái niệm đó không có trong gia đình mình vì thực tế mình ly thân khi bé 1 tuổi, không biết gì, không hiểu gia đình phải có bố mẹ nên bé không cảm thấy bị thiệt thòi.
Từ xưa đến nay, lúc khỏe mạnh, vui chơi, học hành, ốm đau, bé chỉ biết có mẹ. Với bé, mẹ là một điều gì đó bao quát cả tổng thể cuộc đời mình. Nếu bé không có mẹ 1 ngày mới thay đổi.
- Thu Phượng -
”Thời gian trước, mình đi công tác Hà Nội nhiều phải để một điện thoại ở nhà cho bé. Mỗi khi bà đón con đi học về ăn cơm là con lại gọi nói chuyện với mẹ. Thậm chí 9h tối ngủ, con cũng tìm mẹ, lấy áo mẹ ngửi hơi. Nhiều khi con nói câu rất thương, xúc động “Mẹ ơi, bao giờ mẹ về? Mẹ sắp về với con chưa? Con đang ôm cái áo của mẹ ngủ. Con đi ngủ không có ai gãi lưng, cái áo không gãi lưng được. Cáo chỉ là cái áo thôi làm sao thay thế được mẹ của con”.
Bé rất hồn nhiên vui tươi nên không có khái niệm thiếu hụt, nếu có là thiếu hụt tình cảm như xa mẹ, không nhìn thấy mẹ.
Còn bố, bé không có khái niệm gì, tuy nhiên, bé hiểu được người này là ba của mình. Anh Trung lâu lâu cũng đón con đi chơi nên bé biết bởi mình dậy bé rằng, đây là ba của con. Thỉnh thoảng, bé cũng hỏi chuyện “Ủa mẹ ơi, sao mẹ với ba Trung không sống với nhau, ở cùng nhà với nhau như những người khác?”.
Mình chia sẻ và giải thích cho con rằng: “Chúng ta ở với nhau khi có đủ điều kiện, yêu mến, thích ở với nhau. Sau này Zon lớn lên đi học hành xa không muốn ở với mẹ, mẹ cũng tôn trọng, cho con tung cánh bay”. Con nói: “Không, không bao giờ xa mẹ cả”. Đó là phản xạ tự nhiên, câu hỏi tự nhiên của Zon.
Bây giờ con lớn rồi mình cũng chia sẻ nhiều để con nắm được thực tế hơn. Điều quan trọng là để cho con không bị nghĩ tiêu cực là điều mình hướng và dạy con.
Zon là một cô bé rất tình cảm và hồn nhiên.
Làm mẹ đơn thân rất vất vả và mệt mỏi, vậy hành động cử chỉ, lời nói nào của bé Zon khiến chị quên đi mọi điều đó?
Zon tình cảm lắm. Mình và con có thói quen trước khi ngủ phải chơi cá ngựa nhưng nhiều khi làm cả ngày mình mệt đau lưng, con bảo mẹ có thể nằm chơi với con cũng được hay thỉnh thoảng mỏi, đau, con bóp chân tay cho mẹ.
Với con, mẹ là cả thế giới. Có đợt mình đi đại trùng tu nhan sắc phải nằm viện, bạn ý vào thăm sợ, thương mẹ lắm, ôm chặt mẹ mặc dù trông mặt mẹ lúc đó chưa đẹp, rồi yêu thương bảo “Mẹ nhanh khỏi, mẹ về với con”.
Hai mẹ con cũng thường hay nói yêu thương như “Mẹ yêu con” thì con cũng phải nói “Con yêu mẹ” và ngược lại.
Zon là cô bé thông minh, nhanh nhẹn, biết dung hòa tình cảm. Khi đi chơi với ba Trung về, bé luôn kể mọi thứ rất đẹp. Từ đó mình suy ra, đi chơi với ai hỏi về mẹ, bé cũng sẽ kể điều rất đẹp. Mình thích con có tính này.
Làm mẹ đơn thân cũng 7 năm rồi, chị đã nghĩ đến việc tìm cho mình một bờ vai?
Người ta nói phụ nữ chỉ cần có kinh tế và có con là người phụ nữ hạnh phúc. Nhiều người bảo phụ nữ không có đàn ông là tất cả mọi thứ sụp đổ. Tuy nhiên, đó không phải là mình, mình không thể giao phó cuộc sống vào ai đó được.
Có lẽ, do mình trải qua nhiều quá, cách mình chọn lựa khác đi. Mình nghĩ, mình cần người nào đó để chia sẻ nhiều hơn là cần người để cuộc sống đầy đủ, con có bố, nó không quan trọng. Mình nghĩ người hạnh phúc là người sống một mình mà vẫn làm việc, vui vẻ, tận hưởng cuộc sống một cách đầy đủ với cõi riêng một mình.
Đối với mình, kết thúc công việc, tắm rửa xong rồi xem bộ phim với con cũng cảm thấy cuộc sống sung sướng thế. Tuy nhiên, mình vẫn nghĩ phải gặp được ai chia sẻ và hiểu mình. Điều này hơi khó nhưng thà mình gặp được người đúng còn hơn là gặp phải người lệch lạc làm cuộc sống vướng bận, thay đổi cảm xúc, kế hoạch cuộc sống.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!