Triệu chứng sốt phát ban phổ biến nhất là sốt cao trên 39,4°C ngay khi nhiễm bệnh. Đối với sốt phát ban ở trẻ, các triệu chứng có thể là viêm họng, sổ mũi, ho đi kèm với sốt.
Trẻ bị sốt phát ban có thể khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Việc nhận biết dấu hiệu của bệnh cũng như biết cách chăm sóc trẻ khi bị sốt là điều cực kỳ quan trọng.
Nguyên nhân gây sốt phát ban là bệnh lây nhiễm do virus human herpes 6 hoặc trong một số trường hợp là do virus human herpes 7 gây ra. Virus lây từ người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh hoặc các vật dụng cá nhân của họ.
6 triệu chứng sốt phát ban ở trẻ
1. Khó chịu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Triệu chứng đầu tiên là trẻ bị đau đầu, đầu hâm hấp nóng. Điều này làm bé mệt mỏi, khó chịu. Trẻ sơ sinh sẽ quấy khóc nhiều hơn.
Dấu hiệu đầu tiên của sốt phát ban là trẻ khó chịu, quấy khóc nhiều hơn.
2. Sốt cao trên 39,4°C
- Ngay khi nhiễm bệnh, bé có thể sẽ sốt cao trên 39,4 độ C. Dấu hiệu sốt sẽ kéo dài trong từ 3-5 ngày.
- Đi kèm với sốt còn có các triệu chứng như viêm họng, sổ mũi và ho. Nếu để ý mẹ cũng sẽ thấy ở cổ bé có các hạch bạch huyết sưng lên.
Bé có thể bị sốt từ 3-5 ngày.
3. Phát ban
- Đa phần sau những cơn sốt thì da trẻ sẽ xuất hiện các đốm nhỏ. Một vài đốm có thể bị sưng lên hoặc có một vòng màu trắng bao quanh.
- Thường thì việc phát ban sẽ bắt đầu từ vùng ngực rồi lan rộng đến ngực, lưng, bụng tới cổ và cánh tay. Chúng có thể biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày và không gây khó chịu cho bé.
Phát ban thường xuất hiện sau những cơn sốt.
4. Tiêu chảy nhẹ
- Triệu chứng sốt phát ban tiếp theo ở trẻ là bé có thể bị tiêu chảy nhẹ. Bé đi ngoài phân lỏng nước. Số lần đi tiêu có thể gấp đôi bình thường. Điều này làm cho cơ thể trẻ bị mất nước.
- Một số dấu hiệu kèm theo là ói mửa và buồn nôn. Việc bù nước cho trẻ là rất quan trọng trong thời điểm này.
Bé có thể bị tiêu chảy nhẹ khi bị sốt phát ban.
5. Chán ăn
- Theo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ nhi khoa, khi trẻ bị sốt sẽ ảnh hưởng đến sự thèm ăn và kèm theo đó là sự mệt mỏi. Lúc này bé ăn gì cũng không thấy ngon và đắng miệng.
- Hơn nữa, việc bị sốt sẽ làm sức khỏe trẻ bị suy giảm. Cơ thể mệt mỏi vì phải tiêu thụ nhiều năng lượng nên cũng có thể làm trẻ không muốn ăn.
Việc bị sốt cũng làm trẻ biếng ăn và ăn gì cũng không thấy ngon.
6. Sưng mí mắt
Đây là tình trạng viêm và ứ nhiều dịch trong các mô liên kết xung quanh mắt. Trẻ có thể cảm thấy đau hoặc không, ảnh hưởng đến cả mí mắt trên và dưới. Khi sốt phát ban, mí mắt của bé có thể bị sưng.
Sưng mí mắt cũng là một triệu chứng khi bé bị sốt phát ban.
Khi bé bị sốt phát ban, cha mẹ cần làm gì?
1. Hạ sốt đúng cách cho trẻ
- Trước tiên, cha mẹ nên lau người cho trẻ bằng nước ấm để hạ sốt, tránh việc trẻ sốt cao, xảy ra biến chứng.
- Trong trường hợp không thể hạ sốt cho trẻ, bé sốt trên 38 độ thì cần phải cho bé đi khám để bác sĩ chỉ định uống thuốc hạ sốt. Tuyệt đối không tự ý cho con dùng thuốc.
2. Giảm ho, giảm đau họng cho bé
- Cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nhỏ nước muối sinh lý để thông đường thở cho trẻ, giúp bé dễ chịu và ăn uống được dễ dàng hơn.
3. Bù nước, điện giải
Khi sốt, cơ thể trẻ rất dễ bị mất nước. Vì thế cha mẹ nên bù nước cho con bằng các loại nước hoặc oresol. Sau đó phụ huynh tiếp tục theo dõi tình trạng của bé.
4. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
- Nên cho bé ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa nhưng đầy đủ dinh dưỡng như: cháo, súp, sữa...
- Phụ huynh cũng có thể cho bé ăn thành nhiều bữa khác nhau để cơ thể bé vẫn được cung cấp đủ những dưỡng chất cần thiết.
5. Giữ vệ sinh da cho bé
Cha mẹ không nên kiêng nước, kiêng gió mà không vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho trẻ. Điều này càng khiến con lâu hạ sốt hơn. Bé phải cần được tắm rửa mỗi ngày để không bị nhiễm trùng da. Tuy nhiên cần lưu ý không nên để trẻ bị lạnh.