Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh nếu không điều trị dứt điểm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Sốt phát ban là một loại bệnh phổ biến ở trẻ em dưới một tuổi. Khi bé bị sốt cơ thể bé sẽ nổi các ban đỏ hồng kèm theo sốt cao. 95% trẻ em dưới 2 tuổi từng bị nhiễm sốt phát ban. Bệnh thường kéo dài khoảng 4 ngày.
Sốt phát ban ở trẻ sơ sinh tuy không quá nguy hiểm nhưng cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
1. Dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ sơ sinh
Nếu bé bị nhiễm virus gây bệnh, có thể mất khoảng 1-2 tuần để các dấu hiệu đầu tiên xuất hiện.
Các triệu chứng sốt phát ban ở trẻ sơ sinh phổ biến bao gồm:
- Sốt cao: Bé sẽ bị sốt cao đột ngột, thường trên 39,5 độ C. Sốt thường kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày.
Sốt phát ban có thể khiến bé sốt cao trên 39,5 độ C. (Ảnh minh họa)
- Phát ban: Phát ban có thể xuất hiện sau khi hạ sốt. Các nốt phát ban có dạng đốm nhỏ màu hồng, phẳng, đôi khi có thể hơi cộm. Xung quanh nốt đỏ có thể có một vòng trắng.
Phát ban bắt đầu trên ngực, lưng, bụng sau đó lan đến cổ và cánh tay. Đôi khi phát ban cũng có thể lan đến chân hoặc mặt. Phát ban không gây ngứa, khó chịu. Nó có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày.
Ngoài ra bé cũng có thể có các biểu hiện sau đây khi bị sốt phát ban:
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ.
- Đau họng nhẹ.
- Sổ mũi.
- Ho.
- Cáu gắt.
- Tiêu chảy nhẹ.
- Biếng ăn.
- Mí mắt sưng.
2. Nguyên nhân sốt phát ban ở trẻ sơ sinh
Sốt phát ban chủ yếu do virus gây ra (80-90%). Virus gây sốt phát ban phổ biến vì virus human herpes 6 (HHV6).
Tuy nhiên bệnh cũng có thể do virus human herpes 7 (HHV7) gây ra. Các loại virus này rất dễ lây nhiễm. Khi bé tiếp xúc với người bị bệnh, virus có thể truyền sang cơ thể bé qua đường hô hấp.
3. Cách chữa sốt phát ban ở trẻ sơ sinh
Sốt phát ban do virus gây ra nên không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Cách chữa sốt phát ban hiệu quả là điều trị các triệu chứng để giúp bé thấy thoải mái hơn.
Khi bé bị sốt phát ban mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau để giúp bé nhanh hồi phục sức khỏe:
- Hạ sốt đúng cách: Sốt phát ban có thể khiến bé sốt rất cao vì vậy mẹ cần chú ý theo dõi thân nhiệt của bé. Khi bé bị sốt cao mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ để được chữa trị kịp thời. Ngoài ra mẹ cũng có thể lấy khăn sạch nhúng nước ấm chườm khắp cơ thể cho bé để giúp hạ sốt.
Sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng. (Ảnh minh họa)
- Cho bé bú nhiều sữa mẹ: Sữa mẹ có chất đề kháng giúp bé tăng cường sức khỏe. Ngoài ra bú mẹ thường xuyên cũng đảm bảo bé không bị mất nước do sốt cao.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Khi bé bị sốt phát ban mẹ nên cho bé ngủ đủ giấc trong môi trường yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ. Điều này sẽ giúp tăng cường sức khỏe giúp bé có thể chống chọi lại với bệnh tật.
- Vệ sinh đúng cách: Nếu bé bị sổ mũi mẹ nên rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Tắm cho bé sạch sẽ mỗi ngày bằng nước ấm. Vệ sinh da sạch sẽ giúp bé tránh được các bệnh nhiễm trùng về da.
Trên đây là các biện pháp vật lý điều trị sốt phát ban ở trẻ sơ sinh tại nhà, cha mẹ có thể tham khảo. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh là đối tượng có sức khoẻ còn non yếu, tốt nhất cha mẹ nên đưa con đi thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu bị sốt phát ban để có phương hướng điều trị tốt nhất.
Theo BS Việt Anh cho biết trên báo Sức khoẻ và Đời sống, nếu trẻ xuất hiện phát ban, gia đình chưa thể đưa trẻ đi khám bệnh, tại gia đình, nên hạ nhiệt cho trẻ bằng cách lau mát bằng khăn nhúng nước ấm (nhiệt độ của nước khi nhúng khăn vào phải thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 2 độ). Nên chườm ở trán, nách, bẹn và mặc quần áo mỏng, cởi bớt áo, quần và tã lót và cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát (không nên cho trẻ nằm phòng có máy lạnh với nhiệt độ lạnh quá hoặc không cho quạt xoáy vào người trẻ). Cần lưu ý là không chườm nước đá hoặc nước lạnh cho trẻ. Khi trẻ sốt cao trên 38oC, nếu chườm ấm mà thân nhiệt không giảm, nên cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt hoặc đặt thuốc hạ nhiệt loại đầu đạn vào hậu môn cho trẻ. Loại paracetamol đơn chất được khuyến cáo dùng cho trẻ khi sốt cao, liều lượng trung bình là 10mg/1kg cơ thể của trẻ. Có thể làm thông thoáng mũi bằng nhỏ mũi nước muối sinh lý 0,85%. Cần đặc biệt lưu ý là không được nhỏ thuốc nhỏ mũi hoặc uống thuốc ho của người lớn. Nếu trẻ còn bú mẹ, cho trẻ bú bình thường hoặc tăng số lần và tăng thời gian cho trẻ bú. Thêm vào đó, trẻ nên được vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, tuy nhiên cần tránh để bé bị nhiễm lạnh. Không nên kiêng gió, kiêng nước, kiêng tắm, kiêng ăn. Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không tắm hay vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên không nên để trẻ bị lạnh. Kiêng ăn quá mức sẽ làm trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém và dễ bị nhiễm trùng. Đặc biệt cần tiêm đủ các loại vắc-xin để phòng bệnh cho trẻ. |