Không có phương pháp điều trị dứt điểm cận thị ở trẻ em mà chỉ có thể cải thiện khả năng nhìn xa cho bé bằng các loại kính.
Tác giả bài viết: Ths.Bs Hồ Tự Chính - Trung Tâm Fargo Ortho K Hà Nội. |
Ths.Bs Hồ Tự Chính |
Ths.Bs Hồ Tự Chính cho biết, trong những năm gần đây trẻ nhỏ bị tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng trở nên rất phổ biến, rất dễ để chúng ta bắt gặp những cháu bé 4-5 tuổi với mắt kính dày cộp.
Vậy đâu là nguyên nhân tật khúc xạ, làm sao để phát hiện được sớm nhất có thể, điều trị như thế nào để mắt đỡ tăng số hoặc không bị biến chứng trở nên nặng hơn đã trở thành vấn để rất cấp thiết của toàn xã hội.
1. Tật khúc xạ là gì?
Khúc xạ là hiện tượng “gấp khúc” ánh sáng để hội tụ ảnh vào đúng võng mạc, giúp mắt nhìn rõ. “Bẻ cong” ánh sáng phụ thuộc vào độ cong giác mạc (thường gọi là lòng đen- thực tế là trong suốt), thủy tinh thể (giống như thấu kính hội tụ).
Hai yếu tố này phải tương đồng với trục nhãn cầu (đường kính trước sau của mắt), khi đó ảnh sẽ hội tụ đúng võng mạc-mắt nhìn rõ- gọi là chính thị. Bất tương đồng giữa độ cong giác mạc, thủy tinh thể với trục nhãn cầu làm cho ảnh không được hội tụ đúng võng mạc- mắt nhìn mờ gọi là tật khúc xạ.
Có 3 dạng tật khúc xạ: Cận thị, viễn thị, loạn thị. Loạn thị có thể phối hợp với cận thị gọi là cận loạn thị, hoặc phối hợp với viễn thị gọi là viễn loạn thị.
- Cận thị: chiếm đến 70% tật khúc xạ, do giác mạc quá cong, thủy tinh thể quá vồng làm cho ánh sáng bị khúc xạ quá mức hoặc trục nhãn cầu quá dài (mắt quá to)- ảnh hội tụ trước võng mạc- mắt nhìn xa mờ hơn nhìn gần.
- Viễn thị: chiếm khoảng 10-20%, ngược lại với cận thị, là do giác mạc quá phẳng, thủy tinh thể vồng ít hoặc do trục nhãn cầu quá ngắn (mắt quá bé)- ảnh hội tụ sau võng mạc- mắt nhìn gần mờ nhiều hơn nhìn xa.
- Loạn thị: là tình trạng giác mạc hoặc thủy tinh thể bị “méo” gây nhìn mờ nhòe cả xa và gần.
2. Nguyên nhân tật khúc xạ
Hiện nay trên thế giới vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân chính xác của tật khúc xạ, tuy nhiên có nhiều yếu tố liên quan được ghi nhận ảnh hưởng trực tiếp tới khởi phát và tiến triển cận thị
- Thời gian nhìn gần và khoảng cách nhìn gần
Trẻ còn nhìn gần lâu và khoảng cách càng gần thì khả năng bị cận và cận thị tiến triển càng nhanh. Yếu tố này liên qua trực tiếp tới giáo dục con cháu, theo chúng tôi không nên cho các cháu dưới 3 tuổi dùng điện thoại, máy tính, hạn chế dùng ti vi ( mỗi lần xem nên dưới 30 phút, không quá 3 lần mỗi ngày).
Cho trẻ tiếp xúc sớm với thiết bị này không những ảnh hưởng trực tiếp tới mắt mà còn ảnh hưởng đến phát triển thể chất, ngôn ngữ và tâm thần của trẻ.
- Di truyền
Cận thị cao (trên 6 độ) và loạn thị (trên 2 độ) có yếu tố di truyền trội đa alen. Vì là di truyền đa alen nên không phải bố mẹ bị cận là con chắc chắn bị cận, cũng như bố mẹ không cận là con cũng không cận.
Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra nếu có bố hoặc mẹ bị cận cao thì khả năng con bị cận nhiều hơn 3 lần so với bố mẹ không cận, nếu cả bố và mẹ đều cận thì khả năng con bị cận gấp 9 lần bình thường. Vì vậy nếu bố mẹ bị cận loạn thị cao hoặc đã có anh chị bị cận hãy cho con của bạn đến khám để phát hiện sớm tật khúc xạ.
-Yếu tố môi trường
Quá trình đô thị hóa ở các thành phố chúng ta diễn ra quá nhanh, mật độ dân cư đông đúc, những nhà cao từng mọc san sát, phòng ốc thì càng ngày càng bé lại. nó cũng là yếu tố làm cho mắt chúng ta không được nhìn đủ xa. Hãy cho con trẻ chơi ngoài trời nhiều hơn đó là điều chúng tôi muốn nhắn nhủ với các bạn.
- Chủng tộc
Đặc điểm mắt của người châu Á có giác mạc bé và cong hơn, thủy tinh thể cũng nhỏ và tròn hơn đó là yếu tố để cận thị nhiều hơn. Việt Nam cũng như Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học từ 20-30%, trung học cơ sở 50-60%, trung học phổ thông 70-80%.
Để phát hiện tật khúc xạ, cần khám cho trẻ sớm. Hiện tại có thể phát hiện được tật khúc xạ cho trẻ khoảng 3 tuổi. Ảnh minh họa
3. Dấu hiệu nhận biết sớm tật khúc xạ
Để phát hiện tật khúc xạ, cần khám cho trẻ sớm. Hiện tại có thể phát hiện được tật khúc xạ cho trẻ khoảng 3 tuổi.
Nhìn mờ:
- Xem ti vi gần, ngồi học nhìn sát.
- Ở trẻ chưa đi học chúng ta có thể nhạn biết được cháu có vấn đề thị lực bằng cách: đưa đồ vật cháu có đưa tay ra không, nhận biết bố mẹ từ xa không, quay mặt về hướng ánh sáng…
Nheo mắt:
- Thường do cận thị
- Mắt nheo nhiều khi nhìn tập trung, xem ti vi. Để muộn có thể gây mắt lờ đờ như buồn ngủ.
- Mỏi mắt, nhức mắt, nháy mắt: có thể do rối loạn điều tiết cũng có thể là dấu hiệu tật khúc xạ vì khi mắt có tật khúc xạ sẽ nhanh mỏi mắt hơn.
- Nghiêng đầu, ngửa cằm, gườm mắt: thường do loạn thị
Lác mắt
- Cận thị thường gây lác ngoài, viễn thị thường gây lác trong. Nếu kèm theo lác cần đi khám sớm để điều trị tật khúc xạ tránh nhược thị.
- Nếu tật khúc xạ gây ra lác mắt thì khi chúng ta điều trị sớm có thể hết hoàn toàn lác và nhược thị. Nếu lác mắt là bệnh lí phối hợp kèm theo chúng ta cũng phải điều trị tật khúc xạ sau đó phẫu thuật lác.
Việt Nam cũng như Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học từ 20-30%, trung học cơ sở 50-60%, trung học phổ thông 70-80%. Ảnh minh họa
4. Tiến triển của tật khúc xạ
- Cận thị:
Mắt to ra theo sự phát triển của thể chất làm cho cận thị càng ngày càng tăng đến khi hết sự phát triển thế chất (trẻ không còn phát triển chiều cao nữa).
Khi độ cận tăng ≥ 1D/năm, có nghĩa cận thị đang tiến triển nhanh nên cần cho con sử dụng biện pháp hạn chế tăng số.
Cận thị bẩm sinh (cận thị nặng từ nhỏ) có thể tăng độ cận suốt đời cần kiểm tra đáy mắt phòng biến chứng bong võng mạc.
- Viễn thị:
Thường đứa trẻ nào sinh ra cũng bị viễn thị nhẹ và giảm dần theo thời gian. Trung bình khoảng 6 tuổi sẽ hết viễn. Nếu cháu bị viễn thị cao thì độ viễn sẽ giảm xuống
- Loạn thị:
Là tình trạng mắt không đều (hình elip). Khi cơ thể phát triển, giác mạc cũng phát triển tịnh tiến cả trục ngắn và trục dài vì vậy độ loạn thị thường không thay đổi
5. Điều trị cận thị ở trẻ nhỏ
Không có phương pháp điều trị dứt điểm cận thị ở trẻ em. Sau đây là một số lựa chọn giúp cải thiện khả năng nhìn xa của trẻ:
a. Kính gọng
- Là lựa chọn đầu tiên để điều chỉnh tật khúc xạ. Trẻ từ 3 tuổi đã có thể đeo kính gọng. ban đầu đeo cháu có thể không thích thậm chí quấy khóc nhưng nếu kính đúng số cháu đeo thấy sáng lên thì tự cháu sẽ thích đeo kính.
- Những trường hợp PHẢI đeo kính sớm (ngay sau khi phát hiện):
- Tật khúc xạ cao: Cận thị >6 độ, viễn thị >6 độ), loạn thị >2 độ
- Lệch khúc xạ : 2 mắt lệch nhau từ 2 độ trở lên
- Tật khúc xạ một mắt
- Cận thị khởi phát sớm : 3 tuổi độ cận từ 3 độ trở lên
- Tật khúc xạ kèm theo lác, nhược thị…
- Đeo kính liên tục hay ngắt quãng
- Với cận thị dưới 3 độ thường chỉ cần đeo kính khi nhìn xa
- Những trường hợp phải đeo liên tục là: tật khúc xạ cao,lệch khúc xạ, kèm theo lác…
- Nếu kèm theo nhược thị phải kết hợp đeo kính liên tục và bịt mắt tật nhược thị
Để phát hiện tật khúc xạ ở trẻ nhỏ cần thực hiện đúng quy trình chuẩn: đo khúc xạ-thử kính sơ bộ- liệt điều tiết bằng atropin- đo lại khúc xạ sau liệt- thử lại kính tối ưu- hướng dẫn đeo kính đúng- có hẹn khám lại phù hợp.
b. Kính áp tròng mềm đeo ban ngày.
Ở trẻ nhỏ không nên dùng kính áp tròng mềm. những trường hợp bất khả kháng nên đeo dưới 2h, tuyệt đối không đeo qua đêm.
c. Kính tiếp xúc Ortho-K
- Trẻ được đeo kính tiếp xúc cứng thấm khí trong lúc ngủ để thay đổi hình dạng giác mạc, qua đó điều chỉnh độ cận thị.
- Đây là phương pháp điều trị không phẫu thuật, không xâm lấn, nhằm khử độ cận, làm chậm hay làm ngừng tiến triển của cận thị. Tuy nhiên tác dụng điều chỉnh chỉ mang tính tạm thời, giác mạc sẽ trở về trạng thái như trước khi điều trị sau vài ngày ngừng đeo kính.
- Kính Ortho-K không dùng lực ép cơ học lên mắt mà làm giảm áp lực thủy tĩnh trong lớp nước mắt giữa kính áp tròng và mắt để nắn chỉnh dần dần lớp tế bào trên bề mặt của giác mạc, dẫn đến thay đổi độ cong bề mặt, qua đó thay đổi độ hội tụ của mắt.
- Kính bắt đầu có tác dụng điều chỉnh cận thị ngay sau 1-2 ngày nhưng cần 2-4 tuần để có tác dụng tối đa (chỉnh hết độ) và ổn định. Bệnh nhân đeo kính vào lúc ngủ ban đêm (khoảng 6-8 tiếng), tác dụng điều trị kéo dài 10-12 tiếng vào ban ngày, nhờ đó cả ngày trẻ không cần đeo kính cận.
Ở trẻ nhỏ không nên dùng kính áp tròng mềm. những trường hợp bất khả kháng nên đeo dưới 2h, tuyệt đối không đeo qua đêm. Ảnh minh họa
6. Phòng ngừa tật khúc xạ
Cách tốt nhất để phòng ngừa hay làm chậm sự tiến triển cận thị ở trẻ em là tạo cho trẻ thói quen sử dụng mắt tốt:
- Giữ cho phòng có đủ ánh sáng nhưng không gây chói mắt khi đọc sách, sử dụng máy vi tinh hay xem tivi.
- Đưa mắt ra xa khi làm các công việc cần nhìn gần.
- Khi đọc sách cần giữ khoảng cách giữa mắt và sách là 30 cm, không nằm khi đọc.
- Khi xem tivi, cần ngồi cách màn hình tối thiểu 3 m.
- Khi làm việc với máy vi tính, cần để mắt cách màn hình 50 cm và điều chỉnh màn hình về độ sáng tối thiểu.
- Thường xuyên giải lao giữa giờ để mắt được nghỉ ngơi. Sau 30-40 phút đọc sách hay xem tivi, nên nhìn ra xa qua cửa sổ và tập các bài tập để mắt được thư giãn.
- Dành nhiều thời gian cho hoạt động ngoài trời.