Nếu có những đặc điểm này, cha mẹ có thể đang làm hại đến con và tương lai của con mà không hề hay biết.
Dạy con sai cách, trẻ sẽ cảm thấy không được yêu thương và lắng nghe. Khi lớn lên, đứa trẻ sẽ phải chịu sự căng thẳng, lo lắng và sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích. Những sai lầm dưới đây của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Khiến con sợ nhưng yêu cầu phải yêu cha mẹ
Đối với cha mẹ có đặc điểm này, trẻ thường phải đoán tâm trạng của cha mẹ thông qua âm thanh của tiếng chìa khóa rơi hay tiếng bước chân. Chúng luôn phải ở trong trạng thái sợ hãi và e dè. Những cha mẹ này thường cảm thấy bị xúc phạm nếu hành động tử tế của họ bị nghi ngờ. Họ thường nói những câu: “Bố/ mẹ đã làm mọi thứ vì con mà con lại cư xử như thế đấy!”
Bắt chia sẻ mọi thứ nhưng không trao quyền cho con
Ở một số gia đình, cha mẹ bắt con cái cùng chia sẻ trách nhiệm. Ví dụ khi thấy bố uống nhiều rượu, đứa trẻ sẽ tin rằng chính vì mình chưa ngoan nên bố phải uống rượu để bình tĩnh lại. Sau này, trẻ cũng sẽ bị kéo vào những lùm xùm của người lớn, bị bắt phải nghe những than phiền của cha mẹ, làm quen với những tình huống phức tạp và phải học cách đặt mình vào vị trí của cha mẹ, giúp đỡ, khoan dung và an ủi. Trong những trường hợp này, trẻ thường không có quyền bày tỏ suy nghĩ của mình.
Kỳ vọng con là người giỏi nhất nhưng coi thành tích là điều hiển nhiên
Nhiều cha mẹ luôn muốn con đạt thành tích cao nhất. Tuy nhiên những thành tích ấy của trẻ lại bị cha mẹ coi là điều hiển nhiên. Những bình luận chê bai có thể làm hủy hoại cuộc sống của trẻ bởi điều đó khiến trẻ khi lớn lên luôn tin rằng bản thân là nỗi thất vọng của cha mẹ.
Yêu cầu mở lòng nhưng lại trách móc con
Nhiều phụ huynh thường bắt con phải chia sẻ chân thành mọi điều với mình và đôi khi chúng cảm thấy có lỗi nếu không chia sẻ cảm xúc với cha mẹ. Nhưng sau đó, cha mẹ lại dùng chính những điều con chia sẻ để trách móc. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn chia sẻ điều đó với những người khác mà không cho đó là điều sai trái.
Hay nhắc lại những thất bại của con
Một đứa trẻ thiếu tự tin càng dễ kiểm soát. Vì thế nhiều bậc cha mẹ thường hay đề cập đến những thất bại và thiếu sót của trẻ. Nhưng những lời nói và hành động ấy có thể khiến trẻ tự ti và không dám thử những điều mới.
Muốn con thành công nhưng không giúp đỡ
Cha mẹ muốn con thành công nhưng không quan tâm con sẽ làm như thế nào. Những kiểu phụ huynh này sẽ chỉ vui mừng với thành tích của con mình vì hai lý do. Họ thích khoe khoang thành công của con và việc con cái thành công sẽ đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho bố mẹ.
Muốn làm theo ý mình nhưng nếu thất bại là lỗi của con
Trong trường hợp này, cha mẹ đối xử với con như một đồ vật. Họ tự lên kế hoạch và mong con làm theo. Thế nhưng họ không quan tâm đến hậu quả của việc kiểm soát mọi lúc. Điều này khiến trẻ nghĩ rằng nếu có chuyện gì xảy ra thì cũng là lỗi của con.
Muốn con luôn nghe lời và ở bên cạnh cha mẹ
Trong những gia đình lành mạnh, phụ huynh sẽ giúp trẻ độc lập và tự sống cuộc đời của riêng mình. Nhưng vẫn có nhiều phụ huynh không bao giờ muốn con họ rời đi. Bất kì sự lựa chọn hay chống đối nào đều sẽ bị phớt lờ trong những trường hợp như vậy. Điều họ muốn là những đứa con phải nghe lời và ở bên cạnh họ.
Bắt tin tưởng bố mẹ nhưng luôn can thiệp vào cuộc đời con
Những cha mẹ này sẽ không cho con quyền riêng tư. Nếu con cái cố tạo ra không gian và lãnh thổ riêng, những phụ huynh này sẽ buộc tội con là không tin tưởng họ. Và con họ cũng thường phải trả lời những câu hỏi như “Sao con không rửa cái cốc đó đi?” hay “Sao con lại phí tiền vào cái thư rác rưởi đó chứ?”. Những bố mẹ này đều không tôn trọng cuộc sống và những quyết định cá nhân của con.