Theo BS Nguyễn Hồng Siêm (Chủ tịch Hội Đông y HN), đến nay chưa nghiên cứu nào nói chanh đào tốt hơn chanh thường.
Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ truyền tai nhau cách ngâm, chế biến chanh đào để chữa ho cho trẻ. Thời tiết đang lạnh dần, trẻ con nếu không cẩn thận sẽ rất dễ mắc phải chứng ho gió. Tuy nhiên, việc sử dụng nước chanh đào ngâm chỉ là hỗ trợ, không phải là thuốc. Đặc biệt, chỉ dùng trong trường hợp ho gió chứ không có tác dụng khi bị ho do nhiễm khuẩn và có dấu hiệu sốt.
Chanh đào có vỏ và ruột hồng hơn
Trong khi đồng nghiệp hí hửng mua chành đào để ngâm chữa ho cho con, dù biết giá không rẻ hơn chanh thường, độc giả Nguyễn Hồng Diệp bày tỏ: "Em chẳng chê chanh không hiệu quả trong việc ngậm trị ho. Thế nhưng chanh đào và chanh thường không khác gì nhau cả. Mấy bà chị đang bị mấy bác buôn chanh "lừa" thôi. Dân gian truyền miệng thế chứ làm gì có cơ sở khoa học. Con ho không đưa đi khám, cho uống linh tinh rồi lan xuống phổi thì khỏi chữa!"
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ CK II Nguyễn Hồng Siêm (Hội đông y TP.Hà Nội) cho biết: “Đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu cụ thể nói chanh đào có tác dụng tốt hơn chanh thường hay tác dụng của chanh đào, mà chủ yếu là dựa theo kinh nghiệm dân gian. Chanh đào hay chanh thường đều là nhóm chanh và chứa nhiều vitamin C. Còn quả chanh đào có khác là bên trong ruột có màu hồng”
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm, từ kinh nghiệm dân gian thường lấy chanh đào để ngâm với đường để lấy nước cốt. Vào mùa hè, nhiều người vẫn thường pha nước chanh để uống để mát gan, mát thận và giải khát. Cũng theo dân gian, thường dùng nước tiết ra từ chanh đào ngâm để pha với mật ong, hấp cơm chữa ho gió, ho do phong hàn, ho cơ năng. Còn ho do vi khuẩn, có hiện tượng sốt kèm theo thì phải cần đưa đến bác sĩ để thăm khám.
“Những trường hợp ho mà không có sốt thì có thể dùng được, còn nếu ho mà có kèm sốt và triệu chứng khó thở tức là có nhiễm khuẩn thì cần đưa ngay đến bác sĩ để thăm khám”, bác sĩ Siêm nhấn mạnh.
Từ kinh nghiệm dân gian, khi chọn chanh để ngâm thì chọn quả chanh bánh tẻ. Trước khi ngâm cần rửa bằng nước sạch, sau đó ngâm trong nước lọc ấm có pha chút muối từ 10-15 phút thì vớt ra, để khô. Sau đó dùng tỷ lệ 1kg đường – 1kg chanh. Cứ đặt 1 lớp chanh thì đến 1 lớp đường, sau 15 ngày có thể dùng được nhưng ngâm càng lâu càng tốt. Ngoài ngâm với đường có thể ngâm trực tiếp mật ong và đường cùng với chanh đào
Bác sĩ Siêm cho biết: “Để chữa ho gió, không phải ho do vi khuẩn, có thể lấy nước tiết ra từ chanh đào cho vào chén, cho thêm một chút mật ong, với trẻ em nhỏ tuổi có thể cho thêm chút nước để làm loãng ra, tiếp đó đặt vào nồi cơm đã cạn hết nước để hấp. Nếu đã ngâm chanh đào, mật ong và đường từ đầu thì không cần cho thêm mật ong khi hấp cơm”.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm
Về lưu ý trước khi dùng, bác sĩ Siêm khuyên, phụ huynh nên nếm trước để xem có bị nóng sau khi hấp cơm hay ngọt quá không, tùy theo lứa tuổi để sử dụng lượng hợp lý. Cần pha loãng tránh để ngọt quá, trẻ càng nhỏ thì dùng lượng càng ít, độ ngọt nhẹ nhàng. Nếu ngọt sắc có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, họng.
"Nếu nước chanh đào có cho thêm mật ong để hấp ngọt quá có thể sẽ làm cho trẻ nhỏ tuổi bị khé cổ. Dấu hiệu đầu tiên của khé cổ là bỏ bú, bỏ ăn hoặc phản ứng ho do tổn thương niêm mạc”, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm cảnh báo.
Ngoài chanh đào, theo kinh nghiệm dân gian còn dùng được quả quất, vỏ chanh, rễ dâu để chữa ho. Cách dùng đơn giản có thể là để nguyên quả quất đã rửa sạch vào chén cho thêm chút mật ong hoặc đường, một chút nước, sau đó hấp cơm. Với vỏ chanh có thể cho thêm chút mật ong để hấp cơm dùng cho trẻ em, với người lớn tuổi có thể đun lên để uống. Tùy theo lứa tuổi của trẻ em để dùng lượng hợp lý, đảm bảo không ảnh hưởng đến niêm mạc cổ, họng.
Trên đây chỉ là một số thông tin, cách dùng tham khảo. Còn dùng thuốc Đông Y hay Tây Y đặc biệt là với trẻ em không nên tự tiện sử dụng, mà cần sự tham khảo ý kiến của bác sĩ.