Cháu không xinh, bà nội nghi 'khác máu'

Ngày 10/03/2014 00:00 AM (GMT+7)

Mẹ chồng thỉnh thoảng lại mỉa, nói em là kẻ ăn bám và còn nghi con em sinh ra không phải cháu bà.

Con chợt chưng hửng sau câu nói của bà, bao nhiêu vẻ háo hức trên mặt con bỗng tan biến hết. Mẹ biết, dù còn chưa hiểu được vì sao bà lại nói vậy khi con chào bà để về quê ngoại chơi, nhưng thái độ và cái nguýt thật dài của bà cũng khiến con đứng sững: “ừ, đi đi, muốn đi muốn về đâu cũng được, lúc về đây mẹ con cháu cũng tự đến chứ bà đâu có rước!”

Con ngơ ngác đưa mắt tìm mẹ, lúng búng, ngập ngừng, chừng như không biết đứng đó hay đi ra. Nhìn con mới tội nghiệp làm sao, còn mẹ thì quay đi lau vội hàng nước mắt lăn dài. Ôm con trong lòng rồi mẹ vẫn thấy cổ họng mình nghẹn đắng. Là tại mẹ, vì đã đẩy con đến nơi này – nơi chẳng có một chút tình thương nào dành cho con…

Bố mẹ gặp nhau khi cả hai còn ở nước ngoài. Lúc ấy mẹ đang học dở Đại học, nhưng vì gia đình khó khăn, rồi ông ngoại lại mất do tai nạn nên mẹ mới đăng kí đi xuất khẩu lao động, mong kiếm tiền phụ bà nuôi các cậu, các dì của con. Mẹ gặp và yêu bố, ở nơi xa xôi và thiếu thốn tình cảm gia đình đó. Bố mẹ đã nương tựa vào nhau để vượt qua những mệt mỏi, nhớ nhà và rất nhiều vất vả. Để gần 4 năm sau, bố mẹ hết sức vui mừng vì có con. Nhưng chưa thể về nhà để tổ chức đám cưới được, nên bố đành gọi điện nhờ ông bà nội đem trầu cau, lễ lạt sang bên ngoại coi như dạm ngõ, để mẹ có thể làm dâu của ông bà.

Cháu không xinh, bà nội nghi #039;khác máu#039; - 1
Mẹ chồng thỉnh thoảng lại mỉa, nói em là kẻ ăn bám và còn nghi con em sinh ra không phải cháu bà. (Ảnh minh họa).

Lúc ấy, mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ. Bà ngoại nói ở nhà kinh tế cũng khá hơn rồi nên mẹ không phải gửi tiền về nữa, để dành mà nuôi con. Nhưng ông bà nội lại gọi điện bảo nhà đang làm ăn lớn nên bố mẹ phải dồn hết tiền gửi về. Sau đó, mỗi tháng lĩnh lương bố mẹ cũng đều trích ra phần lớn gửi về nội. Số còn lại chỉ vừa đủ để chi tiêu. Kết thúc hợp đồng lao động 5 năm, mẹ đưa con về trước còn bố xin gia hạn thêm 3 năm. Ông bà thì nói mẹ cứ ở đó làm việc để vợ chồng chăm sóc cho nhau, nhưng mẹ lại muốn về để con lớn lên có ông bà, họ hàng. Hơn nữa, dù sao về nhà cũng có điều kiện chăm sóc con tốt hơn, chứ ở lại bố mẹ vừa làm vừa nuôi con cũng rất vất vả. Nhưng nào ngờ, đó lại là bắt đầu những ngày đắng cay của mẹ con mình…

Khác với thái độ niềm nở khi gọi điện cho mẹ trước đây, ông bà nội đón mẹ với thái độ vô cùng lạnh nhạt. Từ sân bay, mẹ cũng chỉ được gặp bà ngoại 1 chút rồi phải theo ông bà về quê nội. Vừa xuống xe, chưa kịp nghỉ ngơi mẹ đã được “giáo huẩn”: “Con về đây là ăn chung, ở chung, nên tiền bạc mang về đưa hết bố mẹ giữ để chi tiêu. Còn nữa, quà cáp tất cả sắp sẵn ra đó, bố mẹ còn đem biếu họ hàng”. Đau lòng nhất là ông bà không hề hỏi han gì đến con cả, và có lần vô tình mẹ nghe bà nói với bố qua điện thoại: “Tôi hỏi thật, nó có phải con anh không mà sao tóc thì cháy, da lại đen nhẻm, không giống ai ở cái nhà này hết vậy?” Lúc ấy, mẹ cảm thấy như đất dưới chân sụp xuống, thương con đến thắt ruột. Con của mẹ, dù không xinh đẹp nhưng là do bố mẹ đứt ruột sinh ra, cũng là máu mủ của bà, sao bà lại nỡ nói thế???

Cứ ngỡ ông bà lạnh nhạt như vậy vì mẹ con mình mới về đây lần đầu, còn chưa quen biết. Nhưng lâu dần tình hình cũng chẳng cải thiện hơn. Cứ như vậy, mẹ con mình dường như bị “kì thị” trong ngôi nhà to lớn này - ngôi nhà được xây bằng tiền “góp vốn” của bố mẹ. Vì sự thật là ông bà chẳng hề “làm ăn lớn” như đã nói. Từ khi về, tiền bạc bố gửi bà đều giữ hết, nên muốn chi tiêu bất cứ thứ gì mẹ đều phải ngửa tay xin. Thật chẳng dễ dàng gì, nhiều khi tiền sữa của con cũng bị kì kèo, thêm bớt từng đồng. Đã bao lần mẹ muốn đi làm để tự chủ hơn, nhưng phần vì con còn bé, phần khác vì mẹ không có bằng cấp gì nên chưa xin được việc. Vậy nên cuộc sống của mẹ con mình cứ nặng nề như địa ngục vậy. Bà luôn cho rằng mẹ là kẻ ăn bám, dốt nát,… còn con thì là đứa nhà quê, xấu xí dù con rất ngoan và lễ phép.

Nhiều lần, bà nói xa nói gần rằng mẹ con mình giống như 2 cục nợ vậy, và tỏ ra hết sức coi thường. Chẳng khi nào thấy bà bế cháu 1 lần mà toàn thấy những lời quát nạt. Ngay cả các cô chú trong nhà cũng nhìn mẹ con mình như hai kẻ xa lạ từ đâu đến. Nhiều khi ăn cơm đông người ông còn bảo mẹ bế con xuống bếp ngồi cho rộng mà không ai ý kiến gì. Nỗi tủi hơn đó chắc cả đời mẹ chẳng thể quên được.

Đôi lần, mẹ muốn gọi điện cho bố để kể hết những ấm ức trong lòng, nhưng thật khó vì gần như lúc nào mẹ cũng bị kiểm soát! Có lần thấy mẹ khóc khi nói chuyện với bố, bà liền “mỉa”: “Người ta có cưới có cheo đàng hoàng, chứ đằng này tự đưa xác đến, thì đòi gì cao sang…” Mẹ đành ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, để bố yên tâm làm việc.

Mẹ động viên mình cố gắng chịu đựng đến khi bố về mà sao lâu quá! Bà thì cứ gọi điện “động viên” bố cố gắng ở lại đó làm, nên mẹ chẳng biết khi nào nhà mình mới đoàn tụ nữa. Mẹ thì có thể chịu đựng được, nhưng thực sự mẹ không muốn con phải lớn lên trong môi trường chẳng có tình thương như thế này. Để mỗi lần bà “lườm nguýt” con như sáng nay, mẹ lại đau đến thắt ruột. Con yêu, mẹ phải làm sao đây?

Huyền Đặng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé