Chi tiết lịch tiêm chủng cho bé năm 2018 bố mẹ cần ghi nhớ

Ngày 05/01/2018 10:18 AM (GMT+7)

Dưới đây là lịch tiêm chủng cho bé năm 2018 và lưu ý các mẹ nên ghi nhớ để phòng chống những căn bệnh không mong muốn ở trẻ.

Tiêm chủng là cách an toàn để bảo vệ sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Chính vì vậy, các mẹ cần nắm vững chi tiết lịch tiêm chủng cho bé năm 2018 để thực hiện đúng độ tuổi, đúng thời gian phòng tránh những căn bệnh không mong muốn. 

Chi tiết lịch tiêm chủng cho bé năm 2018 bố mẹ cần ghi nhớ - 1

Tiêm chủng là cách an toàn để bảo vệ sức khỏe mọi người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là chi tiết lịch tiêm chủng mới nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo độ tuổi:

Sơ sinh

- Vắc xin lao mũi 1.

- Vắc xin viêm gan B mũi 1.

Từ 1 tháng tuổi

- Vắc xin viêm gan B mũi 2.

6 tuần tuổi

- Vắc xin phòng bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn mũi 1. 

Lưu ý: Với lịch 3 mũi, tiêm sớm nhất vào lúc 6 tuần tuổi và nhắc lại mũi 2 sau ít nhất 1 tháng, nhắc lại mũi 3 tiêm ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cơ bản cuối cùng. Lịch 3 mũi chỉ áp vào những quốc gia đưa vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Với lịch 4 mũi, tiêm sớm nhất vào lúc 6 tuần tuổi, nhắc lại mũi 2 sau ít nhất 1 tháng, nhắc lại mũi 3 sau mũi 2 ít nhất sau 1 tháng và nhắc lại mũi 4 sau mũi 3 ít nhất sau 6 tháng.

- Vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus liều 1.

Từ 2 tháng tuổi

- Vắc xin viêm gan B mũi 3 (Tiêm nhắc lại mũi 4 sau 1 năm, mũi thứ 5 sau 8 năm).

- Vắc xin Bạch cầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt mũi 1.

- Vắc xin viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea mũi 1.

Chi tiết lịch tiêm chủng cho bé năm 2018 bố mẹ cần ghi nhớ - 2

Ngay sau khi trẻ chào đời đã có rất nhiều mũi tiêm chủng cần được thực hiện. (Ảnh minh họa)

Từ 3 tháng tuổi

- Vắc xin Bạch cầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt mũi 2.

- Vắc xin viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea mũi 2.

- Vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus liều 2.

Từ 4 tháng tuổi

- Vắc xin Bạch cầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt mũi 3 (Sau một năm nhắc lại mũi 4).

- Vắc xin viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea mũi 3 (Sau một năm nhắc lại mũi 4).

- Vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus liều 3. 

Lưu ý: Chỉ thực hiện với loại vắc xin do Mỹ sản xuất và nên hoàn thành việc cho trẻ uống đủ liều vắc xin trước 6 tháng tuổi. Khuyến cáo, vắc xin viêm dạ dày ruột do Rotavirus càng sớm càng tốt, nên hoàn thành trước 7,5 tháng và nên uống vắc xin Rotavirus của Việt Nam là tốt nhất. 

Từ 6 tháng tuổi

- Vắc xin cúm mũi 1.

Lưu ý: Mũi 2 tiêm sau mũi 1 một tháng, sau đó tiêm vào đầu vụ cúm hàng năm là cuối tháng 9 và đầu tháng 10.

Từ 9 tháng tuổi trở lên

- Vắc xin Sởi – Quai bị - Rubella mũi 1. 

Lưu ý: Nếu mũi 1 tiêm lúc 9-11 tháng thì tiêm mũi 2 sau 6 tháng và tiêm mũi 3 sau 3-5 năm.

Nếu mũi 1 tiêm lúc trên 1 tuổi thì mũi 2 sau 4 năm.

Có thể tiêm vắc xin sởi đơn, quai bị đơn, Rubella đơn hoặc vắc xin Sởi – Quai bị - Rubella hay Sởi - Rubella.

Từ 12 tháng tuổi trở lên

- Vắc xin thủy đậu mũi 1.

Lưu ý: Trẻ từ 12 tháng đến dưới 12 tuổi nên tiêm nhắc lại sau 4 năm.

Trẻ từ 12 tuổi trở lên tiêm mũi 2 mũi cách nhau 6-8 tuần.

- Vắc xin viêm gan A mũi 1 (Mũi 2 tiêm nhắc lại sau 6-12 tháng).

- Vắc xin Sởi – Quai bị - Rubella nhắc lại.

- Vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 1.

- Vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 2 (Mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần).

- Vắc xin viêm não Nhật Bản B mũi 3 (Mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần đến 15 tuổi).

Từ 24 tháng tuổi

- Vắc xin viêm phế quản, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và viêm tai giữa mũi 1 (Tiêm nhắc lại một liều sau mũi tiêm thứ nhất 5 năm).

- Vắc xin viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn não mô cầu mũi 1 (Ba năm tiêm nhắc lại 1 lần theo chỉ định dịch tễ).

- Vắc xin thương hàn mũi 1 (Ba năm tiêm nhắc lại một lần).

- Vắc xin phòng bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn của Pháp hoặc ngậm vắc xin Immubron.

Từ 9 tuổi (Nữ)

- Vắc xin ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà hậu môn, sinh dục do virus HPV mũi 1.

- Vắc xin ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà hậu môn, sinh dục do virus HPV mũi 2 (Tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tháng).

- Vắc xin ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà hậu môn, sinh dục do virus HPV mũi 3 (Tiêm sau mũi 2 từ 4-5 tháng).

Chi tiết lịch tiêm chủng cho bé năm 2018 bố mẹ cần ghi nhớ - 3

Tiêm chủng cho trẻ là điều vô cùng cần thiết và không nên trì hoãn. (Ảnh minh họa)

Những bệnh truyền nhiễm nên tiêm

Những bệnh truyền nhiễm và vắc xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B, bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.

Trong số 10 vắc xin trên, 2 vắc xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho trẻ sơ sinh là tiêm vắc xin viêm gan virus B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao - tiêm một lần cho trẻ trong vòng một tháng đầu sau sinh.

Năm nay, vắc xin tả không còn trong danh mục vắc xin uống bắt buộc với trẻ nhỏ. Ngoài ra, các đối tượng tiêm 10 vắc xin trên được miễn phí do ngân sách nhà nước mua.

Đối tượng không được tiêm vắc xin

Với trẻ sơ sinh, chống chỉ định tiêm chủng hoặc tạm hoãn tiêm chủng khi trẻ có những biểu hiện sau:

- Sốt trên hoặc bằng 37,5 độ C/ hạ thân nhiệt dưới hoặc bằng 35,5 độ C.

- Nghe tim bất thường

- Tri giác bất thường (ly bì hoặc kích thích, bú kém,…)

- Cân nặng dưới 2000g và có các chống chỉ định khác.

Với trẻ em, chống chỉ định tiêm chủng hoặc hoãn tiêm chủng khi trẻ có những biểu hiện sau:

- Sốc, phản ứng nặng sau lần tiêm chủng trước.

- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh mãn tính tiến triển.

- Đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid/gammaglobulin.

- Sốt trên hoặc bằng 37,5 độ C/ hạ thân nhiệt dưới hoặc bằng 35,5 độ C; nghe tim bất thường.

- Nhịp thở nghe phổi bất thường.

- Tri giác bất thường và các chống chỉ định khác.

Chi tiết lịch tiêm chủng cho bé năm 2018 bố mẹ cần ghi nhớ - 4

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường kể trên cần thăm khám rồi mới quyết định có nên tiêm chủng hay không. (Ảnh minh họa)

Lưu ý sau khi tiêm chủng

- Xử trí đau ở chỗ tiêm: Nếu vết tiêm của trẻ đỏ và cứng, mẹ có thể chườm lạnh, không nên chườm nóng.

- Xử trí trẻ khi bị sốt sau tiêm: Trẻ sốt dưới 38 độ C, mẹ nên mặc thoáng, lau người cho con bằng nước ấm. Nếu trẻ sốt từ 38-39 độ C, mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt cho con, còn trẻ sốt trên 39 độ C, bố mẹ nên đưa đi viện ngay vì bất kỳ lý do gì.

Sau khi tiêm, trẻ sốt do vắc xin chỉ sốt trong 24h và uống thuốc hạ sốt một lần là khỏi.

Bài viết được tham khảo tư vấn của bác sĩ Nguyễn Đình Kim – Phòng tiêm chủng Safpo Lò Đúc

Mời độc giả gửi những video ngộ nghĩnh của các bé trong độ từ 0-10 tuổi kèm thông tin cơ bản về hòm mail: lamme@eva.vn. Ban biên tập sẽ lựa chọn những clip hay nhất để chia sẻ trên chuyên mục Làm mẹ.

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tiêm chủng mở rộng