Muốn trị bệnh lười ăn, coi thức ăn như 'kẻ thù' của con thì mẹ cần dắt lưng vài cách hay.
Với tuổi đời còn khá trẻ, chị Nguyễn Thị Thảo (Cầu Giấy – Hà Nội) đang đảm nhận chức vụ trưởng phòng đại diện của một công ty tại Hà Nội. Bên cạnh đó, chị còn là người tham gia các lớp hướng dẫn, tư vấn về dinh dưỡng cho mọi người. Công việc bận rộn với guồng quay hối hả của những chuyến công tác trong Nam, ngoài Bắc và cả nước ngoài nhưng chị luôn cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất khi có thời gian bên cạnh các con.
Điều ấn tượng ở chị Thảo là sự quyết đoán, chín chắn và sự quyết tâm hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra. Có lẽ vì vậy mà bằng những hình thức đơn giản nhưng bà mẹ trẻ này đã giúp con hào hứng với những món ăn mà bé từng không thích.
Tạo thói quen cho trẻ với việc mẹ đi công tác
Đi công tác cả tuần lễ trong TPHCM như thế này, Thảo có lo lắng cho con cái ở nhà không?
Đối với tôi quan điểm là đầu tư thời gian lúc còn nhỏ để cháu có nền tảng ngay từ bé, nuôi dưỡng cuộc sống tốt để cháu lớn lên có đầy đủ điều kiện phát triển, chứ không có nghĩa là chỉ suốt ngày ở nhà kè kè cạnh con. Thực tế, có không ít phụ nữ chọn cách ở nhà không phải vì họ không muốn xa con mà vì thói quen lười biếng hay ỷ lại nên vin vào cớ có con để chồng nuôi chẳng hạn. Khi một người phụ nữ không ra ngoài xã hội, không hiểu biết thì cách chăm con cũng không được toàn diện, thậm chí “dạy thì ít, đánh thì nhiều”… như thế là không tốt.
Những chuyến công tác cả trong và ngoài nước với Thảo gần như là thường xuyên, bạn làm gì để con quen với điều này?
Tôi nghĩ rằng quỹ thời gian dành cho con bao nhiêu không quan trọng bằng việc lúc ở bên con mẹ làm được gì. Với gia đình tôi, ông bà nội, ngoại có nhiều thời gian rỗi, ông xã cũng không quá bận rộn nên có thể đảm nhận việc chăm sóc con những lúc mẹ đi công tác. Ngay từ bé, em bé nhà Thảo không có thói quen mè nheo lúc mẹ đi công tác, bởi nếu như thế thì chính tâm lý của mẹ đi xa cũng không thoải mái. Tôi nói với mọi người trong nhà không nên nói những câu như “đấy mẹ lại đi công tác” hay “mẹ đi công tác nhiều quá”… mà phải tạo cho trẻ quen dần với điều này. Vì vậy, mỗi lần mẹ đi công tác, bé nhà Thảo ra cổng vẫy tay chào tạm biệt chứ không khóc lóc gì cả.
Bà mẹ "mát tay" chăm con Nguyễn Thị Thảo và con gái
Thưởng sao, viết món ăn lên bảng để con hào hứng ăn
Nghe nói bé nhà Thảo trước đây lười ăn lắm, bạn chắc đau đầu lắm nhỉ?
Đau đầu thì không hẳn vì con mình chỉ lười ăn những đồ như rau hoặc các món mà bé không thích chứ không phải là không ăn bất cứ cái gì. Nhiều người nếu mà như thế thì lo lắng lắm vì biết con thiếu chất. Tuy nhiên, tôi không phải trăn trở quá nhiều, vì trong quá trình tìm cách để cháu tập ăn được những thứ cháu không thích thì hàng ngày vẫn bổ sung các vitamin tổng hợp để cháu có được đầy đủ chất dinh dưỡng. Mặc dù, con tôi ăn không nhiều như các bạn khác nhưng nhờ được bổ sung các vitamin kịp thời, hợp lý, đều đặn nên sức khỏe rất tốt.
Nhiều người thấy con lười ăn thì chán nản lắm, còn Thảo thì không biết từng lâm vào hoàn cảnh như vậy chưa?
Bố mẹ thì muốn con ăn, còn con thì lười ăn hẳn là nhiều người sẽ bị chán. Nhưng Thảo nghĩ không nên như vậy, bố mẹ phải giữ thái độ vui vẻ, động viên khích lệ hơn là cáu gắt khiến trẻ càng chán. Con cái đã như thế mà bố mẹ chán chường nữa thì con sẽ càng không ăn. Đôi khi trẻ lười ăn không hẳn là do con cũng có thể do bố mẹ nấu ăn chưa đúng cách, chưa hợp khẩu vị của trẻ hoặc cũng có thể bé bị bệnh gì đó chưa tìm ra hay khả năng hấp thụ kém… nên phải biết được nguyên nhân để tìm cách khắc phục.
Có lúc nào bạn ép con ăn, vì bé không chịu ăn rau hay các món không thích?
Quan điểm của tôi là không ép con, đôi khi để đói con sẽ tự ăn một cách ngon lành. Chỉ có duy nhất một lần, tôi phải gượng ép con một chút do mẹ đột nhiên ít sữa, phải cho cháu ăn sữa bột nhưng chưa quen nên bé không chịu ăn. Tôi phải bóp sữa từ bình để cháu uống.
Tôi từng chứng kiến một người quen thường ép con ăn một bát tô cơm, thậm chí ép phải ăn hết mới cho con đứng dậy, ngày nào cũng vậy thật sự rất mệt mỏi. Sau này, khi lớn lên, em bé đó bị béo phì, cơ thể không được cân đối. Bởi, khi ăn quá nhiều cơm là đưa nhiều năng lượng vào cơ thể, cơ thể bị tích mỡ làm cho trẻ bị thừa chất. Đặt câu hỏi giả sử bây giờ đang mệt hay chán nản, không muốn ăn mà có một người bưng một bát cơm hay món gì đó bắt buộc ăn thì bố mẹ chắc cũng không thể nuốt nổi. Vì vậy, cha mẹ phải đặt vị trí của chính mình để thấu hiểu được suy nghĩ của con.
Nhưng bây giờ bé nhà Thảo lại ăn rau và các món khác mà trước đây không đụng đũa rồi. Bạn làm gì mà hay vậy?
Khi cháu từ 1-4 tuổi đúng là không ai nói với mình nhiều mẹo để có thể làm cho con hứng thú trong chuyện ăn. Xuất phát từ một lần tình cờ, đưa cháu qua nhà bác chơi thì chị dâu Thảo đã dùng cách viết tên món ăn mà cháu tập ăn thêm được lên một tấm bảng. Nhưng không ngờ, kết quả mang lại rất tốt, bé hào hứng với chuyện ăn uống lắm. Nhờ đó mà mình cũng lập ra cho con một cái bảng và viết tên các món ăn lên đó theo từng ngày.
Nhờ cách thưởng sao và viết món ăn lên bảng mà chị Nguyễn Thị Thảo đã giúp con ăn được những món mà trước đó bé không thích
Mỗi ngày sẽ viết tên của một loại rau cháu ăn được ví dụ như: bí, rau muống hay mồng tơi… lên bảng. Đó đều là những loại rau mà trước đó cháu không bao giờ ăn. Cứ như thế, sau khi ăn xong lại chỉ cho cháu biết là đã ăn được thêm loại rau nào hay món gì mà. Điều này giống như một sự kích thích làm cháu hào hứng hơn trong chuyện ăn uống. Sau mỗi bữa ăn, cháu biết được món ăn mà mình đã ăn thêm so với hôm qua. Từ đó, danh sách các loại rau hay món ăn cháu tập ăn cứ dài thêm và tạo động lực để bé nhà Thảo cố gắng ăn được nhiều hơn.
Đến thăm nhà Thảo thấy những ngôi sao xinh xắn đầu giường của bé, có điều gì đặc biệt không vậy?
Những lúc rỗi rãi Thảo lại tranh thủ gấp sao để thưởng cho con. Đó cũng là cách mà Thảo áp dụng để khuyến khích, động viên. Bé nhà Thảo khá hiếu động, thích được khen nên mỗi khi cháu làm được việc tốt cả bố mẹ và ông bà đều vỗ tay tán dương hoặc tặng sao để cháu trân trọng những việc mình làm đồng thời không ngừng cố gắng hơn nữa.
Hoặc khi cháu ăn thêm những món mà trước đây không chịu đụng đũa thì tôi lại thưởng cho cháu mấy ngôi sao gấp từ giấy. Gia đình tôi áp dụng cách thưởng sao từ năm cháu 4 tuổi, đến nay vẫn cứ như vậy và cháu luôn luôn hào hứng.
Sau khi cháu nhận được một số sao nhất định sẽ được quy đổi thành quà tặng. Ví dụ như khi được 50 sao thì Thảo sẽ mua tặng cháu một món quà, đến nay bé cũng có kha khá quà trong phòng rồi đấy. Hoặc có thể quy đổi sao ra thời gian chơi iPad, vì bé nhà mình thích sử dụng iPad để học tiếng Anh hoặc xem các video vui nhộn.
Sau những cố gắng nỗ lực của gia đình và bản thân mẹ Thảo, bé nhà bạn bây giờ hẳn là hào hứng ăn rau hoặc một số món trước đây không bao giờ đụng vào?
Đúng là mọi sự kiên trì cũng sẽ có kết quả. Nhiều bố mẹ mang tâm lý ngại nhưng Thảo nghĩ rằng vì con thì nên áp dụng tất cả các biện pháp, cách này không được thì áp dụng cách khác. Bây giờ, cháu ăn không quá nhiều nhưng đã ăn được rau mùng tơi, rau muống, các loại củ… không như trước đây nữa.
Chị Nguyễn Thị Thảo cho rằng: "Khi dạy dỗ con quan trọng là gợi ý, khích lệ
và động viên trẻ"
Gợi ý, khích lệ, động viên hơn là quát mắng
Thảo cũng hay tìm hiểu về tính cách con người, bạn nhận thấy con mình có tính cách thế nào?
Bé nhà mình có cá tính, thuộc tính cách “linh hoạt hùng lực, lạc quan vui vẻ”. Những đứa trẻ như thế có tích cách mở nghĩa là dễ nổi cáu hay nóng tính, thích chỉ trỏ để người khác làm theo ý mình, suy nghĩ thường không giấu được trong lòng. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, Thảo đã chú ý để chỉnh sửa tính của cháu. Từ năm 3 tuổi, cứ mỗi tối, Thảo lại dạy cháu phân biệt các từ tiêu cực hay tích cực, ví dụ như vui – buồn, tốt – xấu… để cháu định hình dần những gì nên và không nên làm.
Với một đứa con cá tính, người làm cha, làm mẹ chắc hẳn khó dạy dỗ hơn đúng không?
Cũng tùy cách dạy của mình như thế nào, phương pháp dạy dỗ là điều vô cùng quan trọng. Mỗi phụ huynh nên chú ý việc gợi ý, động viên, khích lệ, làm gương để con học tập chứ không nên quát mắng ầm ĩ, bắt buộc con phải làm thế này thế kia.
Với Thảo, con đã có cá tính thì phải có cách để dạy con thật hợp lý. Khi trẻ làm được việc gì tốt thì nên khen, tập trung khích lệ. Bởi trẻ con sẽ làm theo những cái được khen, còn khi trẻ làm điều không tốt thì từ từ phân tích để con dần hiểu ra.
Cảm ơn Thảo đã trả lời phỏng vấn!