Sau bài chia sẻ trên facebook về hoàn cảnh đáng thương của cậu bé 26 tháng tuổi đã phải cùng ông bà bán bột chiên từ chiều đến khuya, nhiều người đã đến ủng hộ em.
Cứ cách vài phút lại có 2,3 chiếc xe gắn máy chạy đến xe bột chiên này. Ông bà làm không kịp trở tay, nói với khách: “Tụi con thông cảm, phải chờ lâu lắm đó!”. Các khách hàng đáp lại rằng tui con chờ chứ, chờ để được ăn “bột chiên của cậu bé 26 tháng tuổi”.
Thành viên facebook H.X.H giải thích nội dung bức ảnh mà cô đã chia sẻ: "Cha chết, mẹ bỏ đi, nhà nội không chịu nhận, 18 tháng sáng ở nhà với ngoại, chiều tối đi bán bột chiên với ngoại... Thương con quá! 26 tháng mà nghe bà ngoại kể về bố mẹ cái khóc tỉnh queo. Trong hình là khoảnh khắc mà thằng bé rơi nước mắt... Khi khách ăn xong, con biết dọn bàn ghế dùm bà nữa. Nhìn nó đẩy đẩy cái ghế mà nghẹn lòng... Bất cứ ai cho tiền nó cũng "ạ cô, ạ chú" rồi lon ton chạy lại nhét vào túi bà... Mọi người ghé ủng hộ bà ngoại để bà ngoại có tiền nuôi con".
Hình ảnh của 2 bà cháu được chia sẻ làm nhiều người xót xa và cùng nhau chia sẻ.
Bất cứ ai đọc được câu chuyện cũng đều thương cho hoàn cảnh của em bé, chỉ mới 26 tháng tuổi mà đã phải vất vả lo cho cuộc sống hàng ngày. Hình ảnh của hai bà cháu bán bột chiên nhận được nhiều sự đồng cảm và chia sẻ tích cực từ cộng đồng mạng. Nhiều người rủ nhau đến ăn để ủng hộ bà và cháu bé.
Thương cảm hoàn cảnh của hai bà cháu, người Sài Gòn rủ nhau đến ăn để ủng hộ bà. Tối 16/8, khách đến ăn tại chỗ và mua mang về rất đông.
Cùng bán với hai bà cháu còn có ông Nguyễn Quang Sắt, là ông ngoại của cháu bé trong hình.
Thu hút sự quan tâm của mọi người nhất là bé Nguyễn Thanh Tuấn, 26 tháng tuổi. Cậu bé chạy lăng xăng khắp nơi, ông bà sai bảo gì thì làm nấy.
Không đủ điều kiện để đi nhà trẻ, Tuấn cùng ông bà bán bột chiên từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Có hôm đông khách, bán đến 1 giờ khuya, em nằm trong nôi ngủ, chờ ông bà dọn hàng rồi cả nhà cùng về nghỉ ngơi. Trước đó, Tuấn cũng phải lay lất cùng mẹ bán bột chiên đến 16 tháng tuổi thì lại tiếp tục bán cùng ông bà ngoại. Nhiều người ngỏ ý muốn đem Tuấn về nuôi để có cuộc sống tốt hơn nhưng ông bà không nỡ.
Thông tin chia sẻ trên facebook nói rằng bố của Tuấn đã chết là không chính xác. Theo ông Sắt, bố Tuấn vẫn đang làm việc tại Sài Gòn nhưng đã từ bỏ đứa con trai này. Mẹ của Tuấn cũng chỉ nuôi bé được 16 tháng rồi cũng bỏ đi, để bé lại cùng ông bà ngày ngày đi bán bột chiên.
Nhiều người chấp nhận chờ đợi để được ăn dĩa bột chiên của hai ông bà. Không chỉ với mục đích ủng hộ, họ còn muốn thưởng thức mùi vị của dĩa bột chiên được đánh giá là “ngon không cưỡng nổi” này.
Bà Nguyễn Thị Liên Hoa (62 tuổi, quê Huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết bà bán bột chiên tại góc đường này đã 10 năm nay nhưng chưa bao giờ lượng khách đến ủng hộ đông đến vậy.
Tuấn còn quá nhỏ để có thể phụ ông bà bưng bê, lau dọn bàn cho khách. Nhưng dường như ý thức được sự khổ nhọc của ông bà và đã quen với việc phải ra đường bán bột chiên từ lúc chập chững biết đi, nên bé vẫn đi loanh quanh dọn gọn chén bát dơ và chờ bà bảo gì làm nấy.
Thấy bàn nào chưa lau, bé đem khăn ra bàn nhưng loay hoay mãi không biết làm thế nào, có khách tự nhận khăn và lau bàn, sau đó trả lại cho bé. Tuấn vẫn vô tư như bao đứa trẻ khác và xem những chén bát, dụng cụ ở đây như món đồ chơi của mình.
Chỉ đến khi bà bảo: "Con lấy giùm bà mấy cái chén đựng tương", thì Tuấn lại tót đi cầm một xấp chén nhỏ đưa cho bà.
Với một dĩa bột chiên chỉ 18.000 đồng, rất giòn và ngon như thế, nên khách dù đợi trên 1 tiếng đồng hồ để được ăn thì cũng vui vẻ chấp nhận.
Nhiều người chờ lâu, liên tục hỏi bà Liên đã làm xong chưa, khiến bà áy náy. Bà nói: “Tôi rất cảm động và biết ơn trước tấm lòng của mọi người, nhưng mọi người kéo đến đông quá, hai ông bà tôi phục vụ không kịp thì biết làm sao bây giờ…”
Sau khi bà Liên cắt bột, ông sẽ chiên với trứng, bỏ ra dĩa, rắc mỡ hành. Rồi đưa lại cho bà để bà thêm gỏi, chế nước tương, sau đó cùng nhau bưng ra phục vụ khách.
Xe bột chiên của hai ông bà và đứa cháu nhỏ không còn cảnh ế ẩm ngày trước. Có đêm bán hết bánh, khách cũng vui vẻ ngồi chờ ông bà đi lấy bánh đem về bán tiếp.