Cho con đi học múa 1 tháng, mẹ không ngờ ngày đón con về bị bại liệt

Ngày 27/06/2018 09:33 AM (GMT+7)

Bé gái hoạt bát đáng yêu thích ca hát nhảy múa phải làm bạn với xe lăn suốt những năm tháng sau này vì bị bại liệt.

Trong một lần luyện tập khiêu vũ, khi thực hiện động tác uốn dẻo bé Đình Đình 9 tuổi ở Hải Nam (Trung Quốc) đột nhiên bị ngã, hai chân tê dại không thể đi lại như bình thường.

Mẹ của Đình Đình cho biết, em mới tham gia lớp học múa tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên quận Đồn Xương được 1 tháng thì sự việc đáng tiếc xảy ra.

Không một ai tin được bé gái hoạt bát đáng yêu thích ca hát nhảy múa phải làm bạn với xe lăn suốt những năm tháng sau này. Đôi chân nhanh nhạy ngày nào đã không còn vô tư chạy nhảy và ước mơ trở thành vũ công đành gác lại.

Theo lời giáo viên Lý – người trực tiếp dạy múa cho bé kể lại, trong lúc thực hiện động tác uốn dẻo tiểu Đình bị ngã, khi phát hiện sự việc cô đã đưa bé ra ngoài nghỉ ngơi. Thế nhưng chỉ 30 phút, cô bé liên tục kêu đau và không thể đi lại bình thường.

Cho con đi học múa 1 tháng, mẹ không ngờ ngày đón con về bị bại liệt - 1

Bé gái 9 tuổi bị bại liệt vì ngã trong lúc thực hiện động tác uốn dẻo. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ của Đình Đình sau khi được thông báo sự việc đã lập tức đưa con tới Bệnh viện quận Đồn Xương. Do cơ sở vật chất còn hạn chế nên bé được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau đó là Bệnh viện Đại học y Hải Nam thăm khám.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm tủy cấp tính dẫn tới chân tê liệt hoàn toàn, cơ hội bình phục là rất khó. Tuy nhiên, với mong muốn con có thể đi lại như bình thường, cha mẹ bé quyết định chuyển tới bệnh viện tỉnh Quảng Đông điều trị.

Sau một tháng, sức khỏe của tiểu Đình tiến triển tốt hơn, em được xuất viện nhưng đôi chân không thể lành lặn như trước. Mặc dù là tai nạn không mong muốn song sự việc là một đả kích lớn tới gia đình cũng như bản thân bé gái.

Vì sao động tác uốn dẻo gây nguy hiểm?

Nói về mức độ nguy hiểm khi thực hiện động tác uốn dẻo, chủ nhiệm khoa Nội bệnh viện đa khoa Hải Nam, bác sĩ Triệu Chấn Cường cho biết: “Trẻ em có thể uốn dẻo eo do cột sống và khớp dây chằng có tính mềm dẻo cao. Nếu được tập luyện bài bản có thể hoạt động linh hoạt dẻo dai hơn người bình thường rất nhiều.

Nhưng nếu trước khi uốn dẻo không khởi động làm nóng người hoặc thực hiện động tác khó sẽ gây áp lực lên cơ, dây chằng, các khớp sụn. Điều này dẫn tới tình trạng chèn ép tủy sống, gây tổn thương vùng eo làm khả năng tê liệt chân tay”.

Cho con đi học múa 1 tháng, mẹ không ngờ ngày đón con về bị bại liệt - 2

Trẻ mới học múa không khuyến khích thực hiện những động tác khó như uốn dẻo, xoạc chân, nhào lộn…(Ảnh minh họa)

Trên thực tế, khi tập múa trẻ không tránh khỏi những thương tích trên cơ thể. Tuy nhiên việc không thể đi lại sẽ khiến cuộc sống sau này của trẻ có nhiều khó khăn.

Bác sĩ khoa Phẫu thuật chỉnh hình Fang Yuyun nhận định, số trường hợp chấn thương do học múa tăng đáng kể trong những năm gần đây. Trong năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 100 ca, phần lớn là trẻ nhỏ bị ảnh hưởng xương cột sống.

Trường hợp của Đình Đình không phải hy hữu bởi trước đó từng có trường hợp bé trai 10 tuổi ở Trung Quốc bị ngã trong lúc nô đùa cùng bạn khiến phần xương cổ bị chấn thương. Trải qua 3 giờ phẫu thuật và thời gian dài điều trị phục hồi chức năng mới có thể đi lại bình thường.

Bác sĩ Fang cũng đưa ra khuyến cáo rằng cha mẹ không nên cuống bởi điều này sẽ khiến tình hình nghiêm trọng hơn. Nếu như được cấp cứu kịp thời và điều trị thích hợp thì phần lớn bệnh nhân có thể khôi phục lại.

Nếu phát hiện trẻ bị chấn thương xương cổ hoặc xương sống thì cần thực hiện các phương pháp sơ cứu sau:

- Không di chuyển quá nhiều, tốt nhất là để bệnh nhân nằm tại chỗ với tư thế thẳng. Sau đó cùng nẹp gỗ cố định vết thương để không bị xô lệch.

- Nhờ sự giúp đỡ của nhân viên y tế, đưa bệnh nhân lên cáng và nhanh chóng tới bệnh viện.

Lời khuyên của giáo viên

Trao đổi với phóng viên, một giảng viên dạy khiêu vũ tại thành phố Hải Khẩu chia sẻ, có nhiều phụ huynh tỏ ra nóng vội khi mới đưa con đi học múa đã hỏi “Tại sao bé nhà mình chưa thể uốn dẻo? Tại sao bé không làm được động tác này, động tác kia?...” Chính sự nóng vội muốn đốt cháy giai đoạn của các bậc phụ huynh làm tăng táp lực và nguy hiểm cho bé.

“Các bé học khiêu vũ cần luyện tập dần dần theo các giai đoạn chứ không thể nóng vội. Phải thực hiện từ những động tác đơn sau đó mới tăng dần độ khó và đòi hỏi kỹ thuật thật vững. Với bộ môn múa không phải tập ngày một ngày hai mà phải kiên trì mới có thể thành công” cô cho biết.

Những điều cha mẹ cần lưu ý khi cho con học đi học múa

- Trẻ mới học múa không khuyến khích thực hiện những động tác khó như uốn dẻo, xoạc chân, nhào lộn…

- Luôn luôn để mắt tới trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

- Trẻ gặp chấn thương trong lúc tập luyện, cố gắng trấn an tinh thần và không để bé cử động. Sau đó, áp dụng biện pháp sơ cứu cần thiết, nhờ sự giúp đỡ của nhân viên y tế và nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện.

- Khi chọn trung tâm năng khiếu cho con, cha mẹ nên chú ý tới yếu tố chuyên môn, khả năng sơ cứu cần thiết của giáo viên để bảo đảm an toàn trong thời gian tập luyện với bé.

- Ngoài ra, cha mẹ không nên ép buộc tạo áp lực với trẻ để chúng có thể thoải mái phát huy năng lực của bản thân

7 tai nạn trẻ em hay gặp nhất do lỗi chủ quan của bố mẹ Việt
Cho con đứng nghịch trong xe đẩy siêu thị, vừa trông con vừa chơi điện thoại... là cảnh không hiếm thấy ở Việt Nam.
Mộc Trác (Theo Sina)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai nạn trẻ em