Có những nguyên tắc nhất định khi cho trẻ đi bơi, cha mẹ không nên bỏ qua.
Ngày 14/5, dư luận rúng động trước thông tin 4 học sinh lớp 6 trường THCS Hồ Tùng Mậu (xã Ea Vel, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) bị chết đuối trên khu vực hồ thuỷ điện Serepok 4. Sự việc này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự an toàn của con trẻ khi đi trên sông nước. Chỉ cần một chút sơ sẩy, tính mạng và sự an toàn của trẻ có thể gặp nguy hiểm, đặc biệt nếu trẻ không biết bơi.
Nhu cầu học bơi tăng cao
Trong những năm qua, các bậc phụ huynh tại nhiều thành phố lớn đã chú ý tới việc cho con đi học bơi ngay từ rất sớm. Đặc biệt, vào mùa hè, các khóa học bơi ngắn hạn luôn kín chỗ. Với những người chậm chân, thật khó để tìm được một địa điểm hoặc khung thời gian học hợp lý, nhất là từ 17h chiều - 20h tối.
Có con trai chuẩn bị vào lớp 1, mùa hè này, anh Vinh (phố Kim Ngưu – Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng sốt sắng tìm chỗ học bơi cho con. Thế nhưng, tìm được được một lớp học bơi như ý muốn vào thời điểm này không hề dễ dàng. Bởi, không ít phụ huynh đã nhanh chân đăng ký cho con trước cả tháng trời hoặc liên hệ với thầy giáo dạy bơi từ cuối năm ngoái để “xí” chỗ trước.
Anh Vinh kể: “Tôi đôn đáo khắp mấy quận, nhưng chỗ nào cũng hết chỗ học vào khung giờ cuối buổi chiều rồi. Chỉ còn trống chỗ học vào buổi sáng đến giữa buổi chiều, thời điểm tôi không muốn cho con học vì thời tiết mùa hè rất nắng”.
Tình cảnh của anh Vinh không phải là hiếm trong những năm gần đây, khi nhu cầu học bơi dành cho trẻ em tăng đột biến. Đề phòng sự quá tải, chị Thúy (Nghĩa Tân – Hà Nội) đã nhanh chân tìm bể bơi đạt chuẩn từ cách đây 2 tháng nên hoàn toàn toàn yên tâm. Theo quan điểm của chị Thúy, bơi lội là kỹ năng quan trọng cần phải trang bị để bé mang theo cả cuộc đời.
“Tiền bạc cho một khóa học bơi có đắt đi chăng nữa cũng chỉ vài triệu đồng. Đổi lại con cái sẽ an toàn hơn khi đi biển, đi nơi có nhiều sông nước. Nếu tiếc tiền, không quan tâm đến việc cho con học bơi thì có khi hối hận cũng không kịp”, chị Thúy nói.
Nhiều ông bố, bà mẹ đã cho trẻ tiếp xúc với nước khá sớm. Ban đầu, chỉ cho con đi theo lúc bố, mẹ đi bơi hoặc là nghịch nước để quen dần. Một phụ huynh chia sẻ: “Học bơi cũng như học văn hóa không thể nóng vội được. Theo kinh nghiệm của tôi, bố mẹ nên cho bé ngồi trong chậu nước để vùng vẫy tại nhà hoặc cho bé thỏa sức nghịch nước trong bồn khi tắm với sự giám sát của người lớn. Khi bé lớn hơn, cho đi đến bể bơi để quen dần rồi cho học từ những bài cơ bản”.
Nhiều ông bố, bà mẹ cho con đi học bơi khá sớm
Một bà mẹ khác thì đưa ra kinh nghiệm tạo sự hứng khởi cho con trước khi học bơi. Người mẹ này cho biết: “Con gái ít giao lưu tiếp xúc với bên ngoài vì vậy mình muốn con ra ngoài chơi nên hay không nên cho con đam mê 1 môn thể thao .Và mình chọn cho con gái môn bơi lội, mới đầu con không thích đâu mẹ phải dẫn con đi mua sắm, cho con chọn giáo viên, cho con chọn quần áo bơi, cho con vào thăm bể bơi và thấy các chị mặc quần áo đẹp quá, bơi đẹp quá nên con mới bắt đầu. Làm quen với nước lúc đầu còn bỡ ngỡ vì vậy mẹ cho con tiếp xúc nước dần dần. Mỗi ngày một chút, mẹ cho con làm quen và dần dần trở thành thói quen nên mỗi ngày đều đặn mẹ cho con bơi 20 phút mỗi ngày. Mẹ cho con xem các thông tin bơi lội và cho con những bài học động tác bơi đẹp. Mẹ dần cho con đến với bơi nghệ thuật một cách nhẹ nhàng như vậy đó”.
Không nên ép con học bơi
Trao đổi với một số huấn luyện viên bơi lội, hầu hết đều đưa ra lời khuyên các bậc phụ huynh nên cho con cái học bơi. Việc này sẽ giúp tăng thêm sự an toàn, giúp bé có thể phản xạ nhanh hơn khi đi biển hoặc những nơi có sông nước. Những em bé từ 5 tuổi trở lên, không bị các bệnh tật như tim mạch, hô hấp có thể học bơi bình thường.
Thầy giáo Đỗ Đại Việt (Hà Nội) cho biết: “Các bậc phụ huynh thường đưa con đi học bơi từ 6 tuổi trở lên. Ở nước ngoài, chương trình học bơi dành cho trẻ em bắt đầu từ 3 tuổi. Nhưng với người Việt Nam, từ khi vào lớp 1, nhiều gia đình mới cho con đi học bơi. Bố mẹ cũng có thể cho trẻ đi học bơi từ khi 4 tuổi. Nhưng ở độ tuổi này, khi đi học bơi, giáo viên phải quản lý chặt chẽ, giám sát, cầm tay hướng dẫn bé cẩn thận”.
Theo hướng dẫn của các huấn luyện viên, trước khi cho con đi học bơi thì phụ huynh cần chú ý tìm trung tâm uy tín và kiểm tra sức khỏe tổng thể của trẻ. Nếu đưa con khoảng 6 tuổi đến học lớp đông người sẽ khó đạt hiệu quả, vì vậy, các phụ huynh có thể lựa chọn hình thức cho trẻ học kèm.
“Thời gian bơi khoảng 40 phút – 1 tiếng là vừa đủ. Bởi nếu ngâm nước nhiều quá sẽ bị mất năng lượng, một số người có thể bị dị ứng da, ảnh hưởng đến sức khỏe”, thầy Việt cho biết.
Về chế độ ăn uống, trước khi bơi có thể cho bé ăn nhẹ, tránh ăn quá no và uống sữa. Sau khi bơi, bố mẹ nên cho bé ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng lượng protit trong bữa ăn. Trước khi bơi phải khởi động kỹ để tránh bị chuột rút.
Ngoài ra, chú ý khởi động các khớp như khớp gối, khớp hông, khớp khuỷu tay... hoặc chạy nhẹ nhàng. Thông thường có hình thức tắm tráng trước khi xuống bể bơi, điều này không chỉ giúp giữ vệ sinh mà còn giúp cơ thể quen với nước. Khi xuống nước nên đi lại để làm quen với môi trường. Tuyệt đối không nhảy xuống nước và bơi ngay. Sau khi bơi nên nghỉ ngơi từ 10-15 phút rồi mới về nhà.
Còn Giáo viên Như Ý (Bể bơi khách sạn quốc tế Bảo Sơn – Hà Nội) chia sẻ: “Việc học bơi vào các mùa trong năm không riêng gì mùa hè là điều cần thiết. Học bơi để đảm bảo sự an toàn cho trẻ và góp phần đảm bảo sức khỏe”.
Theo cô Như Ý, không nên ép con học bơi quá sớm, cần tạo cho bé tâm lý thoải mái khi học bơi. Nếu bé thích mới có thể học đuợc, còn nếu bé không thích hoặc không đủ thể lực thì chỉ nên cho trẻ tập chơi với nước với sự giám sát của bố mẹ, không đưa vào động tác để luyện tập.
“Nếu bé đi học bơi sớm hơn 6 tuổi thì giữa bố mẹ và nơi dạy cho bé học bơi cần có sự hợp tác với nhau. Bố mẹ có thể đứng trên bờ hỗ trợ giáo viên dưới bể bơi, quan sát con để xem khả năng tiếp thu của trẻ”, cô Như Ý nhấn mạnh