Đến tuổi con đi học tôi mới thấm sự tủi nhục con phải gánh chịu khi có mẹ đơn thân.
“Không có bố con không đến trường” – đứa con trai 7 tuổi hét váng lên câu đó làm tim tôi nghẹn lại.
Sáu năm, một thân một mình nuôi con với trăm ngàn khó khăn, vất vả. 20 tuổi, từ một thiếu nữ xinh xắn, vì phải lòng một người cùng làng mà hóa dở dang. Trót dại, mang bầu khi anh chưa có được công việc đàng hoàng, lo sợ trách nhiệm nặng nề, anh bỏ xứ ra đi. Rồi không chịu được lời đàm tiếu, chửi chó mắng mèo của hàng xóm và sự cay nghiệt của người bố nát rượu, tôi cũng bỏ xứ lên Hà Nội. Bụng mang dạ chửa, có hôm phải ngủ gầm cầu, ăn bánh mì không để dành tiền có thể trụ lại được cái thành phố phồn hoa này.
Trời không nỡ tiệt đường người, một cô chủ tốt bụng thương cảnh tôi một thân một mình, cho chổ ở đậu và phụ cô chuyện bếp nút bưng bê. Ngày tôi phụ quán cho cô, rồi cũng nhờ cô, tối tôi nhận quần áo gia công về đơm nút, một tháng kiếm được hơn 600 ngàn đồng, chẳng dám tiêu xài, để dành sinh con. Con trong bụng ngoan ngoãn, ít khi làm tôi mệt. Tôi xa quê, xa họ hàng máu mủ, sống nhờ vào tình thương của người dưng nước lã, đôi khi tủi thân trào nước mắt, nhưng cắn răng cắn cỏ chịu đựng, vì tội mình ngu dại. May nhờ đứa trẻ trong bụng tiếp thêm sức mạnh, tôi mới có thể vượt qua và cố sống.
Vậy mà, chỉ còn một tháng nữa đến ngày sinh, trộm vào nhà vét sạch số tiền tôi dành dụm cả năm trời. Đêm đau bụng đẻ, cũng chính nhờ cô chủ nhà chở vào bệnh viện và giúp đỡ tiền viện phí, mẹ con tôi mới có thể sống tiếp…
Con ra đời, cuộc sống vất vả đến độ nào, có lẽ, chỉ những người đã làm bố, mẹ mới có thể hiểu hết; và với một bà mẹ nghèo, một thân một mình như tôi thì nỗi vất vả đó lại tăng lên gấp trăm lần. Từ một câu bé đỏ hỏn, mẹ con chúng tôi cũng đã cố gắng vượt qua, vươn lên mà sống. Chuyện sẽ vẫn yên bình nếu ngày ngày con chỉ quanh quẩn bên tôi, hủ hỉ với tôi,… nhưng khi con đến tuổi đến trường, con mới có sự biến động tâm lý khi hòa nhập vào bạn bè cùng lứa…
Đến tuổi con đi học tôi mới thấm cái sự tủi nhục mà con mình phải gánh chịu (ảnh minh họa)
Số là những lần cô chủ nhiệm mời họp phụ huynh, bạn bè con ai cũng có bố đưa đi, vào lớp hỏi thăm tình của con cái, còn con tôi chỉ có mẹ đạp xe cọc cạch tới, ngồi nghe cô khái quát tình hình rồi hai mẹ con lủi thủi đi về. Nhiều lần như thế, bạn bè hỏi “bố mày đâu mà cứ thấy mày đi với mẹ, lại xe đạp cà tàn nữa chớ?” – con tôi đứng im lặng, chẳng biết sao trả lời. Con chưa một lần hỏi bố, cũng không thiết bố là ai, nhưng từ câu thắc mắc của bạn, con bắt đầu hỏi tôi hàng loạt câu hỏi liên quan đến người bố chưa bao giờ thấy mặt ấy…
Tôi không biết nói với con thế nào, nên cứ nói dối bố đi làm xa, năm sau sẽ về thăm con… cứ thế con hết năm lớp sáu. Ngày tổng kết năm học, đi dự lễ của con cũng chỉ có bà mẹ nghèo cọc cạch xe đạp là tôi. Khi con lên bục nhận giấy khen, những đứa bạn cùng lớp lại hò nhau bắt nạt, bảo “mày không có bố, mày là con hoang không được nhận quà, không được đi học!” rồi đẩy con ngã… Con chạy lại ôm tôi khóc, hỏi “con hoang là sao hả mẹ?” rồi bảo về nhà đi mẹ, con không muốn ở trường, không muốn có bạn…
Vừa rồi, trường thông báo nhập học, tôi đưa con đến lớp nhưng con bảo không đi học nữa, không muốn bị chúng bạn nói là đồ con hoang – dù con không hiểu “con – hoang” nghĩa là sao… Tôi đỗ con đủ đường nhưng con cứ ngồi vạ ra, khóc ngất. Con hỏi “sao mẹ nói bố đi làm ăn xa, hứa năm nay sẽ về với con mà không thấy? Con phải chờ đến khi bố về, con dẫn bố đến trường cho chúng nó thấy bố…”.
Con đâu biết, có thể trong suốt cuộc đời này, mãi mãi con sẽ không thể gặp được người bố đó. Mãi mãi đời này chỉ có mẹ là luôn bên cạnh con. Nhưng tôi biết làm sao để con hiểu được điều đó trong khi con còn là đứa trẻ?
Tâm sự của một độc giả giấu tên