Cuộc sống "sôi động" của bé trai Việt 8 năm liền sống nhờ ống thở khiến y học kinh ngạc

Ngày 25/11/2016 00:06 AM (GMT+7)

8 năm liền Quang Khang ngậm ống thở và nằm liệt trên giường bệnh nhưng vẫn có thể học toán, vẽ hàng trăm bức tranh mang nhiều ý nghĩa về cuộc sống xung quanh.

8 năm ròng vừa điều trị trên giường bệnh vừa học vẽ, học toán

Tìm đến Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định thăm Khang vào một buổi trưa, những gì diễn ra trước mắt thực sự khiến tôi khó kìm nén được cảm xúc.

Trên giường bệnh đặt gần tường, bé Nguyễn Quang Khang (9 tuổi) nằm nghiêng, miệng ngậm ống thở, tay phải cầm bút lông đang cố gắng hoàn thành những nét vẽ cuối cùng của bức tranh. Trên chiếc ghế nhựa đặt cạnh giường, chị Lê Thị Trò (SN 1973, quê ở thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, mẹ của Khang) âu yếm dõi ánh mắt theo từng nét bút của con.

Nghe chị Trò kể, vợ chồng chị sinh được 3 người con trai nhưng không may chỉ có con đầu khỏe mạnh bình thường, 2 bé sau đều mắc căn bệnh teo cơ tủy bẩm sinh SMA - Spinal Muscular Atrophy. Bé trai thứ hai ở với bố mẹ chẳng được bao lâu thì qua đời.

Cuộc sống quot;sôi độngquot; của bé trai Việt 8 năm liền sống nhờ ống thở khiến y học kinh ngạc - 1

Chị Trò luôn túc trực bên con, dạy con học toán, viết chữ, vẽ tranh.

Còn Khang là con út sinh năm 2007, bé phải nhập viện để điều trị căn bệnh ung thư quái ác này khi chưa đầy 1 tuổi.

Không muốn phải mất thêm một người con nào nữa, chị Trò giành dụm số tiền tiết kiệm đưa con lên bệnh viện tỉnh điều trị. Đến nay đã 8 năm ròng chị theo con trên hành trình giành giật sự sống.

“Tôi luôn canh cánh nỗi lo, nếu một ngày nào đó Khang cũng sẽ bỏ tôi mà đi. Mất một người con tôi như bị cắt đi từng khúc ruột rồi…” chị Trò đưa bàn tay gầy gò, gân guốc khẽ lau những giọt nước mắt.

Khi Khang đến tuổi đi học, chị Trò nảy ra ý định dạy chữ cho con. Từng ngày, từng ngày bên giường bệnh, chị Trò kiên trì, tỉ mẩn chỉ cho con học, cầm tay con tập viết, giúp con làm toán.

Cuộc sống quot;sôi độngquot; của bé trai Việt 8 năm liền sống nhờ ống thở khiến y học kinh ngạc - 2

Dù phải đeo ống thở, tay với những dây truyền lằng nhằng nhưng Khang vẫn say sưa với những bức vẽ.

“Bây giờ, Khang đã có thể ghép vần những từ đơn giản và làm được toán cộng, trừ ba con số. Còn vẽ không ai chỉ dạy, thấy Khang thích thì tôi tìm giấy bút, làm giá vẽ cho con”, chị Trò tâm sự.

Khi chị dạy cho con học chữ, làm tính, cũng có người nói “bệnh thế này học để làm gì”. Nhưng chị bỏ ngoài tai, chị muốn mỗi ngày trôi qua đều trở thành một ngày vui của con. Với chị, việc dạy con học để giúp con có thêm hy vọng, thêm niềm vui sống và cũng để mẹ con có khoảng thời gian vui vẻ bên nhau.

“Khang thích vẽ, tôi thật sự rất vui. Tôi động viên để cháu vẽ càng nhiều càng tốt, bởi đó là cách để cháu cảm nhận niềm vui cuộc sống” chị Trò tâm sự.

Vẽ tranh qua lời kể của mẹ về thế giới xung quanh

Từ đầu năm 2014 đến nay, Khang đã vẽ hàng trăm bức tranh về phong cảnh, về chó, mèo, chim muông, hoa lá… Lúc đầu nét vẽ còn đơn giản, sơ sài; càng về sau nét vẽ lại càng cứng cáp. Và đến nay, mỗi bức tranh của Khang, dù có chú thích hay không, cũng đều mang đến cho người xem một thông điệp nào đó.

Mỗi khi Khang vẽ, cho đến lúc hoàn thành bức tranh, đều phải có người túc trực (thường là mẹ) để giúp em xê, xích giá vẽ hoặc lấy bút lông, màu tô các loại. Khang chỉ có thể nằm, miệng ngậm ống thở đầy khó nhọc và vướng víu, đầu quay sang một bên, tay phải tì lên cằm rồi vẽ. Chỉ bằng cách ấy, đến nay hàng trăm bức tranh của Khang được hoàn thành. Nhìn những bức tranh ấy không chỉ chị Trò mà nhiều người xem rớt nước mắt.

Xem thêm: Nhờ bí quyết nhỏ này, mẹ trẻ nuôi 3 con ăn dặm "nhàn như đi chợ"

Cuộc sống quot;sôi độngquot; của bé trai Việt 8 năm liền sống nhờ ống thở khiến y học kinh ngạc - 3

Cậu bé Khang hiện lên trong bức vẽ của chính mình.

Gắn chặt với giường bệnh cùng máy thở 8 năm ròng, Khang gần như không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Mọi hình dung của em chỉ thông qua những câu chuyện kể của cha mẹ, người thăm nuôi cùng truyện cổ tích, truyện tranh mà gia đình mang vào.

Hiểu biết về thế giới đầy hạn hẹp thế nhưng những gì hiện lên trong tranh của Khang lại hết sức phong phú, ngộ nghĩnh về ý tưởng, khá sâu sắc về nội dung.

Những bức Mục đồng, Tát nước, Ngày mùa… là cách Khang đưa vào tranh những hình dung về quê nhà mình, qua lời kể của mẹ. Những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích như Rùa và Thỏ, Trí khôn của ta đây, Cóc kiện trời… được Khang “chuyển thể” thành những bức họa sinh động, vui tươi, ngộ nghĩnh.

Bên cạnh mảng tranh về các nhân vật hoạt hình, cổ tích, muông thú khiến người xem rơi nước mắt là bức tranh Khang vẽ chính mình - một bệnh nhi trên giường bệnh, miệng ngậm ống thở, đang được y tá chăm sóc.

Cuộc sống quot;sôi độngquot; của bé trai Việt 8 năm liền sống nhờ ống thở khiến y học kinh ngạc - 4

Bức tranh "ước mơ trở về nhà" của Khang khiến không ít người xem rớt nước mắt.

Một bức tranh khác cũng vô cùng ấn tượng là “Ước mơ em được về nhà”. Đây là ước mơ giản dị nhưng thể hiện sự khao khát cháy bỏng của Khang. “Trước cổng nhà, cha và bà nội đã đứng đón sẵn, mẹ đi cùng con và tay xách nhiều đồ. Con cũng cầm một túi nhỏ, anh hai từ nhà bước ra đón con với những bước chân sải dài đầy mừng vui, hai tay chìa về phía con, ý nói để anh xách cho. Bà nội vì quá mừng đến phát khóc nhưng cố kìm lại nên miệng nội trông như mím lại, con cố ý vẽ chi tiết miệng nội như vậy”, Khang dùng lời nói để miêu tả lại những gì em vẽ.

Tạm biệt hai mẹ con Khang tôi ra về mà trong lòng nhiều cảm xúc. Ước mong cho Khang và mẹ đủ mạnh mẽ vượt qua quãng thời gian khó khăn, có thể hoàn thành ước mơ giản dị là sớm được trở về nhà với nhiều người thân đang đứng đợi.

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Dũng (Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi) cho biết: “Hơn 8 năm qua, Khang liên tục phải thở máy, trong đó có 2 lần ngừng tim do viêm đường hô hấp, nhiễm trùng phổi. Nhưng sau khi được hồi sức cấp cứu, Khang đã trở lại bình thường.

Đây là một trường hợp hiếm gặp không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, bởi lẽ y văn thế giới chưa ghi nhận bệnh nhân nào phải thở máy liên tục mà sống được trong thời gian dài như vậy. Có thể nói, Khang là một người có nghị lực phi thường”.

Kim Oanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội