Ở cái tuổi đáng lẽ được vui vầy với con cái, cô Phan Thị Nghinh (Nam Định) vẫn ngày đêm ngược xuôi trong viện chăm đứa con đang bị ung thư.
7 năm ròng đi tìm đứa con
Cô Phan Thị Nghinh có gương mặt thật thà, chất phác, dáng vẻ lam lũ tần tảo của những bà mẹ quê không lẫn vào đâu được: cái áo chống nắng mặc ngoài bạc phếch, cái quần đen nhạt màu xắn móng lợn cao thấp hai bên, đôi dép tổ ong mòn vet... Cô phủi phủi qua nền cầu thang rồi ngồi bệt xuống, kể cho tôi nghe về câu chuyện đời mình.
Cô bảo, cuộc đời mình tưởng chừng không tránh khỏi cảnh “chăn đơn, gối chiếc”. Nhưng đến năm 31 tuổi, nhờ mai mối, cô đã có được một “tấm chồng”, đó là chú Đoàn Văn Hưng.
Lấy nhau đã vài năm nhưng vợ chồng già mãi chẳng có nổi một mụn con khiến cho ngôi nhà càng thêm lạnh lẽo, trống trải. Vậy là, cô lại đi gõ cửa nhiều nơi chữa bệnh, chỉ mong sao sớm ngày được ngày được nghe tiếng bi bô con trẻ.
Hạnh phúc cuối cùng cũng đến với đôi vợ chồng già khi đến năm 2003 (7 năm sau ngày cưới), cô được đón đứa con đầu lòng đặt tên là Đoàn Văn Hiệp. Cô bảo, “bế đứa con – một thằng cu, tôi thấy đời mình như có ánh sáng”.
Kể từ ngày có con, vợ chồng cô như có thêm động lực để làm việc. Cô hy vọng có thể cho con được một cuộc sống đủ đầy như bao bạn bè cùng chăng lứa. Với cô Hiệp là niềm vui, là niềm hi vọng lớn lao, vì vậy “đi đâu, làm gì hai mẹ con cũng có nhau”.
Tái dại khi nghe tin con bị ung thư
Niềm vui của người mẹ già ấy ngắn chẳng tày gang. Năm lên 11, sau những trận sốt liên miên, cân nặng của Hiệp sụt một cách nhanh chóng. Cô đưa con đi khám và nhận được kết quả như sét đánh ngang tai, Hiệp bị u nguyên bào thần kinh giai đoạn 3.
Trong ổ bụng Hiệp có một khối u lớn nằm vắt qua cột sống từ phải sang trái và nhiều hạch u nhỏ khác đang xâm lấn các cơ quan bên trong. Cháu phải phẫu thuật. Người mẹ nghèo tái dại khi nghe tin đấy.
Gương mặt cô Nghinh hằn rõ những nét nhọc nhằn, vất vả.
Nhà cô làm gì có tiền. Hơn 1 sào ruộng của nhà, nhận khoán thêm ruộng của người ta, một vụ lúa 6 tháng quần quật làm lụng, trả tô trả thuế rồi trừ hết chi phí thu được 1 tạ thóc, quy đổi được 700 nghìn đồng. 700 nghìn đồng nửa năm đồng ruộng, ăn còn chẳng đủ no, lấy gì tiền chữa chạy cho con ?
Nhưng đứa con mong chờ, đứa con dứt ruột đẻ ra, sao cô bỏ mặc nó được. Cô lại khẩn khoản từng nhà, vay nợ từng đồng để con có tiền khám chữa. Kể từ ngày con nằm viện để chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác cũng là ngày những vật dụng có giá trị trong nhà cứ lần lượt ra đi. Đến cả ngôi nhà để chui ra chui vào những khi nắng mưa cô cũng cầm cố cho người ta, đâu chừng được 70 triệu đồng.
Suốt 6 năm chữa bệnh cho con, cô chưa có một đêm được ngủ ngon giấc, cô luôn trằn trọc với nỗi lo làm sao giữ được hơi thở cho con. Những ngày con nằm viện, cô cũng một thân một mình lên Hà Nội chăm con. Để kiếm thêm thu nhập, trong những tháng ngày con nằm viện cô lại xin đi làm đủ thứ việc từ bốc vác, rửa chén bát thuê…
Điều kiện gia đình không có, mỗi bữa cô cũng chỉ dám ăn suất cơm 10.000VNĐ gọi cho là ấm bụng, đêm đến cô chỉ quanh quẩn ở hành lang bệnh viện để ngủ.
Tại Khoa Ung bướu – Bệnh viện Nhi TW có lẽ người ta đã quá quen với người mẹ già ấy. Lần đầu tiên nhìn thấy nhiều người sẽ lầm tưởng cô đi chăm cháu chứ không phải chăm con. 7 năm ròng chăm con chăm viện, chỉ một thân một mình cô lo liệu. Có những lúc đi làm thuê không trông được con, cô lại nhờ những gia đình khác tại viện trông giúp.
Cuối tháng 4/2015, nhờ số tiền vay mượn và từ các nhà hảo tâm, Hiệp được mổ. Ca mổ diễn ra khá tốt. Em đã có thể đi lại bình thường, thậm chí còn có thể chạy nhảy. Người mẹ ấy đã có thể nở một nụ cười nhẹ nhõm sau bao nhọc nhằn, gian khó.
“Con không muốn bố mẹ phải ra ngoài đường ở vì con”
Tưởng rằng cơn bão đã đi qua nhưng vào hồi tháng 1/2016, em lại lên cơn đau bụng, sụt cân nhanh chóng. Người mẹ già ấy lại một thân một mình đưa em lên Hà Nội khám và nhận kết luận em bị xoắn ruột treo ruột non, trong bụng vẫn còn những ổ hạch. Vậy là em lại phải nằm viện, bắt đầu những đợt hóa trị.
17 tuổi nhưng trông Hiệp giống như một đứa trẻ cấp 1. Những đợt hóa chất truyền vào người khiến em chẳng thể lớn nổi. Trong đợt mổ vừa qua, em sụt giảm chỉ còn 24kg.
Thân hình chỉ còn da bọc xương của Hiệp sau những lần điều trị hóa chất.
Nước da đen nhẻm, thân hình chỉ còn da bọc xương nhưng Hiệp vẫn luôn nở một nụ cười lạc quan: “Em sắp khỏe rồi. Em mong muốn mình sẽ sớm khỏi bệnh để được về đi học. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này có thể làm bác sĩ, đi làm kiếm tiền cho mẹ đỡ vất vả”.
Nhìn nụ cười của đứa trẻ ấy, cô Nghinh không cầm được những giọt nước mắt: Hành trình đi tìm sự sống cho con sao nó lại dài và gian nan đến vậy. Tôi chẳng biết lấy đâu ra tiền để chữa trị cho con nữa cả. Nơi nào có thể cậy nhờ được, tôi đều tìm đến cả rồi. Có khi tôi lại phải cầm nhà cho người ta nữa thôi…”
Nghe đến đây Hiệp giãy nảy: “Con không muốn điều trị nữa đâu, con khỏe rồi, mẹ cho con về đi. Con không muốn cả nhà mình phải ra ngoài đường ở vì con đâu…”. Hai mẹ con lại ôm nhau khóc.
Cái nghèo, cái đói, cả sự vất vả cứ đeo bám người mẹ ấy mãi không thôi. “Tôi cũng chỉ mong một gia đình ấm êm, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Mà sao nó khó đến vậy?” nước mắt của người mẹ ấy cứ chảy dài trong cái hành trình dài đằng đẵng đi tìm sự sống cho con.