Gợi ý cha mẹ những chữ hay nên xin ông đồ đầu năm cho con gặp nhiều điều tốt đẹp.
Xin chữ đầu năm là một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà thường lên chùa cầu may, xin chữ của các ông đồ học rộng, biết nhiều để "lấy hên", gửi gắm những nguyện vọng, ước muốn vào chữ mình đi xin. Tùy vào cá tính, nghề nghiệp và lứa tuổi của mỗi người, mà những chữ được xin cũng khác nhau. Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ có thể dựa vào tính cách, kì vọng của con mình để xin những chữ thật hay, thật ý nghĩa và ưng ý cho con.
Gợi ý cha mẹ những chữ nên xin ông đồ đầu năm cho con gặp nhiều điều tốt đẹp dưới đây:
Chữ Đăng Khoa (登科): thi cử đỗ đạt
Chữ Đăng Khoa thể hiện mong muốn con thi cử đỗ đạt, vinh danh khoa bảng.
Chữ Cát (吉): điều tốt lành
Chữ Cát gồm chữ Sĩ (士 - sĩ tử, người có chí khí) ghép với bộ Khẩu (口 - miệng), ý nói: lời mà kẻ sĩ nói ra đều là lời hay ý đẹp. Chữ Cát thể hiện mong muốn mọi sự đều tốt đẹp của con người.
Chữ Phúc (福) : điều may lớn, điều mang lại sự tốt lành lớn.
Chữ Phúc tiêu biểu cho may mắn sung sướng, thường dùng trong từ “hạnh phúc”.
Chữ Lộc (禄) : những gì của trời ban cho con người như khoa bảng, địa vị xã hội, danh giá, tăng thưởng, lương bổng. Lộc càng dồi dào, cuộc sống vật chất càng hạnh phúc dễ dàng.
Thời xưa, Lộc chính là sự ghi nhận công lao các Quan: công lao với Dân và công lao với Vua, với Nước. Có công lao thì sẽ có Lộc!
Chữ Trí (智): sự thông tuệ, sáng suốt, hiểu biết
Chữ Trí bao gồm chữ Tri (知 - sự hiểu biết) và chữ Nhật (日 - mặt trời, ý chỉ sự sáng suốt, tỏ tường). Như vậy, chữ Trí thể hiện sự thông tuệ, sáng suốt, hiểu biết.
Chữ Thành (成): làm mọi chuyện đều được hoàn thành, trọn vẹn
Thành trong Hoàn Thành, có ý muốn nói tâm nguyện làm chuyện gì cũng được trọn vẹn.
Chữ Tâm (心): Theo lối viết tượng hình, chữ Tâm chỉ quả tim. Hiểu rộng ra, Tâm chỉ tâm trí, tâm hồn.
Chữ Tâm hàm ý, làm việc gì mà cũng đặt hết cả con tim và khối óc mình vào đó, tức là có "tâm" thì kiểu gì cũng sẽ thành công.
Xin chữ đầu năm là một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Chữ Đức (德): sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình.
Chữ Đức được kết hợp từ ba bộ chữ là chữ sách, chữ trực và chữ tâm. Trong đó, chữ sách có nghĩa là bước đi, hành động; chữ trực nghĩa là ngay thẳng, chính trực; chữ tâm mang ý nghĩa về sự suy tư, về ý nghĩ, tư duy. Như vậy có thể hiểu một cách khái quát: Chữ Đức nghĩa là sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình.
Chữ Nhẫn (忍): độ lượng, khoan dung, nhận đúng bản chất mà kiên tâm nhẫn nại. Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người.
Chữ Nhẫn được ghép từ hai chữ Đao ở trên và Tâm ở dưới. Tâm ( 心 ),tức là trái tim mà không chịu nằm yên thì Đao ( 刀), tức con dao, sẽ phập xuống tức thì. Ý nói, tự mình mà nhẫn nhịn được thì đao kề cổ vẫn bình yên vô sự, bằng không thì tai họa sẽ giáng xuống đầu mình trước tiên. Khi gặp chuyện, biết nhẫn nhịn thì mới chuyển nguy thành yên, bại thành thắng, dữ thành lành,…
Chữ An (安): an toàn, bình an.
Chữ An bao gồm bộ Miên (宀- mái nhà, mái che) và bộ Nữ (女- nữ giới, con gái) - ý nói có người phụ nữ trong nhà thì gia đình luôn ấm êm. Vì vậy, chữ An mang nghĩa an toàn, bình an.
Chữ Tài (才): tài năng
“Tài”, hay tài năng, là khả năng làm được những công việc, hoặc một nghề nào đó với chất lượng tốt và hiệu quả cao.
Chữ Đạo (道): Vừa mang nghĩa là đường đi, vừa còn có ý chỉ lẽ phải, luân thường, đạo lý.