Người mẹ cho rằng với cách rung lắc đầu sẽ giúp con thông minh và lanh lợi hơn nhưng kết quả thật đáng tiếc.
Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao truyền tay nhau đoạn video người mẹ trẻ đưa con đi massage phục hồi chức năng bằng cách lắc đầu liên tục trong thời gian dài.
Hình ảnh cắt từ video người đàn ông liên tục rung lắc đầu em bé.
Người mẹ cho biết để giúp con thông minh, lanh lợi và khả năng phản xạ nhạy bén, cô tìm tới “thần y” có khả năng massage bằng phương pháp rung lắc giúp bé thư giãn.
Theo đoạn video này, một người đàn ông ngồi trước ống kính ra sức lay đứa trẻ mặc cho bé gào khóc. Cảnh tượng trong đoạn video khiến nhiều người xót xa, lo lắng cho sức khỏe của em bé, một số khác chỉ trích việc làm của người mẹ.
Chứng kiến hành động của người đàn ông, cư dân mạng cho rằng với người khỏe mạnh cũng chưa chắc chịu được huống hồ là một đứa trẻ. Người mẹ quá nhẫn tâm với con mình. Thật tội nghiệp cho bé.
Sau khi trở về nhà, đứa trẻ có dấu hiệu chán ăn hay nôn chớ, người mê mệt. Người mẹ lập tức đưa con tới bệnh viện, tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé có dấu hiệu của “hội chứng rung lắc”, nguy cơ cao mắc bệnh bại não.
Các chuyên gia cho biết hộp sọ của trẻ em còn khá mềm lại có những khoảng trống để não tiếp tục phát triển nên việc rung lắc có thể khiến não trẻ bị bầm tím, xuất huyết dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.
Bé có nguy cơ cao mắc bệnh bại não nếu bị rung lắc mạnh. (Ảnh minh họa)
Ở Việt Nam, cũng từng có trường hợp trẻ bị chấn thương não hoặc tử vong do bị rung lắc. Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) từng tiếp nhận bệnh nhi N.T.T. (2 tuổi, Gia Lâm - Hà Nội) được đưa vào bệnh viện cấp cứu với dấu hiệu suy hô hấp, lơ mơ, chân tay yếu. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện một ổ nang dịch ở khoang dưới nhện của bán cầu đại não.
Theo lời kể của mẹ cháu bé, trong lúc chơi đùa với con, bố cháu cho con chơi trò 'máy bay' nhằm chọc bé cười nhưng đến tối thì thấy bé bắt đầu co giật. Gia đình cho điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm mới đưa nhập viện.
Một trường hợp tương tự nữa là bệnh nhi nữ N.T.K. (10 tháng tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình) được gia đình đưa vào cấp cứu với chẩn đoán xuất huyết não. Người nhà cho biết sau khi cho bé nằm võng ngủ trưa do anh trai lắc, thì xảy ra tình trạng nôn ói, vùng da trán tím tái, bỏ bú… Kết quả chẩn đoán cho thấy bé K. bị chảy máu não.
Theo các chuyên gia tại khoa Nhi, Bệnh viện Chicago (Mỹ), một trong những nguyên nhân gây ra chấn thương đầu, chấn thương não do lắc mạnh (hay còn gọi là Hội chứng rung lắc SBS - Shaken Baby Syndrome) ở trẻ là do những người chăm sóc trẻ. Có thể do cha mẹ không có kinh nghiệm nuôi con nên đã đùa giỡn với con, hoặc nhanh muốn con nín khóc nên đã dỗ, nựng bé mạnh tay... Cũng có trường hợp do cha mẹ vô tình, thiếu hiểu biết về việc dỗ trẻ, nên đã tung bé lên rồi đỡ, khiến trẻ bị nạn.
Các chuyên gia tại Hiệp hội Thần kinh Mỹ cảnh báo rằng việc lắc trẻ dù mạnh hay nhẹ, ít hay thường xuyên cũng có thể gây ra những vấn đề tiêu cực cho sức khỏe. Trẻ có thể bị tổn thương hộp sọ, chấn thương mạch máu trong não và gây chảy máu dưới hốc mắt, trong hộp sọ. Khi thấy dấu hiệu như trên, cha mẹ cần đưa con đi khám và làm các xét nghiệm, chiếu chụp cẩn thận. Nên áp dụng liệu pháp ngôn ngữ (ngôn ngữ trị liệu), điều trị thị lực; liệu pháp vật lý song song việc điều trị bằng thuốc và các phương pháp điều trị khác để giúp trẻ nhanh phục hồi.
Cách dỗ dành tốt nhất cho mẹ là ôm bé vào lòng, nhẹ nhàng vuốt ve để bé có cảm giác an toàn. (Ảnh minh họa)
Một số dấu hiệu và triệu chứng nhận biết sớm bị hội chứng rung lắc:
Trên thực tế việc rung lắc trẻ không nguy hiểm tính mạng song ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển về trí tuệ của bé. Mẹ nên theo dõi những dấu hiệu sau để phát hiện và có biện pháp chữa trị kịp thời.
Trẻ mê mệt, khóc nhiều
Trẻ nhỏ thường khóc khi mẹ không kịp thời đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, nếu bé quấy khóc suốt ngày đêm hoặc ngủ li bì, kém linh hoạt, phản xạ yếu ớt… thì rất có thể bé bị bại não, mẹ cần đặc biệt chú ý.
Co giật, nôn mửa
Trẻ có các tư thế bất thường như cổ mềm rũ, lưng yếu, các khớp và cơ yếu, chậm ngẩng đầu, nâng tay, không giữ được thăng bằng. Thậm chí là co cứng khớp, co cứng cơ.
Rối loạn thần kinh
Trẻ thường xuyên bị hoảng loạn, nhận thức kém như không biết quen lạ, không biết biểu lộ tình cảm, chậm nói, không đáp ứng với tiếng gọi, tiếng động. Nếu trẻ có hiện tượng này, mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để kiểm tra.
Lưu ý: Khi trẻ quấy khóc, cách dỗ dành tốt nhất cho mẹ là ôm bé vào lòng, nhẹ nhàng vuốt ve để bé có cảm giác an toàn, tuyệt đối không tung hứng bé lên cao tránh để lại di chứng nặng nề cho trẻ.